Hà Nội

BV Mắt TƯ có đơn vị ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước: Mở ra chân trời mới trong hành trình giữ lại nguồn sáng cho bệnh nhân

13-02-2024 08:00 | Thành tựu y khoa

SKĐS - Ngày 20/11/2023 đánh dấu cột mốc quan trọng với Bệnh viện Mắt Trung ương khi bệnh viện thành lập Ðơn vị ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc thành lập Ðơn vị ung bướu mắt sẽ giúp phát triển hơn các phương pháp điều trị bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực cho người bệnh bị các khối u tại mắt.

Từ giải pháp duy nhất cắt bỏ mắt đến kỳ tích giữ được nhãn cầu và thị lực

Ngày cuối năm, chị Phạm Minh Thu đưa con trai là Lê Việt Hoàng (4 tuổi, quê Hải Dương) đến Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương để khám định kỳ trong hành trình theo dõi điều trị bệnh u nguyên bào võng mạc (một căn bệnh ung thư tại mắt thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi). Từ lúc bé 18 tháng tuổi, chị phát hiện sự bất thường ở con trai khi thấy đồng tử mắt phải của con có dấu hiệu bị ánh trong như mắt mèo. Bế con ra ngoài hướng ánh sáng để kiểm tra thì tình trạng này còn rõ hơn nữa. Mắt phải của bé nhắm lại khi tiếp xúc ánh sáng, còn mắt kia thì không.

Ðến Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bé có khối u ở cả 2 mắt. Một mắt trắng nhóm E và một mắt thuộc nhóm B, tình trạng bệnh đã khá muộn. Gia đình suy sụp, khủng hoảng cả nửa năm trời mới dần trấn tĩnh lại, khi được bác sĩ thông báo vẫn còn khả năng giữ lại mắt trái cho bé Lê Việt Hoàng.

Sau 6 đợt điều trị hóa chất để ức chế khối u, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ mắt phải để bảo tồn mắt còn lại. Sau phẫu thuật, bé được thay mắt nhân tạo để đảm bảo thẩm mỹ. Chỉ với chi phí 2 triệu đồng cho mắt giả, nhờ kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong việc ghép mắt, các bác sĩ đã mang lại sự tự tin cho bé Lê Việt Hoàng, bởi nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phát hiện bé bị hỏng một mắt. Mắt nhân tạo "thật" đến nỗi, chính người viết còn nhầm đó là mắt thật.

Bệnh viện Mắt Trung ương có đơn vị ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước: Mở ra chân trời mới trong hành trình giữ lại nguồn sáng cho bệnh nhân- Ảnh 1.

PGS.TS.Nguyễn Tuấn Hưng (người thứ 3 từ trái sang) và các đại biểu cắt băng khánh thành Đơn vị ung thư mắt. Ảnh: BVCC

Hiện nay, mắt giả được áp phía trước 1 viên bi hình cầu đặt trong hốc mắt sau khi cắt bỏ nhãn cầu. Thành phần làm mắt giả bao gồm đĩa acrylic mỏng, cong và sơn bóng; có hình bầu dục, màu trắng, được chế tác cả mạch máu chẳng khác gì "cửa sổ tâm hồn" ngoài đời. Phần trung tâm mắt giả được tạo hình để trông giống như mống mắt và đồng tử của mắt thật. Phẫu thuật cấy ghép này sẽ hỗ trợ cho mí mắt được hoạt động như bình thường. Phần mắt giả có thể được tháo ra, làm sạch và thay thế khi cần thiết.

Theo TS.BS. Phạm Minh Châu - Phó Trưởng khoa Mắt trẻ em, Phụ trách Ðơn vị ung bướu mắt, phác đồ, kỹ thuật điều trị ung thư mắt hiện nay có nhiều bước đột phá so với 5 năm, 10 năm trước đây. "Hơn 1 thập kỷ gắn bó với nhãn khoa trẻ em, ngày nay, những thay đổi trong điều trị ung thư mắt khiến ngay cả bác sĩ chuyên khoa mắt cũng ngạc nhiên.

