Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An: Đẩy mạnh phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu vì sức khỏe người bệnh

23-07-2020 18:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa (HNĐK) Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trở thành một địa chỉ tin cậy của người bệnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Phát triển kỹ thuật cao, người dân hưởng lợi

Ngày 17/6/2020, bà Cao Thị Lý (55 tuổi, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu) chính thức được ra viện sau 2 năm điều trị tích cực với căn bệnh đa u tủy xương quái ác. Bà Lý rất phấn khởi vì tình trạng sức khỏe của bản thân đang dần hồi phục một cách nhanh chóng. Bà Lý kể: Năm 2018, bà thấy trong người đau đớn, mệt mỏi. Đi khám ở bệnh viện tuyến huyện, sau khi xét nghiệm các bác sĩ ở đây đã cho biết bà bị thiếu máu và yêu cầu nhập viện điều trị. Sau 1 tuần điều trị tại đây, bà được ra viện nhưng sau đó 3 ngày bà lại cảm giác sức khỏe đang xấu đi. Lần này, bà Lý đã xin chuyển tuyến lên Bệnh viện HNĐK Nghệ An.

Can thiệp mạch não tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Can thiệp mạch não tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.

Tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bà Cao Thị Lý được điều trị khỏi một số bệnh sẵn có như đau đại tràng, viêm dạ dày và truyền một số đơn vị máu. Nghi ngờ có bệnh liên quan về máu, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã đề nghị bà ra Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xét nghiệm. Sau 2 ngày xét nghiệm kỹ càng, bà Lý được chẩn đoán mắc bệnh đa u tủy xương - bệnh lý ung thư dòng tế bào. Khi thực hiện thủ tục chuyển tuyến BHYT tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, bà Lý được thông báo là bệnh viện tỉnh nhà cũng có thể điều trị được. Tin tưởng tay nghề, trình độ của bệnh viện, bà Lý đã quyết tâm ở lại, cùng các y bác sĩ tại đây chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

BS. Cù Nam Thắng, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Để điều trị cho bệnh nhân Cao Thị Lý, bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh ung thư máu. Đây là một kỹ thuật mà bệnh viện đã phát triển dưới sự hỗ trợ của Viện Huyết học  - Truyền máu Trung ương. Quá trình ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị đa u tủy xương cho bệnh nhân Cao Thị Lý hoàn toàn đúng theo tiên lượng ban đầu. Đến ngày thứ 20 sau ghép, tất cả các chỉ số của bệnh nhân đều trở về bình thường; tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định; bệnh nhân chủ động trong mọi sinh hoạt và có thể ra viện. Có thể nói, bệnh nhân Cao Thị Lý đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Trước bệnh nhân Cao Thị Lý, Bệnh viện HNĐK Nghệ An cũng đã điều trị khỏi cho 1 bệnh nhân khác cũng bị mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc. Đó là bệnh nhân Cao Thị Thu (45 tuổi ở phường Trường Thi, TP. Vinh). Bệnh nhân Thu được ghép tế bào gốc vào ngày 17/3/2020 và đến ngày 16/4 được xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình cũng như tập thể y, bác sĩ bệnh viện.

PGS. TS. Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Để có thể thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư máu, Bệnh viện đã được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương giúp đỡ đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ. Về phía bệnh viện đã nỗ lực chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như máy móc thiết bị đáp ứng cho kỹ thuật này. Ghép tế bào gốc tự thân là một kỹ thuật mới, chuyên sâu của chuyên ngành huyết học truyền máu đã từng được áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ung thư máu nói chung, đặc biệt là bệnh đa u tủy xương và bệnh u lympho. Việc bệnh viện làm chủ kỹ thuật này đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân ung thư máu được điều trị bằng phương pháp mới, tiên tiến ngay tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, giảm bớt chi phí điều trị, đi lại cho bệnh nhân.

Được biết: Bệnh viện HNĐK Nghệ An là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư máu và cũng là bệnh viện tuyến tỉnh duy nhất đến nay làm chủ kỹ thuật này. Chi phí để điều trị cho 1 bệnh nhân mắc đa u tủy xương bằng kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu tự thân rơi vào khoảng 700-800 triệu đồng. Chi phí điều trị được bảo hiểm y tế thanh toán 100%.

Lãnh đạo Bệnh viện HNĐK Nghệ An tặng hoa chúc mừng bệnh nhân ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu đầu tiên.

