Bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm chuẩn bị ứng phó với đậu mùa khỉ

03-11-2022 13:06 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dịch bệnh đậu mùa khỉ (monkey pox) đang gia tăng trên toàn thế giới với hơn 77.200 ca mắc tính đến ngày 31/10. Tại Việt Nam đã có 2 ca mắc đậu mùa khỉ du nhập từ nước ngoài, hiện đã khỏi bệnh, ra viện. Mới đây nhất, tại Đắk Lắk cũng đã ghi nhận 01 ca nghi mắc đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ, khi khẳng định rằng dịch bệnh này vẫn là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tại châu Âu và châu Mỹ đã giảm đáng kể.

Nhằm chuẩn bị ứng phó với dịch đậu mùa khỉ, TS. BS Trần Văn Giang - Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với vai trò là bệnh viện đầu ngành về chuyên ngành truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập Ban quản lý bệnh đậu mùa khỉ (gồm đại diện Ban Giám đốc, lãnh đạo các khoa phòng liên quan).

Xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh bệnh đậu mùa khỉ cấp quốc gia, bệnh viện và khoa phòng; Hiện nay phác đồ này đã được Bộ Y tế phê duyệt theo Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022 Xây dựng quy trình tiếp đón, phân luồng và khu vực khám, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Ngoài ra, bệnh viện đã tiến hành phổ biến kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ cho các bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên. Đặc biệt, khoa Virus - Ký sinh trùng nơi có nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh dịch do virus như: COVID-19, cúm, thủy đậu... đã chuẩn bị sẵn các nguồn lực, cơ sở vật chất để tham gia tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ.

Khoa Khám bệnh đảm bảo phân luồng và bố trí khu vực khám người bệnh nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng cho các hoạt động ứng phó khi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Các đơn vị khác như khoa Vi sinh – sinh học phân tử phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã chuẩn bị sẵn sàng hóa chất sinh phẩm để xét nghiệm chẩn đoán và sàng lọc ca bệnh dựa trên các kỹ thuật hiện đại PCR và giải trình tự gene.

Khoa Dược cũng sẵn sàng các thuốc điều trị. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn sẵn sàng với quy trình khử khuẩn và xử lý đồ vải, vật dụng liên quan đến người bệnh và người nghi nhiễm. Khoa Dinh dưỡng lên phương án cung ứng các suất ăn dinh dưỡng và nhu yếu phẩm cần thiết cơ bản tại giường bệnh.

Bên cạnh đó, Bệnh viện tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để triển khai các lớp đào tạo tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới về các biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để khẳng định ca bệnh và phối hợp với các CDC địa phương để truy vết và giám sát ngoài cộng đồng.

Hiện tại, việc phòng bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu dựa vào các biện pháp phát hiện sớm và cách ly ca bệnh đang được triển khai nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trong khi vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ chưa được triển khai. Khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ của bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần liên hệ sớm tới cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị sớm.

Bệnh viện đầu ngành truyền nhiễm chuẩn bị ứng phó với đậu mùa khỉ - Ảnh 2.

Tổn thương ở bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, một trong những vấn đề ưu tiên chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế hiện nay là phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác chuyên môn về giám sát, đáp ứng, thu dung điều trị, truyền thông về phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại một số tỉnh thành (TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Tây Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Gia Lai…).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hấp, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bộ Y tế kiểm tra phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tại Hà NộiBộ Y tế kiểm tra phòng, chống dịch đậu mùa khỉ tại Hà Nội

SKĐS - Ngày 1/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại sân bay Nội Bài và 2 bệnh viện chuyên khoa về da liễu gồm BV Da liễu Trung ương và BV Da liễu Hà Nội.



D.Hải
Ý kiến của bạn