Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô: Những đột phá trong quản lý và điều trị

23-03-2018 18:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 28/3/2018 đặt dấu mốc tròn 60 năm chặng đường hình thành và phát triển của Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (BVHNVX). Trong quá trình ấy, từ một đơn vị chú trọng công tác chăm sóc cho bệnh nhân (BN) thì những năm gần đây, BV đã có những bước đột phá trong lĩnh vực điều trị chuyên khoa sâu.

Đặc biệt trong công tác quản lý, BVHNVX là đơn vị đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Dưới đây là chia sẻ của PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc BV.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô: Những đột phá trong quản lý và điều trịPGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hà.

PV: Thưa ông, với đặc thù riêng là bệnh viện chỉ phục vụ các trường hợp BN là cán bộ trung và cao cấp, trong chặng đường 60 năm qua, BV Hữu nghị đã có những phát triển như thế nào để phục vụ BN?

PGS.TS.BS.Nguyễn Thanh Hà: Có thể nói khoảng vài chục năm trở về trước, BVHNVX được đánh giá như là một địa chỉ để an dưỡng cho cán bộ trung/cao cấp, chứ không phải là một BV có thế mạnh về điều trị. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, với những bước chuyển mình mạnh mẽ, chúng tôi đã có nhiều thay đổi, đặc  biệt là đầu tư về chuyên môn sâu và ứng kỹ thuật cao để phục vụ BN.

Đầu tiên trong bước chuyển biến này, chúng tôi cử các bác sĩ trẻ đi học nâng cao văn bằng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Song song với đó, chúng tôi cũng đầu tư mua sắm thiết bị đồng bộ hiện đại để các bác sĩ đi học về có phương tiện ứng dụng các kỹ thuật cao đã học được.

Cụ thể, tháng 7/2017, với nguồn vốn huy động xã hội hóa từ cán bộ của BV, chúng tôi đã mua máy chụp CT 256 dãy và trở thành một trong 3 bệnh viện đầu tiên trên toàn quốc có thiết bị này để phục vụ bệnh nhân. Hệ máy này có ưu điểm là công nghệ đột phá, nên có khả năng chụp rất nhanh, chỉ mất khoảng 15 giây là đã chụp xong cho một ca bệnh. Nên đối với bệnh nhân bị kích động do chấn thương hoặc bệnh nhân có nhịp tim nhanh tới 130 chu kỳ/phút cũng có thể chụp được, trong khi đó những máy thế hệ trước thì bắt buộc phải hạ nhịp tim xuống dưới 70 chu kỳ/phút thì mới thực hiện được thao tác. Một ưu điểm lớn nữa là ở thế hệ máy này, lượng tia X có thể giảm được tối đa 80%, nên sẽ giảm tác dụng phụ cho BN. Như vậy có thể chỉ định rộng rãi trong việc chụp kiểm tra thường kỳ cho những BN điều trị theo dõi sau ung thư. Hơn nữa, với công nghệ đầu thu rất hiện đại nên mang lại hình ảnh rất sắc nét giúp cho công tác chẩn đoán chính xác hơn nhiều. Chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, dựng hình, đọc kết quả tốt nên được đánh giá là đơn vị phát triển mạnh nhất kỹ thuật này.

Về can thiệp mạch, ngoài can thiệp mạch vành là kỹ thuật chủ lực của BV thì chúng tôi đã bắt đầu triển khai can thiệp động mạch ngoại vi như đặt stent động mạch chủ ngực, động mạch chủ bụng, động mạch chi, đốt  laser điều trị suy tĩnh mạch chi dưới, can thiệp hút huyết khối mạch máu não điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp. Có thể nói chúng tôi là một trong vài đơn vị đi đầu thực hiện kỹ thuật khoan cắt mảng xơ vữa cứng trong lòng động mạch vành ở khu vực Hà Nội (cùng Viện Tim Quốc gia). Với kỹ thuật này, có thể khoan cắt mảng xơ vữa cứng bị vôi hóa để luồn ống, nong bóng đặt stent, nếu không khoan cắt thì không thể đặt stent theo cách thông thường được. Năm 2016, khi bước đầu triển khai phương pháp này tại BV, chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp của các chuyên gia Nhật Bản. Tới nay, các bác sĩ ở khoa can thiệp mạch đã tự mình thực hiện được và rất thành công.

Về Điện quang can thiệp, chúng tôi đã triển khai rất thành công kỹ thuật nút mạch, đốt sóng cao tần điều trị ung thư gan; nút mạch điều trị u xơ tuyến tiền liệt, tử cung…

Về Hồi sức cấp cứu, BV đã triển khai kỹ thuật thay huyết tương điều trị hội chứng Guilain-Barre, nhược cơ, suy gan cấp…; kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc, suy đa phủ tạng, viêm tụy…; đo cung lượng tim bằng kỹ thuật Picco…

Đặc biệt trong 2 năm qua, chúng tôi đã phát triển mạnh kỹ thuật can thiệp điều trị đau như đổ xi măng cột sống, tiêm thẩm phân giảm đau, đốt hạch giao cảm điều trị đau cho BN ung thư giai đoạn cuối.

