Hà Nội

Bệnh viện Mắt Trung ương tích cực đóng góp trong công cuộc phòng chống mù lòa tại Việt Nam

24-11-2016 11:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày nay, mù lòa không những làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động mà còn tăng nguy cơ các tai nạn, chấn thương, làm tăng gánh nặng cho cộng đồng.

Ngày nay, mù lòa không những làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm khả năng lao động mà còn tăng nguy cơ các tai nạn, chấn thương, làm tăng gánh nặng cho cộng đồng. Ngoài ra, các chi phí cho mù lòa cũng tạo ra các gánh nặng về kinh tế, tinh thần cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và xã hội.

Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực rất lớn của ngành y tế nói chung và ngành mắt nói riêng, sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, dưới sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo TW và địa phương; sự hưởng ứng của toàn xã hội, tỷ lệ mù loà tại Việt Nam đã giảm đáng kể. Tỉ lệ mù lòa từ 4,1% (2002) xuống 3,1% (2007) và nay còn 1,8% (2015) ở những người từ 50 tuổi trở lên. Do đó, số người mù ước tính ở Việt Nam cũng giảm từ 443,700 vào năm 2000 xuống 329,300 vào năm 2015.

Các nguyên nhân chính gây mù hai mắt hiện nay là đục thể thủy tinh - một căn bệnh do lão hóa mà ai cũng sẽ mắc phải chiếm (74%), xếp sau đó là các bệnh đáy mắt (6,3%), sẹo giác mạc do nguyên nhân khác nhau (chấn thương, nhiễm trùng chiếm 4,1%) và cuối cùng là glôcôm - một căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi (4%). Trong khi đó, một số bệnh nhiễm khuẩn và thiếu dinh dưỡng như mắt hột và khô mắt do thiếu vitamin A gần như đã được thanh toán, chỉ còn tồn tại rải rác ở một vài vùng trong cả nước.

Khám mắt cho bệnh nhân.

Khám mắt cho bệnh nhân.

Trong khi các bệnh nhiễm trùng và thiếu dinh dưỡng đang ngày càng được kiểm soát thì do thay đổi lối sống trong tình hình đô thị hóa - hiện đại hóa, tật khúc xạ đang ngày càng trở thành vấn đề đáng báo động với tỷ lệ mắc ở học sinh ngày càng cao. Nhiều cuộc điều tra gần đây đã cho thấy, tỷ lệ mắc khúc xạ mà chủ yếu là cận thị chiếm 15 - 20% ở học sinh nông thôn và khoảng 30-50% ở thành phố. Nhiều trẻ mắc tật khúc xạ nhưng không được phát hiện hoặc không được chỉnh kính đúng số dẫn đến tình trạng nhược thị và làm giảm thị lực, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, vui chơi và chất lượng cuộc sống của trẻ em.

Bên cạnh đó, ĐTĐ là căn bệnh mới nổi lên như một thách thức lớn và có tỷ lệ mắc cao hơn trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia tại Hội thảo kiểm soát bệnh ĐTĐ được tổ chức tại Hà Nội năm 2016 cho biết, tại Việt Nam, chỉ trong vòng 10 năm từ 2002-2012, tỉ lệ dân số bị bệnh ĐTĐ đã tăng từ 3,7% lên 5,4% thể hiện tính nghiêm trọng của bệnh ĐTĐ hiện nay ở Việt Nam. Bệnh ĐTĐ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới tim mạch, hoại tử các chi và đặc biệt có thể gây mù lòa. Theo ước tính của Bệnh viện Nội tiết TW, năm 2015 có khoảng 4,9 triệu người dân đang mắc ĐTĐ ở Việt Nam, số người cần can thiệp chiếm khoảng 10% (490,000 người) bị mắc bệnh võng mạc ĐTĐ có thể gây mù mà nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Thông thường, ở các bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ sẽ xuất hiện các biến chứng gây mù sau khoảng 5 năm đối với typ I và sau 10 năm đối với typ II. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ để kịp thời có các biện pháp điều trị và theo dõi là rất cần thiết, đòi hỏi nhiều đầu tư về đào tạo cán bộ, trang thiết bị.

Đứng trước tình hình này, Bệnh viện Mắt TW với chức năng là cơ quan đầu ngành về nhãn khoa và phòng chống mù lòa trong cả nước, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa do PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban cùng với Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ ngành Mắt tại Việt Nam đã đề ra chiến lược Quốc gia phòng chống mù lòa với mục tiêu hướng tới "Thị giác 2020" và tầm nhìn 2030 đang trình Chính phủ phê duyệt. Chiến lược này với mục tiêu hạ tỷ lệ mù loà có thể phòng tránh ở người từ 50 tuổi trở lên xuống 1,6% vào năm 2020 bằng cách cải thiện sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện lồng ghép vào hệ thống y tế hiện tại trên cả nước.

Tại Hội nghị khoa học kỹ thuật và phòng chống mù lòa toàn quốc năm 2016 tổ chức tại TP. Cần Thơ với sự tham gia của hơn 1.400 đại biểu là các GS, PGS, các bác sĩ nhãn khoa đến từ các tỉnh/thành trên cả nước, các chuyên gia quốc tế đến từ 15 nước đã thông qua phương hướng hoạt động phòng chống mù lòa của ngành mắt trong thời gian tới:

- Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp lãnh đạo về chiến lược phòng chống mù lòa thông qua giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh khác.

- Hợp tác với BHYT để người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi khám chữa bệnh của BHYT, đặc biệt mở rộng thêm một số bệnh mắt trẻ em được BHYT chi trả;

- Kiểm soát các bệnh chính gây mù như đục thể thủy tinh, tật khúc xạ, bệnh glôcôm, bệnh võng mạc ĐTĐ, quặm do bệnh mắt hột. Bên cạnh đó, ngành mắt sẽ tích cực xây dựng và củng cố các trung tâm chăm sóc mắt trẻ em tại mỗi vùng lớn trong cả nước, tăng cường việc đào tạo cán bộ chăm sóc mắt, tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống chăm sóc mắt, phát triển kỹ thuật cao, dịch vụ chuyên khoa sâu như chăm sóc mắt trẻ em và tật khúc xạ, ghép giác mạc...


Nguyễn Duy Thắng
Ý kiến của bạn