Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu mới, niềm hy vọng từ năm 2004 sau khi chia tách tỉnh của nhân dân Lai Châu, đang đi vào những công đoạn cuối chuẩn bị cho lễ khánh thành. Bệnh viện có 300 giường bệnh, có thể mở rộng lên 500 giường được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dành cho y tế theo Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ, dịp này được gắn biển công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, là món quà của nhân dân các dân tộc Lai Châu hướng về Hà Nội, cũng là bông hoa tươi gửi đến Đại hội thi đua ngành y tế.
Từ quây tôn làm phòng nội trú...
Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu khi chưa tách tỉnh vốn là bệnh viện huyện Tam Đường (cũ) với 60 giường bệnh và hiện nay là 270 giường. Có đến thăm bệnh viện mới thấy được các bác sĩ, bệnh nhân mong ngóng đến thế nào khi sắp được chuyển đến cơ sở mới. Là bệnh viện cấp huyện cũ được nâng cấp lên thành bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng cơ sở vật chất của bệnh viện hầu như không được thay đổi nhiều. Vẫn là những gian nhà cấp 4, lợp ngói, mỗi phòng bệnh nội trú chỉ kê được từ 4 - 6 giường bệnh. Nhà vệ sinh thì xập xệ, cũ nát. Các buồng khám bệnh dù đã được ngành y tế, bệnh viện quan tâm sửa sang nhưng vô cùng chật chội. Một phòng khám tai mũi họng rộng chưa đầy 10m2 nhưng có đến ba thầy thuốc cùng ngồi làm việc. Người vừa làm nhiệm vụ nội soi, người ghi chép, người khám tổng quát. Người dân đến khám bệnh thường là người dân tộc, để hiểu được bệnh tình của người bệnh, các bác sĩ thường phải mời người nhà vào buồng để dịch lại. Như vậy, phòng khám kể cả thiết bị, bàn làm việc, tủ... phải chứa đến 5 người, vốn đã chật lại càng thêm chật. Mùa nắng nóng, theo các bác sĩ phòng khám cho biết, muốn kê thêm chiếc quạt vào cũng không còn chỗ!
Để ưu tiên giường, phòng cho bệnh nhân, các thầy thuốc của bệnh viện phải thu hẹp lại các phòng làm việc. Trưởng, phó khoa không có phòng làm việc riêng còn tất cả nhân viên khoa, phòng hai chục người đều làm việc chung trong phòng như các buồng khám khác.
Nhằm khắc phục tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, Bệnh viện Lai Châu đã có "sáng kiến" tận dụng các khoảng trống có thể, quây lại bằng các tấm tôn cao hơn 4m, trần cũng được lợp tôn để thành... buồng bệnh nội trú! Khoa sản của bệnh viện là một ví dụ. Khoa này chỉ có 60 giường nhưng số sản phụ nằm tại khoa luôn là con số gấp đôi, có thời điểm gấp ba lần. Không còn cách nào khác, lãnh đạo bệnh viện đã tận dụng khoảng sân của buồng nội trú làm thêm được 60 giường nữa bằng hình thức quây tôn. Có khác chăng là hai cửa ra, vào. Khi tôi đến đây, nhìn các bà mẹ trẻ cùng các cháu bé mới được 1, 2 ngày tuổi mồ hôi nhễ nhại ôm nhau vừa tay quạt, vừa bú sữa mà thấy tội!
Bệnh viện Lai Châu mới chuẩn bị đưa vào phục vụ người bệnh. |
Đến bông hoa hướng về Đại hội
BS. Nguyễn Công Huấn, Giám đốc Sở y tế Lai Châu khi nghe tôi kể lại cuộc tham quan nhanh bệnh viện tỉnh, trầm ngâm nói: Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành đều thấu hiểu tình cảnh rất khổ của người bệnh. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã làm hết sức, dành tất cả những gì tốt nhất có thể để cho bệnh nhân được thoải mái khi tới viện. Nhưng Lai Châu còn nghèo quá, lực bất tòng tâm.
Ý tưởng về việc xây dựng mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu đã được lãnh đạo tỉnh "ấp ủ" từ cách đây 5 năm về trước, thậm chí quỹ đất đã được để dành, chỉ chờ có... tiền, là khởi công! 2 năm, 3 năm trôi nhanh nhưng bệnh viện mới vẫn chưa thể khởi công vì Lai Châu không tìm đâu ra được nguồn vốn. Rồi Quyết định 930 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tư xây mới bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng khó khăn bằng nguồn vốn trái phiếu ra đời như "cơn mưa" mát lành giải toả nguồn khát vốn cho tỉnh nghèo nhất vùng Tây Bắc này.
Có được nguồn vốn, với quyết tâm xây dựng nhanh, chất lượng được đảm bảo để nhân dân các dân tộc Lai Châu có công trình bệnh viện đa khoa mới thoả ước nguyện của nhiều thế hệ cán bộ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, ngành y tế Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xây dựng đẩy nhanh tiến độ để có bóng dáng công trình bệnh viện mới dần được đưa vào sử dụng. Với số vốn chỉ tính riêng phần xây lắp là 300 tỷ đồng, bệnh viện mới được xây dựng trên khuôn viên rộng 7,6 ha. Khi đưa vào sử dụng, bệnh viện có trung tâm nghiệp vụ kỹ thuật cao, có nhiều khu nội trú được xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tỉnh Lai Châu.
Bài và ảnh: Anh Tuệ