Chia sẻ tại buổi lễ, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngừng tim và tổn thương thần kinh như đột quỵ và chấn thương sọ não là những tình trạng y tế khẩn cấp và nghiêm trọng cần được chú ý và can thiệp ngay lập tức để ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng hoặc tử vong.
Những tình trạng này thường dẫn đến các khuyết tật lâu dài, đòi hỏi sự chăm sóc y tế, phục hồi chức năng và các dịch vụ hỗ trợ rộng rãi, do đó góp phần đáng kể vào gánh nặng của ngành y tế.
"Biên bản Ghi nhớ giữa Bệnh viện Bạch Mai và BD thể hiện cam kết cải thiện kết quả sức khỏe và cuộc sống của những người bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho các sáng kiến chiến lược tận dụng công nghệ tiên tiến và các thực hành tốt nhất để nâng cao giáo dục và nhận thức về các liệu pháp có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của bệnh nhân"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.
Vì thế, việc ký kết biên bản ghi nhớ nhằm mục đích nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân hồi sức tích cực do ngừng tim và tổn thương thần kinh.

Bệnh viện Bạch Mai ký kết với đối tác nhằm nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe và công nghệ y tế tại Việt Nam. (Ảnh: Thế Anh).
Theo đó, mục tiêu của việc ký kết này có 3 nội dung nổi bật:
- Cải thiện giáo dục lâm sàng: Các sáng kiến sẽ nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức cho các bác sĩ và điều dưỡng về kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy trong chăm sóc bệnh nhân hồi sức tích cực do ngừng tim và tổn thương thần kinh.
- Chuẩn hóa điều trị: Một phác đồ hạ thân nhiệt chỉ huy toàn quốc sẽ được phát triển để đảm bảo tuân thủ liệu pháp và chuẩn hóa quy trình chăm sóc.
- Đối chiếu dữ liệu lâm sàng: Nhằm mở rộng phạm vi bồi hoàn thanh toán bảo hiểm và giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội tiếp cận kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy khi phải nhập viện vì ngừng tim hoặc tổn thương thần kinh.
Ngoài việc cung cấp các giải pháp và công nghệ tiên tiến, đối tác cũng hỗ trợ các chương trình đào tạo và nghiên cứu lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai để thúc đẩy việc sử dụng tối ưu kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy cho bệnh nhân hồi sức tích cực.
Bệnh viện Bạch Mai là nơi đầu tiên ở nước ta triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Kỹ thuật này cho phép hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống mức 33-36 độ C (ở người bình thường thân nhiệt là 36,5-37 độ) giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan.
Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để hỗ trợ tế bào não hồi phục.
Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục.
Nhờ kỹ thuật này, các bệnh nhân ngừng tim sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn.