Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, tách rời giữa phim và biên bản ghi nhận kết quả chẩn đoán, không đồng bộ nên dễ nhầm lẫn, thất lạc. Mặt khác, việc chuyển cho bệnh nhân phim để lưu trữ, với mục đích sử dụng để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thường các phim trong điều kiện không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác được nữa. Với phương pháp quản lý như hiện tại, chi phí cho việc in phim, lưu trữ phim phục vụ công tác chẩn đoán hình ảnh và hồ sơ bệnh án giấy là rất lớn.
Đứng trước thực tiễn đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015 phê duyệt Đề án Triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại một số bệnh viện với mục tiêu thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, trên cơ sở đó Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống PACS giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh và rút ngắn khoảng cách tuyến trên và tuyến dưới.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế đã giúp BVĐK tỉnh Hà Tĩnh nâng cao chất lượng trong quản lý, hỗ trợ tích cực trong công tác khám, điều trị cho người dân theo chủ trương của Bộ Y tế.
Phần mềm PACS được coi là một bước tiến đột phá của ngành y tế trong việc chẩn đoán bệnh nhằm cung cấp khả năng truy xuất thông tin nhanh chóng và lưu trữ hình ảnh chính xác, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người bệnh.
BVĐK tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị y tế đầu tiên trong tỉnh Hà Tĩnh thí điểm triển khai phần mềm PACS. Hệ thống phần mềm PACS là hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn trực tuyến các hình ảnh y khoa trích xuất từ các thiết bị chẩn đoán hình ảnh như máy chụp cắt lớp CT; MRI; Xquang... để phục vụ quá trình thăm khám và điều trị bệnh. Những tiện ích vượt trội của phần mềm mới này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Hiện nay, tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, quy trình thực hiện hệ thống phần mềm PACS như sau: Sau khi chụp Xquang, CT Scanner, MRI... xong, toàn bộ hình ảnh ngay lập tức được truyền tải tới màn hình của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ đọc, trả kết quả nhanh chóng. Đồng thời khi hình ảnh được gửi lên hệ thống PACS; kết quả được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các khoa lâm sàng; hỗ trợ các bác sĩ đưa ra kết luận chính xác hơn trong quá trình khám, điều trị. Phần mềm PACS còn là trợ thủ đắc lực trong việc kết nối và lưu chuyển thông tin giữa các khoa, phòng, hỗ trợ việc tham khảo nhanh kết quả chiếu chụp hình ảnh, kết nối thanh toán viện phí, tra cứu hồ sơ bệnh nhân cũ... Theo tính toán của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, mỗi tháng bệnh viện chụp khoảng 17.500 phim, nếu ứng dụng PACS lưu và chuyển hình ảnh (không in phim) thì sẽ tiết kiệm được chi phí từ 250-270 triệu đồng/tháng cho Quỹ BHYT và người dân.
Với việc ứng dụng hệ thống PACS nhằm góp phần phát huy vai trò tối ưu của hệ thống trang thiết bị chiếu chụp hình ảnh hiện có tại mỗi bệnh viện; chuẩn hóa quy trình chẩn đoán hình ảnh để đảm bảo kết quả chính xác nhất. Đồng thời, việc kết hợp PACS với hệ thống công nghệ thông tin hiện nay của bệnh viện sẽ tạo thành một hệ thống khép kín có thể hướng đến dần thay thế cho hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án truyền thống là giấy từ trước đến nay.
TTND.BSCKII. Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh cho biết: Việc ứng dụng hệ thống PACS góp phần thay đổi quy trình công việc, tiết kiệm thời gian, hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa và góp phần bảo vệ môi trường. Từ tháng 8/2017 đến nay, đã có 3.384 ca chụp Xquang, 3.413 ca chụp CT và 263 ca chụp MRI tại bệnh viện được kết nối hỗ trợ đọc kết qủa từ các bệnh viện tuyến Trung ương qua PACS.