Trước đó, chị H. khi ở nhà thì cảm thấy mệt, khó thở và ngất. Người nhà ngay lập tức đưa bệnh nhân đến BVĐK tỉnh Sóc Trăng để được cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu tổng hợp, tình hình ngày càng xấu hơn, bệnh nhân bị choáng nặng, phải thở máy, ngừng tim.
Chị H. khi được sử dụng kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) tại BVĐK tỉnh Sóc Trăng
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân, tim đập trở lại. Khi đưa bệnh nhân đi chụp CT, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim, các bác sĩ lại phải tiến hành cấp cứu, ép tim để tim đập trở lại và nhanh chóng đưa bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.
Tại đây, bệnh nhân tiếp tục ngừng tim, các bác sĩ đã tiến hành hồi sinh tim phổi cho bệnh nhân bằng các biện pháp thông thường khoảng 15 phút nhưng không hiệu quả.
BS Mạch Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhân.
Điều khó khăn nhất trong ca bệnh này: Trong khi vận hành kỹ thuật ECMO, tim của bệnh nhân vẫn chưa đập trở lại. Vì vậy, ê kip thực hiện phải tiến hành cấp cứu, ép tim song song với can thiệp ECMO.
Sau khoảng 45 phút giành giật với tử thần, ê kip đã vỡ òa niềm vui khi tim của bệnh nhân đã đập trở lại bình thường, huyết áp ổn định dần, bệnh nhân đã được cứu sống.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã cai được ECMO. 8 ngày sau điều trị, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, giao tiếp tốt, sức khỏe đã hồi phục rất nhiều.
Tuy nhiên, chức năng thận vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Theo dự đoán của thầy thuốc sau 1 tuần nữa, bệnh nhân có thể được ra viện.