Lãnh đạo Bệnh viện HNĐK Nghệ An tặng hoa chúc mừng bệnh nhân ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu đầu tiên.

Hướng tới bệnh viện tầm khu vực

Từ trước tới nay, Bệnh viện HNĐK Nghệ An luôn xem việc phát triển kỹ thuật chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bệnh viện nhiệm kỳ 2020-2025 cũng tiếp tục khẳng định: Phát triển kỹ thuật chuyên sâu, đa chuyên ngành, đa lĩnh vực nhằm xứng tầm Bệnh viện Khu vực Bắc Trung Bộ, bệnh viện hạng đặc biệt theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

Trước đây, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chỉ được thực hiện ở tuyến Trung ương. Từ năm 2017, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã ứng dụng hiệu quả kỹ thuật này, đến nay đã có hàng trăm em bé chào đời mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Kỹ thuật phẫu thuật tim hở cũng là dấu ấn thành công của bệnh viện. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai thường quy kỹ thuật mổ tim hở ở người lớn. Tiếp nhận chuyển giao từ Bệnh viện Tim Hà Nội, từ năm 2015 các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật khó này.

TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm.

TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện HNĐK Nghệ An khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm.

Tính chung, hàng năm Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã thực hiện hàng chục nghìn ca phẫu thuật trung, đại phẫu và nhiều kỹ thuật cao, mới và khó như: Điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch não, đốt điện sinh lý cơ tim, thụ tinh trong ống nghiệm, tán sỏi tiết niệu bằng máy tán sỏi điện từ trường, phẫu thuật tim hở phức tạp... Phẫu thuật nội soi đa chuyên ngành, đa lĩnh vực như: phẫu thuật cắt u phổi, cắt gan, cắt toàn bộ đại trực tràng, cắt toàn bộ dạ dày, cắt hoàn toàn tử cung, mổ u não, mổ khớp gối; kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt thực quản hoàn toàn hai thì ngực - bụng;...

Và mới đây, cụ thể: ngày 05/6/2020, Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An vinh dự được trao “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội Đột quỵ Thế giới. Để đạt được các tiêu chuẩn này, Bệnh viện phải thỏa mãn nhiều tiêu chí khắt khe về quy trình điều trị cấp cứu đột quỵ cấp, khả năng huấn luyện và đào tạo nhân lực, trang thiết bị chẩn đoán, sự phối hợp giữa các khoa liên quan trong quá trình điều trị bệnh nhân.

Theo thống kê, hàng năm Bệnh viện HNĐK Nghệ An tiếp nhận điều trị cho khoảng 4.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có khoảng 80% trường hợp bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não. Trong nhóm này, khoảng 5 - 10% bệnh nhân nhập viện còn trong giờ vàng và được điều trị tái thông (thuốc tiêu huyết khối và can thiệp mạch)...

TS.BS. Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An chia sẻ: Một số tiêu chí của Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện HNĐK Nghệ An vượt hơn tiêu chuẩn vàng và chạm mốc tiêu chí bạch kim của Hội Đột quỵ Thế giới. Ví dụ như tiêu chí “thời gian bệnh nhân được nhận điều trị tái thông kể từ lúc nhập viện”, hiện tại trung bình chỉ khoảng hơn 40 phút. Một số trường hợp bệnh nhân được điều trị tái thông chưa đầy 30 phút sau khi nhập viện.

TS.BS. Phạm Hồng Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: Trong năm 2020, bệnh viện đã tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu đó là: ghép tế bào gốc tự thân, phẫu thuật robot trong phẫu thuật cột sống và ghép thận. Trong những năm tới, bệnh viện tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao như: phẫu thuật tim với đường mổ nhỏ; phẫu thuật thay đoạn động mạch chủ ở những vị trí phức tạp hơn như động mạch chủ ngực, phẫu thuật bắc cầu chủ - vành.

Từ chỗ ứng dụng robot trong phẫu thuật cột sống, bệnh viện sẽ tiến tới ứng dụng robot trong chuyên ngành ngoại khoa khác; tiếp tục phát triển Trung tâm hỗ trợ sinh sản, phấn đấu trong nhiệm kỳ có thêm 500 trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm; thực hiện ghép tế bào gốc trong điều trị các bệnh ung thư khác,... Mỗi năm, bệnh viện sẽ cố gắng phấn đấu phát triển từ 5-10 kỹ thuật của tuyến trung ương nhằm nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh của nhân dân tỉnh nhà và trong khu vực.


Từ Thành
Ý kiến của bạn