5 ngày sau ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng tại Khoa Ngoại Thần kinh, gặp chúng tôi tại buồng bệnh, chị Nguyễn Thị Thúy- mẹ của bệnh nhi Nguyễn Ngọc Q. ở Sóc Sơn (Hà Nội) dường như vui hơn bởi cô con gái nhỏ của chị đã khỏe mạnh hơn, bú được nhiều và ngủ ngon hơn. Chị Thúy cho biết, đã có lúc chị và gia đình tưởng như hết hy vọng, tưởng như mọi chuyện xấu nhất sẽ đến với bé Q. vì ngay từ khi sắp xinh cháu, chị đã biết cháu có dị tật trong não. Vừa lọt lòng mẹ, cháu đã được chuyển đến một số cơ sở y tế để thăm khám, tìm phương án điều trị, tuy nhiên do cháu còn quá bé, và kết quả chụp phim khiến nhiều thầy thuốc nghĩ đến phương án đó là khối u ác… Bao lần đưa con ra viện, bao lần trở về là nước mắt người mẹ tuôn rơi.
“Khi cháu Q. 4 tháng tuổi, tôi đưa cháu đến Khoa Ngoại thần kinh- Bệnh viện K để thăm khám, mặc dù các bác sĩ cho biết, khối u não của cháu có lớn hơn nhưng chưa thể mổ ngay. Lúc đó tôi chỉ biết khóc… Nhưng BS Nguyễn Đức Liên động viên tôi cứ đưa con đến khám thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ cùng theo dõi sự phát triển thể trạng của con và khối u, để có quyết định tốt nhất về thời điểm mổ cho cháu. Hy vọng trong tôi lại trào lên”- chị Thúy kể lại.
Các thầy thuốc Khoa Ngoại Thần kinh- Bệnh viện K đang thực hiện ca phẫu thuật "bóc" khối u não cho bé Q. Ảnh BSCC
Chia sẻ về ca bệnh này, BS Nguyễn Đức Liên- Trưởng Khoa Ngoại thần kinh- Bệnh viện K cho biết, ở thời điểm cháu Q. đến thăm khám là cháu vừa tròn 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi đã hết sức phân vân, không dám mổ ngay vì cháu còn quá nhỏ không thể chọc hút dịch tủy để sinh thiết khối u và ở thời điểm đó nếu phẫu thuật, e rằng cháu không đủ súc chịu đựng cuộc phẫu thuật.
“Qua theo dõi chúng tôi cũng nhận thấy, khối u não của cháu Q. không quá tăng nhanh về kích thước. Điều này thêm khẳng định là khó có thể là khối u ác, vì nếu là u ác thì thường tăng rất nhanh về kích thước. Tiếp đó, thể trạng và sức khỏe của cháu bé tốt hơn, đây là yếu tố thuận lợi nên chúng tôi quyết định mổ”- BS Liên cho hay.
Mặc dù trước đó đã phẫu thuật một số ca u não trẻ em, tuy nhiên các trường hợp bệnh nhân lớn hơn cháu Q. về độ tuổi, do đó BS Liên cho hay, đây là một trong những ca phẫu thuật u não ở trẻ em khá thách thức đối với phẫu thuật viên bởi đói với những ca phẫu thuật như này, phụ thuộc rất nhiều vào gây mê hồi sức, phải là những người có kinh nghiệm về gây mê hồi sức cho trẻ. Về phía phẫu thuật viên thì phải chuẩn bị tối đa các trang thiết bị phục vụ cho cuộc mổ dù mình chỉ sử dụng tối thiểu, cộng với có kinh nghiệm phẫu thuật trẻ nhỏ vì đối với trẻ nhỏ chỉ cần mất đi 10ml máu cũng tương đương với 500ml máu của người lớn vì lượng máu trong cơ thể trẻ rất ít.
Sau 6 giờ phẫu thuật, BS Liên cùng các đồng nghiệp đã “đưa” được khối u não ra khỏi cơ thể bệnh nhi Q. Thể ích khối u khi lấy ra là 5x6cm- một khối u quá lớn chiếm hết tiểu não của cháu bé. Ban đầu ai cũng nghĩ là u ác, nhưng may thay đây lại là khối u bào độ thấp- tức là khối u lành tính và chỉ cần phẫu thuật là lấy hết khối u.
“Trường hợp của bệnh nhi này, nếu qua theo dõi không tái phát thì cháu bé có thể phát triển hoàn toàn bình thường”- BS Liên thông tin.
Mẹ bé Q. cho biết, sau khi phẫu thuật sức khỏe của bé đã tốt lên
Theo BS Liên, hiện nay tỷ lệ trẻ em bị mắc các thể liên quan đến u não có biểu hiện gia tăng, trong đó có cả u lành tính và u ác tính, có thể là u tế bào mầm, u nguyên tủy bào hoặc khối u não xa bào lành tính. Tuy nhiên việc điều trị u não ở trẻ em, trước hết là phải có sự quyết tâm của gia đình và sự phối hợp của thầy thuốc nhiều chuyên khoa, cân nhắc ca nào mổ lấy hết u, ca nào nên mổ ngay và ca nào có thể trì hoãn, đợi trẻ khỏe mạnh thêm.
“Ví như đối với khối u não tế bào mầm thì phẫu thuật viên không cần quyết liệt lấy hết bằng được khối u não mà chỉ cần chọc hút dịch não tủy để sinh thiết sau đó điều trị, bởi đặc trưng của khối u này là ngay cả khi đã lấy hết khối u thì vài ngày sau lại có mầm khối u khác xuất hiện”- BS Liên nói.
-Trẻ có thóp căng bất thường, vòng đầu to bất thường và dáng đi nghiêng hay ngã.
-Thêm một dấu hiệu nữa là trẻ dậy thì sớm , tầm 6- 7 tuổi. Phụ huynh cho con đi khám chuyên khoa nhưng cũng cần làm các thăm khám thêm liên quan đến bệnh u não.
- Có trẻ bị bệnh lồi nhãn cầu, mắt lác, nhìn kém đi và đã đeo kính nhưng thị lực vẫn xấu đi. Với những trường hợp này, ngoài đi kiểm tra mắt thì cần khám toàn bộ thêm về phần mặt.
- Có trường hợp thấy trẻ hay kêu đau đầu thưỡng xuyên thì phụ huynh cũng nên cho cháu đi kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện
- Có những trường hợp trẻ đi tiểu nhiều và số lượng lớn khoảng hơn 2 lít/ngày. Bố mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa Nhi và các chuyên khoa liên quan để được kịp thời phát hiện bệnh.
“Người chăm sóc trẻ sẽ là người để ý rõ nhất những thay đổi bất thường của trẻ để khi thấy có những biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời bởi có trường hợp trẻ bị diễn biến bệnh quá nhanh”- BS Liên khuyến cáo