Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 1.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 2.

Những ngày cuối năm, men theo cánh rừng bạt ngàn cao su, tôi đặt chân đến Bệnh viện Nhân Ái. Cách trung tâm TPHCM khoảng 200 km, Bệnh viện Nhân Ái nằm ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. 

Đây là bệnh viện điều trị điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam và cũng là bệnh viện xa nhất, khó khăn nhất của TPHCM. Nơi đây điều trị miễn phí cho các bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối và cũng là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân ở các trại cai nghiện của TPHCM.

8h30 sáng, hàng trăm bệnh nhân từ các khoa, phòng tỏa ra khắp khuôn viên và hành lang bệnh viện. Người khỏe mạnh thì lau dọn phòng và hành lang, nhổ cỏ, chăm sóc cây, người yếu hơn thì phơi nắng, một số ngồi ở các chòi mát trò chuyện vui vẻ. 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Bệnh viện Nhân ái.

Dạo quanh các phòng bệnh, ThS.BS Lê Văn Hạng, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân Ái ân cần hỏi từng bệnh nhân. Đến hành lang khoa Nội C, bác sĩ Hạng nhìn thấy bệnh nhân là ông N.V.T, 86 tuổi, liền nhẹ nhàng hỏi thăm tay ông đỡ đau chưa rồi căn dặn bệnh nhân: "Trời lạnh sẽ đau hơn đó bác, bác chịu khó nhé!".

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 3.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 4.

Vừa nhìn thấy bác sĩ Hạng từ xa, bệnh nhân N.A.T, sinh năm 1966, quê ở Hà Nội đã cất tiếng chào. Anh T vào Bệnh viện Nhân Ái đã hơn 7 năm và gắn bó từ đó đến nay, chưa một lần về thăm nhà. Trước đây anh T là lái xe ô tô đường dài, năm 2016 anh bị té xe máy nằm liệt và lúc đó mới hay bị nhiễm HIV. 

"Nhận kết quả, tôi sốc bởi trước đó không có dấu hiệu gì cả. Thời điểm đó, tôi từ gần 60 kg suy sụp chỉ còn 37kg", anh T kể lại.

"Lúc mới vào viện tôi phải nằm một chỗ, không cử động được, nhiều khi chán nản, buông xuôi không thiết sống. Vậy nhưng các y bác sĩ kiên trì hàng ngày tập vật lý trị liệu cho tôi và khơi gợi lòng ham sống, nay tôi đã tự đi xe lăn được, hồi phục dần và được coi là một kỳ tích. Ở đây các bác sĩ, điều dưỡng còn hơn cả người thân, thay gia đình chăm sóc tôi. Tôi rất biết ơn các thầy cô, bác sĩ, điều dưỡng", nam bệnh nhân tâm sự.

Tương tự anh T, chị K.D (sinh năm 1973, hộ khẩu TPHCM) đã điều trị HIV và gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái 9 năm qua. Chị D kể, ngày biết tin mình lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy, chị suy sụp. Được bạn bè giới thiệu Bệnh viện Nhân Ái chăm sóc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV, chị D đã tự tìm đến.

"Tôi tự nguyện đến Bệnh viện Nhân Ái đã 9 năm, lúc đó tôi không tự đi đứng được và có tư tưởng bất cần, coi mình như cận kề cái chết, xe ô tô phải chở tôi vào tận nơi. Nhưng vào đây, tôi được các y bác sĩ yêu thương, chăm sóc, đối đãi nhiệt tình, uống thuốc ARV đều đặn nên giờ khỏe mạnh bình thường, tăng lên 10 ký lận, da dẻ đẹp lên ai gặp cũng khen", chị K.D chia sẻ.

Chị D cho biết thêm, chị ở Nhân Ái đã quen nên không muốn về nhà ở dưới Sài Gòn nữa. Lâu lâu chị xin bệnh viện về phép thăm gia đình 1-2 ngày rồi quay lại. 

"Thấy tôi khỏe mạnh, ba mẹ và con tôi yên tâm. Tôi sống ở đây đã lâu, bạn bè thân thiết trong này đã quen rồi, giống y như là nhà. Tết ở đây vui lắm, tổ chức nhiều hoạt động còn vui hơn ở ngoài", chị K.D hào hứng kể. 