Ngày xưa, khi mắt xuất hiện ánh đồng tử trắng có di căn thì giải pháp bắt buộc là bỏ mắt với phương châm: Giữ tính mạng trước, bảo tồn nhãn cầu và duy trì thị lực sau. Nhưng bây giờ bằng kỹ thuật chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh ban đầu để xác định vị trí, tình trạng khối u, sau đó có thể sử dụng hóa chất kết hợp với điều trị laser/lạnh đông tại mắt hoặc phẫu thuật cắt bỏ mắt tùy mức độ. Ðiều này không chỉ giúp nâng cao khả năng sống cho bệnh nhân mà còn giữ được nhãn cầu, và cao hơn nữa là giữ được thị lực. Ðây là bước tiến làm thay đổi hoàn toàn trong điều trị các khối u ác tính tại mắt, đặc biệt là ung thư võng mạc", TS. Phạm Minh Châu nói.

Cũng theo TS. Châu, điều khác biệt giữa các khối u ác tính của mắt với các dạng ung thư khác là tỷ lệ sống lên đến 95%. Số còn lại tử vong là do để quá muộn hoặc gia đình từ chối điều trị. Thực tế, có gia đình vì muốn bảo toàn nhãn cầu mà từ chối điều trị theo phác đồ là cắt bỏ mắt khi khối u lớn để bảo toàn tính mạng, làm mất đi cơ hội sống và nhìn thấy của trẻ.

Chia sẻ sâu hơn về những tiến bộ trong điều trị u nguyên bào võng mạc , TS. Châu cho biết: "5 năm trước, những khối u nhỏ thì giữ được mắt, nhưng khối u lớn thì thật sự là thách thức với chuyên khoa mắt. Nhờ sự tiến bộ của y khoa mà thay vì truyền hóa chất toàn thân, ngày nay, bệnh nhân ung thư mắt sẽ được tiêm hóa chất trực tiếp vào động mạch mắt thay cho dùng hóa chất toàn thân, giúp các bác sĩ có thể điều chỉnh lượng hóa chất một cách thích hợp, giảm liều, do vậy giảm độc tính với toàn thân. Các ưu điểm nổi trội là diệt tế bào ung thư "đúng chỗ, đúng liều". Trong số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, phần lớn giữ lại được đôi mắt và một nửa số đó lấy lại được thị lực. Phương pháp này cùng với trình độ kỹ thuật của các bác sĩ đã ghi tên y học Việt Nam vào top 5 trong số 10 nước Ðông Nam Á trong điều trị ung thư mắt. Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật này, Bệnh viện Mắt Trung ương phải phối hợp với bác sĩ ngoại thần kinh của các bệnh viện khác chứ bác sĩ mắt không thực hiện được".

Bệnh viện Mắt Trung ương có đơn vị ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước: Mở ra chân trời mới trong hành trình giữ lại nguồn sáng cho bệnh nhân- Ảnh 2.

TS. BS Phạm Thị Minh Châu - Phó trưởng Khoa Mắt trẻ em, Phụ trách Đơn vị ung bướu mắt bên ca bệnh vừa điều trị thành công. Ảnh: CTV

Thành tựu trong điều trị ung thư mắt hiện nay đã hạn chế khá nhiều tâm lý "hướng ngoại" của người bệnh

"Khi Bệnh viện triển khai ca đầu tiên bằng phương pháp tiêm hóa chất nội động mạch vào năm 2017 thì Singapore cũng mới bắt đầu thực hiện. Trước đây, bệnh nhân bị ung thư mắt và ung thư nói chung thường có tâm lý sang Singapore. Nhưng thành công lớn của y học Việt Nam là đã xóa được tâm lý ra nước ngoài, góp phần ngăn chặn tình trạng "chảy máu ngoại tệ" vì chi phí điều trị ung thư ở Singapore cao gấp nhiều lần Việt Nam. Xét về trình độ thì các bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước, nhưng việc thiếu kinh phí để đầu tư các trang thiết bị hiện đại đã khiến cho nhiều bệnh viện không thể thực hiện được các ca phẫu thuật khó mà thôi", TS. Châu nói thêm.

