PGS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tòa nhà lưu trú được xây dựng theo hình thức lắp ghép cho người nhà bệnh nhân có quy mô hơn 240 giường, được thiết kế theo hình thức giường tầng.
Được biết, công trình này do Bệnh viện K kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí khoảng 3,3 tỷ đồng do công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tài trợ. Đây là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân phải nằm, ngồi nhếch nhác trên các hành lang khoa phòng trong khuôn viện Bệnh viện K cơ sở 3. Trước mắt trong tháng đầu tiên, người nhà bệnh nhân sẽ không phải trả tiền lưu trú tại đây, sau đó dự kiến tiền lưu trú tại tòa nhà này là 15.000đ/giường/ngày. Tuy nhiên, Bệnh viện sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí để bệnh nhân, người nhà được ở miễn phí.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bệnh viện K và nhà tài trợ cùng khánh thành công trình nhà lưu trú cho người nhà người bệnh
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay việc đưa vào sử dụng công trình tòa nhà lưu trú tại Bệnh viện K không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của người nhà bệnh nhân mà còn giúp cho họ đỡ vất vả khi chờ người thân điều trị. Đồng thời, việc đưa vào sử dụng tòa nhà lưu trú này cũng thể hiện sự nỗ lực của bệnh viện K trong việc kiên quyết khắc phục những tồn tại để quyết tâm hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc đưa khu nhà lưu trú đi vào hoạt động đặc biệt với bệnh viện ung thư càng có ý nghĩa đặc biệt. Bệnh nhân có thời gian nằm điều trị dài và chủ yếu là người dân nghèo. “Hiện ung thư vẫn là bệnh nan y, dù các y bác sĩ đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều. So với các chuyên ngành khác thì có lẽ nhân viên y tế nơi đây chứng kiến nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Vì thế, tôi rất vui khi Bệnh viện đã quan tâm hơn đến người bệnh, người nhà không để họ nằm ngoài hành lang, vỉa hè vừa nhếch nhác vừa rất khổ”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Bộ trưởng cùng lãnh đạo Bệnh viện thăm tòa nhà lưu trú cho người nhà người bệnh
"Đây chính niềm vui có ý nghĩa thiết thực mà các thầy thuốc Bệnh viện K đã làm được trong ngày truyền thống của chính nghề y - Ngày Thầy thuốc Việt Nam"- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến nhà tài trợ đã chung tay cùng Bệnh viện K, chia sẻ với ngành y tế trong hành trình quyết tâm đổi mới vì người bệnh, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong cả nước chung tay cùng ngành y tế để hỗ trợ các bệnh viện xây nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân.
Trò chuyện với Bộ trưởng ngay tại sân tòa nhà lưu trú, bác Nguyễn Xuân Toàn quê ở Nghệ An có người nhà đang điều trị tại Bệnh viện K đã không dấu được niềm vui và bày tỏ lòng cảm ơn đến Bộ trưởng đã kịp thời chỉ đạo Bệnh viện K nỗ lực tìm nguồn xây dựng tòa nhà lưu trú. “Có tòa nhà lưu trú này, người nhà bệnh nhân như chúng tôi đỡ vất vả về đi lại để tìm chỗ trọ và cũng đỡ tốn kém về tiền bạc. Chúng tôi cảm ơn Bộ trưởng, lãnh đạo bệnh viện K và nhà tài trợ đã quan tâm và chia sẻ khó khăn với chúng tôi”- bác Toàn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng chia sẻ niềm vui với người nhà bệnh nhân tại công trình tòa nhà lưu trú
Đại diện công ty tài trợ xây nhà lưu cho Bệnh viện K cũng chia sẻ sẽ sẵn sàng giúp Bệnh viện xây thêm khu nhà lưu trú nữa, cũng như hỗ trợ các bệnh viện khác có nhu cầu.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay, các nhà hảo tâm cũng đã hỗ trợ bệnh nhân nghèo được 30.000 suất ăn miễn phí. Riêng cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ hỗ trợ 1000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế chúc mừng thầy thuốc Việt Nam, nhiều cán bộ bác sĩ Bệnh viện K được phong tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự thay đổi lớn với 13 giải pháp và kết quả bệnh viện K đã triển khai thực hiện, làm cho công tác khám chưã bệnh tốt hơn, giúp cho bệnh nhân và ngươi nhà bệnh nhân hài lòng hơn.
Cũng tại buổi lễ, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, trong thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Bệnh viện K đã đưa ra và thực hiện ngay 11 giải pháp trước mắt và 4 giải pháp lâu dài nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân đến khám và điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đó là: Tổ chức 03 lớp tập huấn ở cả 3 cơ sở về đổi mới phong cách thái độ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Tổ chức ký cam kết lại về đổi mới phong cách giữa Giám đốc bệnh viện, Chủ tịch Công đoàn với các trưởng khoa vào ngày 26 – 27/2/2017; Trưởng các khoa đã tăng cường công tác quản lý, giám sát, điều chỉnh công việc phù hợp với tình trạng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh; Tổ chức lại, sắp xếp việc điều trị bệnh nhân của của các khoa nội, đảm bảo tiêu chuẩn không để nằm ghép đối với các bệnh nhân điều trị nội trú; Tổ chức kê thêm giường tại các khoa trên cơ sở thu hẹp diện tích làm việc của cán bộ Y tế; Mỗi khoa nội thành lập mới phòng điều trị ngoại trú tại khu vực sảnh chờ của bệnh nhân khoảng 40m2 kê thêm mỗi khoa 20 ghế truyền cho các bệnh nhân đến điều trị.
“Bệnh viện K cũng tiến hành hẹn bệnh nhân đến điều trị theo giờ trong cả ngày, chia bệnh nhân điều trị theo nhiều ca sáng – chiều để tăng lượt điều trị cho bệnh nhân trong ngày, giảm số bệnh nhân tập trung cùng thời điểm gây quá tải tại các Khoa Nội. Đối với Khoa khám bệnh tổ chức khám bệnh sớm từ 7h30, tăng phòng khám bệnh và phòng lấy máu xét nghiệm để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm”- Giám đốc Trần Văn Thuấn cho biết.
Người bệnh truyền hóa chất đã được sắp xếp ra khu điều trị riêng tại Bệnh viện K
Đồng thời để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, Bệnh viện K đã tuyển thêm cán bộ, đặc biệt là điều dưỡng: đã tổ chức thi tuyển nhiều cán bộ y bác sĩ; Xây dựng quy chế thưởng phạt nghiêm minh, đồng thời thành lập Ban giám sát để đánh giá chất lượng và thái độ phục vụ. Xây dựng lại quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng tăng chi các khoản hợp lý trong khả năng tài chính của bệnh viện cho cán bộ; Xây dựng và hoàn thành giai đoạn 1 nhà lắp ghép phục vụ lưu trú cho người nhà người bệnh quy mô 240 giường.
Bên cạnh đó, trong thời gian gân đây, Bệnh viện K cũng đã triển khai thành công 3 kỹ thuật mới, tiên tiến trong điều trị, đó là: Kỹ thuật “Dẫn lưu đường mật trong ngoài gan bằng máy chụp mạch và siêu âm”; kỹ thuật “Diệt khối u bằng sóng cao tần và bơm xi-măng sinh học để giảm đau cho bệnh nhân” và kỹ thuật “Mổ nội soi tuyến giáp”