Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là bệnh viện đa khoa hạng nhất, được thành lập vào năm 1890 được nâng cấp từ Nhà thương Phú Cường. Sau 132 năm phát triển, hiện nay bệnh viện phục vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày; trong đó sức chứa dành cho bệnh nhân điều trị nội trú lên đến khoảng 1500 giường bệnh.
Hiện tại, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương có các chuyên khoa như: Đa khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Khoa tiêu hóa, Nhãn khoa, Nhi khoa, Răng - Hàm - Mặt. Tại các khoa đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại và tối tân giúp cho việc chăm sóc sức khỏe người bệnh được thuận tiện và hiệu quả hơn.
Song song đó là sự phối hợp của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn và luôn nhiệt huyết trong việc chăm sóc sức khỏe và tư vấn y khoa cho người bệnh. Nhờ đó, những người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận luôn tin tưởng chọn nơi đây để được tư vấn và điều trị bệnh.
Một trong những thành tựu ấn tượng nhất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong thời gian gần đây phải kể đến kỳ tích nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau 1 tuần cấy ghép "nuôi" ở chân lành của bệnh nhân M.V.Đ, 41 tuổi bị tai nạn giao thông.
Kỳ tích ca ghép chân lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam và thứ 2 trên thế giới
Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ 2022 và năm mới 2023, bác sĩ Võ Thái Trung - Phó Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết đã thực hiện một ca phẫu thuật đặc biệt lần đầu tiên tiến hành ở Việt Nam và cũng vô cùng hiếm có trên thế giới: Nuôi ghép tạm thời phần chân đứt lìa của bệnh nhân vào một bộ phận khác trên cơ thể, trong tình huống chưa thể nối ghép lại ngay sau tai nạn.
Bệnh nhân M.V.Đ, 41 tuổi bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng đứt rời 1/3 giữa cẳng chân phải, phần cơ bị dập nát nhiều, không được sơ cứu và bảo quản, dính nhiều dị vật là đất, cát; kèm theo chấn thương ở đầu và ngực khá nghiêm trọng.
Sau khi cấp cứu hồi sức và kiểm tra các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được kíp trực hội chẩn khẩn và chỉ định nuôi giữ cẳng chân phần đứt lìa chờ nối lại giúp người bệnh có cơ hội giữ chân, tránh tàn phế. Ca phẫu thuật được thực hiện trong vòng 15 giờ. BSCKII Võ Thái Trung là phẫu thuật viên chính của cuộc phẫu thuật.
BS Trung cho biết, để có thể bảo quản phần đứt lìa bị dập nát của cẳng chân, các thầy thuốc đã đi đến quyết định táo bạo đó là cấy ghép tạm thời phần cẳng chân đứt lìa trên một bộ phận khác của cơ thể để nuôi sống trong tình huống chưa thể nối lại ngay chân cho người bệnh. Cụ thể, ở trường hợp bệnh nhân Đ., các bác sĩ đã cấy ghép phần cẳng chân phải đứt lìa vào chân trái. Điều này còn giúp người bệnh tránh trải qua ca mổ nặng nề kéo dài trong tình trạng nguy kịch có thể dẫn đến mất quá nhiều máu, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan và tử vong.
“Đặc biệt, việc nuôi cấy ghép tạm thời này cho phép người bệnh có thêm một cơ hội giữ được tay, chân đứt lìa còn khá nguyên vẹn vì cho đến hiện tại y học chưa có có cách nào bảo quản phần đứt lìa trong thời gian đủ dài trong nhiều giờ, nhiều ngày để có thể chờ ghép nối lại cho người bệnh”, BS Trung chia sẻ.
Ca mổ thành công - một quyết định táo bạo
Bác sĩ cho biết, việc cấy ghép cẳng chân đứt lìa vào cẳng chân bên lành để nuôi dưỡng chưa có tiền lệ nên không có bất kỳ khuyến cáo hay hướng dẫn nào. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của người bệnh và tình trạng vết thương. Khi thấy sức khỏe của bệnh nhân cho phép và các vết thương sạch không nhiễm trùng sẽ tiến hành nối trả lại.
Để tiến hành ca phẫu thuật này, tất cả ê kip cũng như các y, bác sĩ tham gia cấp cứu, phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân đều trên tinh thần cố gắng hết khả năng để giúp người bệnh tránh bị cắt cụt, mất chân và tàn phế.
Ca mổ đã thành công, sức khoẻ người bệnh tốt, cẳng chân sau khi được ghép nối trả lại đã dần ổn định.
Bác sĩ cho biết, để người bệnh vững tâm, trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật, phẫu thuật nào cho người bệnh, phẫu thuật viên đều giải thích rõ ràng, đầy đủ quá trình điều trị cũng như các tai biến, biến chứng có thể không may xảy ra để người bệnh hiểu và chấp thuận. Bởi nếu người bệnh không đồng ý, các phẫu thuật viên cũng sẽ không thể thực hiện cuộc mổ.
Có vấn đề cần được làm rõ ở đây, là người bệnh khi vào cấp cứu, khả năng giữ được chân đã xác định là không có, việc thực hiện kỹ thuật này là nhằm giúp người bệnh có thêm một cơ hội chứ không phải là chắc chắn.
Nếu không may mắn ca mổ thất bại, về phía BV và các bác sĩ phẫu thuật phải thực hiện phân tích, mổ xẻ vấn đề tại sao thất bại để tìm ra giải pháp khắc phục, tìm giải pháp để từ đó chăm sóc và điều trị cho người bệnh ngày một tốt hơn.
BSCKII. Võ Thái Trung cho biết, sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, khám định kỳ để được tập phục hồi chức năng, từng bước phục hồi các cử động ở cổ chân, bàn chân và các ngón chân. Bác sĩ sẽ đánh giá quá trình lành xương, khả năng đi, đứng, chạy, nhảy… và tiến tới tháo rút các dụng cụ kim loại cố định xương cho bệnh nhân.
Được biết, đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam và là ca ghép chi thứ 2 trên thế giới. Trước đó, trên thế giới, đã từng có một bệnh nhân được cấy ghép bàn tay vào cẳng chân để nuôi trong 3 tháng trước khi được nối lại với cẳng tay. Ca cấy ghép đó cũng đã thành công và đem lại chức năng tốt của bàn tay đó trong sinh hoạt, lao động của người bệnh.