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 5.

Cũng như chị K.D, chị T.T (sinh năm 1993, hộ khẩu TPHCM) đã ở Bệnh viện Nhân Ái hơn 3 năm. So với ngày đầu vào viện, chị T tăng 19 kg (từ 37 kg lên 58 kg), ngày càng nhuận sắc, cởi mở tham gia các phong trào văn nghệ trong những dịp hội diễn ở bệnh viện.

Hay như anh L.H.M (sinh năm 1982, người gốc Tiền Giang) nhiễm HIV đã hơn 10 năm do tiêm chích ma tuý. Ở thời điểm đầu bị bệnh, anh M mặc cảm muốn tìm đến cái chết, nhưng được bác sĩ, điều dưỡng khuyên nhủ, anh M muốn tiếp tục sống để trả nghĩa với đời, với bệnh viện. Hàng ngày, anh phụ điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân nặng, sức khỏe yếu hơn mình, trong đó có cả bạn gái của anh. Cả hai gặp và yêu thương nhau cũng là ở dưới mái nhà Nhân Ái.

Với anh M , bệnh viện chính là nhà và bác sĩ, điều dưỡng là những người thân. Đây cũng chính là chốn bình yên nhất cho con người đã từng một thời lầm lỡ.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 6.

"10 năm ở bệnh viện là quãng thời gian đáng nhớ nhất của tôi. Những lúc tôi buồn, tôi được các thầy cô (tất cả các bệnh nhân ở Nhân Ái đều tự nguyện gọi nhân viên y tế là thầy cô - PV) hỏi thăm, động viên và kể chuyện vui. Tôi cũng cảm thấy được mình là người có ích khi phụ giúp được thầy cô chăm sóc các bệnh nhân khác. Đây là nhà của tôi, là nơi tôi sẽ sống đến những ngày cuối đời", anh M nói.

Không chỉ riêng anh Minh, chị Dung hay anh Thắng mà rất nhiều người dù đủ điều kiện được quay trở về cộng đồng nhưng họ vẫn thích ở lại bệnh viện hơn (cứ 3 tháng bệnh viện có chế độ cho bệnh nhân về thăm nhà 5 ngày).

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 7.

Trong phòng bệnh khoa Nội C, các điều dưỡng thay nhau khám bệnh, chăm sóc những bệnh nhân nặng thân mình lở loét, nằm một chỗ, không thể tự vận động.

Vừa thay tã cho bệnh nhân nam toàn thân lở loét, cơ thể chỉ còn là một bộ xương với đôi mắt cử động được, điều dưỡng Trần Thị Điều vừa nhỏ nhẹ hỏi: "Anh thấy dễ chịu chưa? Có thấy ổn không?". Tiếp đến, chị Điều vừa nhẹ nhàng khoác áo cho bệnh nhân rồi bế bệnh nhân ngồi lên xe lăn vừa căn dặn: "Anh chịu khó ngồi cho vết thương nó khô nhé!".

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 8.


Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 9.

Ngay phòng bên cạnh, điều dưỡng Lê Thanh Phong nhẹ nhàng lấy ven truyền thuốc cho nam bệnh nhân 60 tuổi. 

Do cơ thể gầy và từng tiêm chích ma túy, bệnh nhân rất khó lấy ven, anh Phong phải lựa. Đây cũng là lúc điều dưỡng trực tiếp tiếp xúc với máu tươi của bệnh nhân, chỉ cần sơ suất nhỏ trong lúc tiêm, truyền, lấy ven hay tay bị xước, găng tay bị thủng… là có nguy cơ lây nhiễm cao.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 10.

Gắn bó từ những ngày đầu bệnh viện mới được thành lập, anh Bùi Văn Tiến - Phó phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện Nhân Ái đã tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, hệ miễn dịch suy giảm.

Theo anh Tiến, bệnh nhân của bệnh viện chủ yếu là người nghiện ma túy, vô gia cư, tham gia băng đảng… Trong đó, nhiều người là những tay anh chị giang hồ có số má, được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện của thành phố về. Ngoài nhiễm HIV, họ còn mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác như bệnh lao, phổi, gan, da… với thể trạng suy kiệt. 