Thành lập Ðơn vị ung bướu mắt: Mở ra cơ hội mới cho hàng nghìn bệnh nhân

Một thuận lợi nữa trong điều trị ung thư mắt hiện nay là mới đây, vào ngày 20/11/2023 đánh dấu cột mốc quan trọng với Bệnh viện Mắt Trung ương, khi bệnh viện thành lập Ðơn vị Ung bướu mắt đầu tiên trong cả nước. Ðơn vị có nhiệm vụ phát hiện và điều trị tất cả các bệnh lý ung bướu nhãn khoa; nghiên cứu phát triển các kỹ thuật điều trị mới trong lĩnh vực khối u nhãn khoa; phối hợp điều trị đa chuyên ngành; nghiên cứu khoa học, đào tạo bác sĩ về khối u nhãn khoa... Ðây là nền móng cho điều trị khối u của ngành nhãn khoa Việt Nam, từng bước xây dựng Bệnh viện Mắt Trung ương xứng đáng là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đầy đủ về mọi mặt trong lĩnh vực nhãn khoa.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Phụ trách quản lý điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, việc thành lập Ðơn vị Ung bướu mắt và U nguyên bào võng mạc là rất cần thiết, sẽ giúp phát triển hơn các phương pháp điều trị bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực tốt. Bên cạnh đó là công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm phát hiện sớm và quản lý tốt các bệnh nhân ung thư mắt.

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Sức khỏe và Ðời sống, PGS.TS. Cung Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: "Trước khi Ðơn vị ung bướu mắt được thành lập, trên toàn quốc chưa có trung tâm về các khối u mắt. Ðiều trị ung bướu mắt trước đó không có số liệu thống kê, các bác sĩ có điều trị ung thư mắt nhưng không mang tính chuyên biệt mà nằm rải rác ở các khoa nên không thể mang lại hiệu quả cao về tất cả các khía cạnh: Hiệu quả điều trị, nguồn thu, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo ngành...

Ðể phát triển mảng chuyên khoa sâu này cần có cách tiếp cận hệ thống có tổ chức, tiến tới quản lý bệnh nhân toàn diện, thống nhất phát huy hiệu quả điều trị đa chuyên khoa - đa mô thức giúp bệnh nhân có cơ hội tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế".

Một số nghiên cứu thống kê từ năm 2018 đến năm 2022 cho thấy, hằng năm có khoảng hơn 1.000 lượt bệnh nhân bị ung thư mắt cũng như có các khối u tại mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, bệnh lý khối u nói chung và khối u tại mắt nói riêng cũng ngày càng hay gặp. Vì vậy, rất cần một đơn vị chuyên sâu để tiếp đón, điều trị, theo dõi, phối hợp điều trị trong viện và ngoài viện nếu cần.

Tại đây, song song với việc phát triển và ứng dụng các kỹ thuật y tế sẽ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần cứu vãn chức năng thị giác nhiều ca bệnh, góp phần cải thiện tiên lượng sống cho các bệnh nhân ung thư. Ðồng thời, giúp công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn theo đó cũng phát triển theo.

"Việc thành lập đơn vị riêng sẽ tiến tới bệnh viện có bác sĩ chuyên sâu, được đào tạo nâng cao ở Bệnh viện K để sau này điều trị cả phóng xạ, xạ trị hóa chất, xạ trị gia tốc, áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị võng mạc, như tiêm thuốc melphalan, thuốc chống ung thư trong buồng dịch kính để tiêu diệt tế bào ung thư... Những phương pháp điều trị mà trước đây bệnh nhân phải ra nước ngoài thực hiện thì bây giờ được áp dụng ngay tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Song song với đào tạo về con người, bệnh viện cũng sẽ có phương án đầu tư thiết bị máy móc về laser, máy phóng xạ điều trị cho các trường hợp ung thư hắc mạc, ung thư võng mạc. Rất nhiều công việc cần phải hoàn thiện cho đơn vị ung bướu mắt này và chúng tôi đang tiến hành dần dần...", PGS.TS. Cung Hồng Sơn nói.

Bên cạnh những thuận lợi này, TS. Phạm Minh Châu cũng trăn trở về việc bệnh nhân bị ung thư mắt đến điều trị khi tình trạng bệnh đã di căn, thậm chí có trường hợp còn từ chối điều trị. "Biện pháp tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để phát hiện bệnh sớm khi có triệu chứng như lác mắt, đốm trắng trong mắt, đốm đen ở mi..., đặc biệt là những trường hợp đã từng mắc thì khả năng di truyền là rất cao. Nhiều trường hợp trong gia đình đã có người mắc nhưng không được tư vấn di truyền nên khi sinh con lại thêm một thế hệ mất đi ánh sáng. Nếu biết trước thì đứa trẻ khi sinh ra sẽ được khám sàng lọc, đảm bảo giữ được mắt cho thế hệ sau", TS. Châu nói.

Minh Nhật
Ý kiến của bạn