Bệnh viện Nhi đồng 2 – Hỗ trợ mạnh cho tuyến dưới

11-10-2011 17:10 | Tin nóng y tế
google news

Bước sang năm 2011, các bệnh viện TP. HCM tiếp tục tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh bạn, khi có yêu cầu thì các bệnh viện từ hạng II trở lên của TP. HCM tăng cường cử cán bộ y tế

Bước sang năm 2011, các bệnh viện TP. HCM tiếp tục tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh bạn, khi có yêu cầu thì các bệnh viện từ hạng II trở lên của TP. HCM tăng cường cử cán bộ y tế đến các bệnh viện quận, huyện của thành phố để hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn nhằm giảm tải cho tuyến trên.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cử đoàn bác sĩ đến công tác tại Bệnh viện Bình Thạnh theo Đề án 1816 gồm 20 bác sĩ thuộc các khoa hô hấp chuyên sâu, tiêu hóa, nhiễm, hỗ trợ 10 lĩnh vực chuyên môn: Nội tổng hợp nhi, Tiêu hóa nhi, Cấp cứu nhi, Khám bệnh nhi, Dinh dưỡng trẻ em, Hô hấp nhi... Trong 5 tháng, 50 chuyên đề đã được các thầy thuốc hướng dẫn chuyển giao cho tuyến dưới như tiếp cận xử trí sốt co giật, tiếp cận xử trí theo dõi bệnh động kinh, sàng lọc bệnh, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng... Bên cạnh đó, cán bộ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tham gia hội chẩn và xử trí 27 ca bệnh nhi nặng trên tổng số 1.078 trường hợp khám điều trị trong quá trình thực hiện đề án.
 Lớp hồi sức sơ sinh do BV Nhi đồng 2 mở tại BVĐK Đăk Nông.

Không chỉ tăng cường trong ngành y tế của TP. HCM, các thầy thuốc của Bệnh viện Nhi đồng 2 còn đến với vùng đồng bào Tây Nguyên. Trong năm 2010, bệnh viện đã tiến hành triển khai Đề án 1816 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông với chương trình: “Hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực nội Nhi và sơ sinh”. Theo BS. Hồ Lữ Việt, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 2, mục tiêu của việc tăng cường thầy thuốc cho Bệnh viện tỉnh Đăk Nông là nhằm nâng cao kiến thức - kỹ năng thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh: Chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về hồi sức cấp cứu nhi theo hình thức “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Đoàn bác sĩ tăng cường của Bệnh viện Nhi Đồng 2 gồm 12 cán bộ y tế luân phiên đến làm việc tại Đắk Nông, trong đó có 2 ê-kíp: 1 ê-kíp chuyển giao kỹ thuật về hồi sức sơ sinh và 1 ê-kíp hướng dẫn xử trí các bệnh lý nhiễm thường gặp. Trong thời gian công tác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực nội nhi và sơ sinh, tham gia khám chữa bệnh cho người dân, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn cho các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, các bác sĩ trong đoàn công tác còn tham gia hội chẩn, xử trí những ca bệnh nặng, khó chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh công tác chuyên môn, Bệnh viện Nhi đồng 2 còn giúp đỡ trang bị một số phương tiện về hồi sức cấp cứu Nhi cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.  

Sau gần 2 tháng thực hiện, hoạt động khám – chữa bệnh của đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện đã bước đầu thực hiện được các kỹ thuật chuyển giao. Nhiều trường hợp bệnh nặng đã được điều trị thành công ngay tại bệnh viện mà không cần chuyển lên tuyến trên. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị và nhân sự, song Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đã rất tích cực hợp tác với Bệnh viện Nhi đồng 2 trong việc thực hiện Đề án 1816. Các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông có quyết tâm cao và  tinh thần học hỏi không ngừng để nâng cao khả năng chuyên môn.

Chương trình “Hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực nội nhi và sơ sinh” nằm trong khuôn khổ Đề án 1816 tại Đắk Nông đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Đánh giá về hiệu quả thực hiện Đề án 1816 của các bệnh viện trong thành phố, BS. Phạm Việt Thanh – Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, hiệu quả cao nhất của ngành y tế sau 3 năm thực hiện Đề án 1816 là đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đưa dịch vụ kỹ thuật cao đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã có thể triển khai thường quy các kỹ thuật chuyên môn cao như: phẫu thuật sọ não, vi phẫu thuật, thận nhân tạo, can thiệp mạch máu, phẫu thuật nội soi… các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã mạnh dạn giữ bệnh nhân ở lại điều trị góp phần giảm tải cho tuyến trên. Đặc biệt, đề án này đã làm thay đổi nhận thức về tính trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội của các cán bộ y tế thành phố đối với đồng nghiệp của mình đang làm việc tại những vùng mà điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này góp phần quan trọng vào sự công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, để mọi người dân dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng được thụ hưởng những thành tựu chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao. 

Bài và ảnh: Minh Tâm


Ý kiến của bạn