Bệnh viện K khánh thành tượng của nhà khoa học đạt giải Nobel

09-08-2018 14:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại buổi lễ khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie tại Bệnh viện K ngày 9/8/2018.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ niềm vui đến dự một sự kiện đặc biệt, vô cùng ý nghĩa của Bệnh viện K: Lễ khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie để ghi nhận, tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của nhà khoa học Marie Curie với khoa học, với chuyên ngành ung thư và tự hào của Bệnh viện ra đời từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương từ năm 1923.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie tại Bệnh viện K

Đặc biệt hơn, theo Bộ trưởng, sự kiện trang trọng, ý nghĩa này được tổ chức nhân Kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao Việt – Pháp và 25 năm ngày ký Hiệp định giữa hai chính phủ về hợp tác y tế; hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Bệnh viện K (17/07/1969 – 17/07/2019).

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao Việt – Pháp và 25 năm ngày ký Hiệp định giữa hai Chính phủ về hợp tác y tế. Trong những năm qua, lĩnh vực y tế luôn được Chính phủ 02 nước Việt – Pháp coi trọng, là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là sự hỗ trợ của Cộng hòa Pháp trong việc đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 bác sỹ nội trú Việt Nam tại Pháp và 1.500 bác sỹ sau đại học tại Việt Nam.

"Các bác sỹ được đào tạo đều đã trở thành những giáo sư, bác sỹ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành và rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo chủ chốt của ngành y tế Việt Nam. Bên cạnh đó, lĩnh vực y học dự phòng và y tế công cộng cũng là nội dung quan trọng trong hợp tác giữa hai bên"- Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin

Thông tin tại buổi lễ khánh thành, Bộ trưởng  Bộ Y tế cho biết ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tậm đặc biệt của toàn xã hội.

“Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém”- Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm, bên cạnh những thành tựu phát triển về kinh tế xã hội, Việt Nam cũng đã có nhiều thành tựu trong công tác phòng chống ung thư: từ việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và phát hiện sớm ung thư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng 5 – 10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm đồng thời giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng; nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến,  Ngài Olivier Sigaud, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, các quan khách cùng lãnh đạo UBND TP Hà Nội và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bệnh viện K khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, công tác phòng chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới, không những đòi hỏi kiến thức, kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cập nhật của các y bác sĩ, đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người bệnh, gia đình mà còn cần sự hỗ tích cực từ xã hội, cộng đồng.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng đánh giá cao Bệnh viện K trong những năm qua, đặc biệt trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, toàn diện trên các mặt công tác với nhiều giải pháp, cách làm hay và đạt được nhiều thành tựu trong công tác Quản lý chất lượng bệnh viện, công tác khám chữa bệnh và phục vụ người bệnh, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, đồng nghiệp ghi nhận và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh. Bên cạnh đó, công tác xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, phụ trách chỉ đạo tuyến cho 8 bệnh viện chuyên ngành, 69 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu ngày càng được đẩy mạnh, đáp ứng được phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh ung bướu của người dân.

Giám đốc Bệnh viện K- Trần Văn Thuấn cho biết, nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie (07/11/1867 – 04/07/1934) là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, đã tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng phóng xạ trong y học như một phương tiện quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.

Bệnh viện K được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương (Insitut Curie de L’Indochine) ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin phụ trách; và ngay trong những ngày đầu thành lập Viện, nhà khoa học Marie Curie đã gửi những tuyp Radium từ Pháp về Viện để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân; sau này bản thân nhà khoa học Marie Curie cùng gia đình như người cháu ruột của Bà là GS.Hélene Langevin-Jolio, Đại học Paris South Orsay đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, xây dựng và phát triển Viện cũng như trong công tác vận động hỗ trợ các nguồn lực cho Viện.

Theo Giám đốc Trần Văn Thuấn- từ khi được thành lập tới nay, dù với nhiều tên gọi khác nhau nhưng tên của nhà khoa học Marie Curie mãi mãi là một phần lịch sử quan trọng, đầy tự hào của các thế hệ cán bộ nhân viên Bệnh viện K.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, Bệnh viện luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nước Pháp, từ việc xây dựng tòa nhà Trung tâm đến việc lắp đặt máy xạ trị Cobalt đầu tiên của Việt Nam hay trong công tác đào tạo chuyên sâu FFI-Bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ. Các bác sỹ được đào tạo đều đã trở thành những giáo sư, bác sỹ giỏi, các chuyên gia y tế đầu ngành ung bướu và rất nhiều trong số đó là những lãnh đạo chủ chốt của Bệnh viện.


Thái Bình
Ý kiến của bạn