Ban đầu, khi đến viện, họ thường có thái độ bất hợp tác, hung hăng, chống đối, quậy phá, thậm chí tấn công lại người chăm sóc mình. Từ năm 2008 đến nay, đã có hàng chục nhân viên của bệnh viện bị phơi nhiễm HIV, trong đó có một số người bị phơi nhiễm HIV đến 2,3 lần. Bản thân anh Tiến là người đã phải trải qua hai lần phơi nhiễm HIV (lần 1 vào tháng 7/2014 và lần 2 vào tháng 9/2015). Sau quá trình điều trị dự phòng lây nhiễm căng thẳng và mệt mỏi, anh Tiến mừng rỡ khi kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.

"Khoảng thời gian đó tôi giấu biệt gia đình nội ngoại, chỉ riêng bà xã tôi (thời điểm đó là người yêu - PV) là điều dưỡng ở Khoa Cắt cơn phục hồi chức năng biết và rất lo lắng. Lần đầu bị phơi nhiễm, ngoài HIV, bệnh nhân đó còn bị viêm gan B cùng các bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là kháng thuốc ARV và trong mấy loại thuốc họ dùng chỉ có một loại không kháng, nguy cơ lây nhiễm cao. Mình là đàn ông, tâm lý vững hơn, tôi phải động viên ngược lại cô ấy", anh Tiến kể.

Không những bệnh nhân xem Bệnh viện Nhân Ái là gia đình thứ hai, mà các bác sĩ, điều dưỡng ở đây cũng vậy. Tính đến Tết 2024 này là gần 20 năm bác sĩ Hạng và anh Tiến không về miền Bắc ăn Tết mà ở lại bệnh viện đón Tết cùng các bệnh nhân. Cùng đó là hàng trăm nhân viên y tế túc trực ngày đêm. Tất cả gắn kết lại với nhau để bù đắp tình yêu thương cho bệnh nhân, san sẻ cùng họ.

"Mỗi con người đều có hai mặt, mặt thiện và ác. Khi vào Nhân Ái, các bệnh nhân nhận được sự chăm sóc và quan tâm, mặt thiện của họ lấn át đi, mặt ác "dịu" đi. Họ xác định Nhân ái là ngôi nhà của họ, nhiều người khỏe lên họ về cộng đồng nhưng hầu hết lại quay trở lại Nhân Ái ", anh Bùi Văn Tiến chia sẻ. 

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 11.

Nói rồi, giọng anh Tiến trùng xuống, ánh mắt không giấu khỏi xúc động: "Có những bệnh nhân ở đây hơn chục năm, tôi chăm sóc và coi họ như anh em trong gia đình. Khi họ mất, tôi phải trải qua cảm giác mất mát rất lớn. Cái giường đó trước đây họ nằm, giờ khi mình đi qua, họ không nằm đấy nữa. Mỗi khi phải thay mặt gia đình chuẩn bị khâm liệm, thắp nhang hương khói cho mỗi bệnh nhân là mỗi lần tôi phải trải qua cảm giác rất khó nói, chưa bao giờ cảm thấy thanh thản. Nhiều trường hợp trước khi mất, tôi hỏi "Anh/chị có nguyện vọng và trăng trối điều gì không?", đa phần họ nói họ không có hối tiếc, không có nhu cầu và chấp nhận… Bao năm sống gắn bó và điều trị cùng bệnh nhân, tôi luôn cảm thấy họ đáng thương hơn đáng trách, nhiều người rất tình cảm".

Trò chuyện với các nhân viên y tế ở Bệnh viện Nhân Ái, tôi nhận ra rằng, mỗi người là một câu chuyện, mỗi hoàn cảnh nhưng họ có điểm chung là cùng gặp nhau và gắn bó dưới mái nhà Nhân Ái, cùng nhau chia sẻ và đồng hành với các bệnh nhân HIV/AIDS đi qua nỗi đau bệnh tật.

Để lại sau lưng thành phố sôi động, hơn 10 năm trước, ThS,BS Lê Văn Hạng với tấm bằng tốt nghiệp ĐH Y dược TPHCM đã quyết định nhận công tác tại Bệnh viện Nhân Ái. Tương tự, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1999) đã chọn điểm đến là khoa Săn sóc đặc biệt, Bệnh viện Nhân Ái ngay sau khi ra trường mặc dù có nhiều chỗ khác mời gọi với mức lương cao và cơ sở vật chất tốt hơn.

