Thay vì việc xếp hàng đăng ký và làm thủ tục khám, người dân tới Bệnh viện E có thể lấy số thứ tự tiếp đón tại cây lấy số tự động, quét thẻ ảo có sẵn và nhận phiếu in số thứ tự. Khi quầy tiếp đón đọc đến số thứ tự của mình, bệnh nhân vào cửa tiếp đón để được hỗ trợ đăng ký dịch vụ.
Sau khi đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ được nhận phiếu hướng dẫn có in sẵn mã QR để tải ứng dụng, cùng với tên đăng nhập, mật khẩu để đăng nhập ứng dụng Ilsofhcare.
Với thông tin này, người bệnh có thể xem và lưu trữ kết quả khám bằng ứng dụng ngay trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này cũng cho phép người bệnh đặt lịch khám tại Bệnh viện E và thực hiện hỏi đáp, gọi video tư vấn từ xa với các y bác sĩ bệnh viện...
Trên mỗi phiếu khám có in sẵn mã vạch thể hiện mã bệnh nhân, các bác sĩ có thể thực hiện quét mã vạch để có các thông tin về hồ sơ bệnh lý thay vì nhập số thủ công như trước.
Nhờ công cụ này, các y bác sĩ có thể theo dõi được tổng quan lịch sử khám chữa bệnh, kết quả của các xét nghiệm và dịch vụ cận lâm sàng bệnh nhân đã thực hiện, từ đó đưa ra các chỉ định, hướng dẫn và kết luận đúng nhất...
Tại Việt Nam, hiện nhiều cơ sở y tế đã triển khai bệnh viện không giấy tờ, như Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM), Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh… Ở Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội… đã được Bộ Y tế công nhận bệnh án điện tử, tiến tới bỏ bệnh án giấy.
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt; 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 15% bệnh viện (tương đương 210 đơn vị) chuyển đổi số thành công.