Ngoài ra, BVHNVX cũng là một trong 3 BV triển khai pha chế hóa chất điều trị ung thư tập trung. Trước đây thì mỗi BN có chỉ định hóa trị liệu sẽ được pha 1 chai hóa chất riêng để truyền, khi dùng không hết thì phải hủy bỏ. Với việc pha hóa chất tập trung tại khoa Dược của BV, có dụng cụ vô khuẩn đảm bảo hút hơi độc hại của hóa chất, an toàn cho người  pha chế và đảm bảo độ chính xác và tiết kiệm do không phải đổ hóa chất thừa và chính vì vậy cũng ít độc hại ra môi trường.

PV: Được  biết, BVHNVX là đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý BV. Ông hãy chia sẻ những kinh nghiệm này?

PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hà: Trong công tác quản lý BV, chúng tôi triển khai công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý BV từ năm hơn 10 năm trước. Từ khâu kê đơn, cấp phát thuốc, thanh toán viện phí, quản lý nhân lực, quản lý tài sản… chúng tôi đều thực hiện trên mạng. Ngoài ra, chúng tôi còn ứng dụng CNTT trong hệ thống mạng lưu trữ, truyền tải hình ảnh, gọi là PACS - đây được gọi là cách mạng 4.0. Với mạng này, BN không cần chờ đợi lấy phim, hình ảnh chụp được xử lý, lưu trữ và truyền tải qua mạng, bác sĩ có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc, rất thuận tiện cho hội chẩn và hội chẩn từ xa. Cũng chính nhờ cách mạng 4.0 này mà không cần phải in phim nên mỗi năm chúng tôi tiết kiệm khoảng hơn 1 tỉ đồng. Không in phim cũng đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Do đó, BVHNVX được Bộ Y tế lựa chọn triển khai mô hình BV không phim đầu tiên trên toàn quốc.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô: Những đột phá trong quản lý và điều trịChụp và can thiệp mạch máu não.

Để hoàn thiện hơn mạng PACS này, BV đã trình Bộ Y tế xét duyệt đề án đưa tất cả các thiết bị tạo ảnh như: siêu âm, điện tâm đồ, điện não đồ… đều được kết nối qua cổng Dicom và đưa vào lưu trữ và truyền tải theo mạng PACS. Như vậy, nó có thể lưu trữ theo BN mãi mãi.

Chúng tôi cũng đã trình Bộ Y tế Đề án quản lý BN qua thẻ thông minh. Thẻ này BN được cấp khi tới khám bệnh và khi quẹt thẻ ở bất kỳ điểm nào có đầu đọc thì có thể biết được thông tin của BN, tình trạng bệnh, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng trong cả quá trình từ lúc đăng ký khám cho tới lúc kết thúc điều trị. Như vậy diễn biến bệnh tật được theo dõi chính xác hơn so với trường hợp chỉ được theo dõi cắt ngang tại một thời điểm nào đó.

PV: Được biết, ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, BV còn có công tác xã hội khá sôi nổi. Ông hãy chia sẻ rõ hơn về điều này!

PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hà: Nói về công tác xã hội, nó gần như là một phần không thể thiếu của chúng tôi. Theo đó, hằng năm BV trích quỹ để cung cấp những suất ăn miễn phí cho các trường hợp đặc biệt. Như dịch sốt xuất huyết đỉnh điểm năm 2017, chúng tôi đã có những bữa cháo miễn phí phục vụ BN. Cũng trong năm 2017, chúng tôi triển khai tuần lễ “Tri ân người bệnh” với các hoạt động như cắt tóc, tắm, gội đầu, cắt móng chân móng tay cho BN nội trú lâu ngày… Mời BN lên hội trường để nghe hướng dẫn về giáo dục sức khỏe… Hoạt động này đã gây được tiếng vang lớn. Rất nhiều BN xúc động vì họ cho rằng từ xưa đến nay chỉ có BN, người nhà BN cảm ơn bác sĩ, nay lại thấy một điều ngược lại là BV cảm ơn BN. Nhưng BV chúng tôi có quan điểm rằng khi BN tin tưởng, trao gửi sức khỏe và tính mạng của mình cho chúng tôi đã là điều mà chúng tôi cần phải cảm ơn họ. Thông qua các hoạt động đó, chúng tôi cũng muốn giáo dục cho nhân viên của mình ý thức được rằng BN là trung tâm, đối tượng phục vụ của chúng ta, cần phải quan tâm và tri ân họ, bởi không có BN thì y bác sĩ không tồn tại được.

Ngoài ra, BV triển khai công tác từ thiện khá mạnh. Hằng năm công tác khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở các huyện vùng cao Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chúng tôi đều vượt mức kế hoạch Bộ Y tế giao. Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cũng tích cực tổ chức đi khám từ thiện ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Bình… Những dịp đi như thế này chúng tôi cũng mong muốn cán bộ y tế trẻ tuổi của chúng tôi có thêm trải nghiệm và chia sẻ về sự khó khăn vất vả với đồng nghiệp ở vùng xa xôi. Ngoài khám chữa bệnh, chúng tôi cũng chủ động quyên góp từ cán bộ nhân viên của mình để ủng hộ người dân ở vùng bị thiên tai lũ lụt ở Quảng Trạch, Quảng Bình (200 triệu đồng), Mù Cang Chải, Yên Bái (100 triệu đồng) và Mường La, Sơn La (100 triệu đồng).

Chắc chắn rằng, tới đây chúng tôi sẽ thực hiện được nhiều hơn nữa các hoạt động này mỗi năm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!


Thu Hà (thực hiện)
Ý kiến của bạn