"Lúc mới vào viện, trong đầu tôi luôn có câu hỏi, làm sao để thích nghi với môi trường làm việc và bệnh nhân ở đây? Tôi cũng không tránh khỏi cảm giác e ngại, hơi bất an, lo lắng bệnh nhân không hợp tác, quấy phá... Nhưng rồi, tất cả những băn khoăn đó đều biến mất bởi sự gần gũi, thân thiện của cả đồng nghiệp và bệnh nhân", bác sĩ Chiến tâm sự.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 12.

Bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Chiến bên bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Kim Vân

Ở đây ngày Tết trở thành ngày sum họp đặc biệt của đại gia đình Nhân Ái. Mặc dù hàng ngày phải đối diện với những cơn đau, nhiều người sức khỏe bị suy giảm miễn dịch nhưng Tết đến, ở Nhân Ái vẫn đủ đầy với việc gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, chưng cây đào, cây mai và cùng quây quần, rộn ràng lời ca tiếng hát bên nhau đón đợi thời khắc năm mới đến.

Điều đặc biệt của Nhân Ái đó là nơi không chỉ thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương, kéo bệnh nhân từ cõi chết trở về, mà còn là nơi ươm tình yêu đẹp của rất nhiều cặp vợ chồng y, bác sĩ. Trong số 363 nhân viên y tế đang làm việc ở bệnh viện thì có gần 200 người kết đôi thành vợ chồng. 

Chính môi trường làm việc biệt lập, sự thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương đã tạo nên những mối duyên lành ở đây. Bệnh viện đã xây dựng một khu nhà công vụ cho các nhân viên khi kết hôn, mở nhà giữ trẻ dành riêng cho con em để họ yên tâm công tác, chuyên tâm với bệnh nhân.

Những ngày nghỉ, lễ Tết, các cháu là con của các nhân viên y tế theo chân bố mẹ vào trong viện tham gia các hoạt động vui chơi như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, phụ bố mẹ và các cô chú bác bệnh nhân dọn dẹp, trang hoàng khuôn viên bệnh viện. Những hoạt động như vậy giúp gắn kết bệnh nhân với nhân viên y tế và nhiều năm qua, bệnh viện rất ít có nhân viên xin chuyển công tác.

Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam - ngôi nhà bình yên và nhân ái- Ảnh 13.

Và cũng như các bệnh nhân, các y bác sĩ, nhân viên y tế ở Nhân Ái coi bệnh viện là gia đình, ngôi nhà thứ hai của họ. Niềm vui, hạnh phúc ấm lòng nhất đối với họ là sự tiến triển sức khỏe và nụ cười của bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân đã đến Nhân Ái trong tình trạng suy sụp, sức khỏe kiệt quệ nhưng với sự nỗ lực từng ngày, từng ngày một của bản thân và hết lòng chăm sóc của y bác sĩ, họ đã khỏe mạnh trở lại và trở về với gia đình, với cộng đồng. Họ được tái sinh.

Chia tay ngôi nhà Nhân Ái, đọng lại trong tôi là hình ảnh những bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế bỏ cả thanh xuân tươi đẹp và những cơ hội, ước mơ tuổi trẻ để đồng hành với những bệnh nhân đặc biệt. Họ đã dùng tình thương là liều thuốc an thần đối với bệnh nhân, đặt trách nhiệm của mình trong trọn các hành động. Đó chính là sự hy sinh thầm lặng của những tấm lòng nhân ái, đầy ắp tình người.

Bệnh viện Nhân Ái được thành lập vào năm 2006, toạ lạc tại xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) với diện tích 170h. Đây là bệnh viện chuyên khoa HIV/AIDS hạng II đầu tiên của TPHCM cũng như cả nước điều trị, chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối. Nơi đây đã chăm sóc, điều trị miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân HIV/AIDS neo đơn, khó khăn trước khi họ qua đời. Hiện bệnh viện có 363 cán bộ nhân viên y tế và điều trị cho 595 bệnh nhân.


Ý kiến của bạn