Bệnh viện của những câu chuyện cổ tích

30-04-2013 14:21 | Tin nóng y tế
google news

38 năm sau ngày giải phóng, ước mơ của người dân xứ Quảng có bệnh viện chuyên khoa điều trị ung thư dành cho người nghèo đã thành sự thật. Ung thư, người đời vẫn gọi “trời kêu ai, người ấy dạ” là căn bệnh ám ảnh của bất kỳ người nào. Người giàu, gặp căn bệnh éo le cũng bớt giàu.

38 năm sau ngày giải phóng, ước mơ của người dân xứ Quảng có bệnh viện chuyên khoa điều trị ung thư dành cho người nghèo đã thành sự thật. Ung thư, người đời vẫn gọi “trời kêu ai, người ấy dạ” là căn bệnh ám ảnh của bất kỳ người nào. Người giàu, gặp căn bệnh éo le cũng bớt giàu. Người nghèo, mắc ung thư, bán hết gia tài cũng sẽ bần hàn. Nhưng từ đây, dừng chân ở Đà Nẵng, qua Bệnh viện Ung thư (BVUT) gặp người nghèo được chữa bệnh trong phòng bệnh khang trang cứ ngỡ như có câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại...

Giấc mơ của người nghèo

Dù đã điều trị được một thời gian tại BVUT Đà Nẵng, ông Nguyễn Thanh Sơn (63 tuổi, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) vẫn cứ lấy tay bấm thật mạnh vào đùi thử xem mình có mơ không. 4 năm qua, khi được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư hạch, bà Phạm Thị Liễu (61 tuổi), vợ ông đã không ít lần cơm đùm cơm nắm khăn gói vào phía Nam điều trị bệnh cho chồng. Tiền bạc cứ thế trôi đi theo căn bệnh nan y của ông Sơn. Căn nhà đang ở của hai vợ chồng già cũng phải cầm cố. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, định bụng không đi khám ở đâu nữa bởi tiền đâu mà đi. “Nghe tui nói đi khám thử ở BVUT, ban đầu ổng nhất quyết gàn tui bởi nghĩ rằng chắc tui nghe lộn chớ có ở đâu mà người ta chữa miễn phí cho mình bao giờ. Ra đến đây mà hai vợ chồng vẫn bán tín bán nghi. Giờ thì thở phào” - bà Liễu xúc động nói. Toàn bộ tiền thuốc, tiền nằm viện và cả tiền ăn của hai vợ chồng đều được miễn phí. Đúng là cổ tích giữa thời hiện đại đối với những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo như ông Sơn. Giống như ông Sơn, chị Trương Thị Bé (38 tuổi, quận Liên Chiểu), bệnh nhân ung thư amidan cho biết: “Cách đây vài tháng, tui phải ra tận Hà Nội chụp PET/CT hết 30 triệu đồng. Nhưng giờ có thể yên tâm khi BVUT đủ các máy móc hiện đại, không lo đi đâu xa nữa. Mình nghèo nên không phải nộp tiền, đỡ biết mấy”. Chồng bị bệnh nằm một chỗ nên toàn bộ chi phí ăn uống, thuốc men và tiền ăn học của 3 con đều trông vào gánh cháo vỉa hè của chị Bé. Chị kể: Khi biết tin mình bị ung thư, tui tưởng chỉ chờ chết thôi vì tiền đâu mà chữa cho được. Nghe tin có bệnh viện miễn phí, tui tưởng như chết đi sống lại.
Bệnh viện của những câu chuyện cổ tích 1
 Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng trong ngày khánh thành.        Ảnh: Đức Hoàng

Không chỉ người bệnh được miễn phí tiền khám chữa bệnh, người đi chăm bệnh nhân cũng được miễn phí tiền lưu trú trong suốt thời gian chăm bệnh tại nhà lưu trú 576 giường của BVUT. Đó là một điểm đặc biệt nữa của BVUT. Những cảnh tượng thương tâm thường thấy khi người nhà phải vật vạ ở sân bệnh viện hay giăng bạt ngủ tạm giữa trời mặc cho nắng, mưa đối với BVUT không còn nữa. Đồng thời, ngay dưới tầng trệt của khu nhà lưu trú là bếp ăn từ thiện, nơi cung cấp 3 bữa cháo miễn phí mỗi ngày cho bệnh nhân. “Lâu nay đưa chồng đi khám ở nhiều nơi, toàn trải chiếu ngủ dưới đất, ở hành lang hoặc vật vạ đâu đó. Có ai ngờ lần này có giường ở khu riêng biệt như thế này” - bà Phạm Thị Liễu tròn xoe mắt thổ lộ khi được ở khu nhà lưu trú cho thân nhân người bệnh.

GS.TS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hiện là cố vấn cho BVUT Đà Nẵng cho biết: “BVUT được xem là ước mơ, niềm vui của nhiều thế hệ người dân nghèo trên dải đất miền Trung này. Không có tiền, đi xa ngại tốn kém nên không ít bệnh nhân nghèo đành tự chống chọi với bệnh tật. Theo ước tính của chúng tôi, hằng năm khu vực miền Trung có khoảng 21.000 bệnh nhân ung thư mới mắc. Xuất phát từ thực tế cả khu vực chưa có BV điều trị chuyên khoa, người không may mắc bệnh phải vào TP.HCM hoặc ra Hà Nội điều trị rất tốn kém, khó khăn và thường đã ở giai đoạn cuối nên cơ may cứu sống rất thấp...”. GS. Đức đã từng chứng kiến tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện lớn trong cả nước, nhất là tại các bệnh viện điều trị ung thư và cho rằng, việc ra đời một bệnh viện quy mô thế này ở miền Trung sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng đó ở hai đầu đất nước.

Ấm áp những tấm lòng

Để có được BVUT khang trang như hiện nay, đã có biết bao trái tim đồng cảm và sẻ chia góp tay xây dựng. Từ các tổ chức nhân đạo Mỹ, Nhật, đến những người con đất Quảng xa quê đang sinh sống tại Đức, những công dân bình thường của thành phố Đà Nẵng... cũng đã đóng góp làm nên công trình nhân văn này. Đó là sự sẻ chia của Trung tâm Y tế Sedar Sinai (Mỹ) ưu tiên tài trợ nhiều đợt với tổng cộng 272 giường HillRoom và một số trang thiết bị y tế khác. Hay như Hội Giao lưu văn hóa Nhật - Việt tài trợ 70 giường HillRoom chuyển từ Nhật về và 250 triệu đồng; Tổ chức Project Cure (Mỹ) tài trợ 52 giường HillRoom; Công ty điện tử Phillips Việt Nam tài trợ 50.000USD; Công ty Xi măng Hải Vân Đà Nẵng tài trợ 500 tấn xi măng trị giá 650 triệu đồng... Còn là những em học sinh tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh dành tiền heo đất ủng hộ xây dựng bệnh viện như: Phan Thiên Phúc (TP. Hồ Chí Minh) đã góp 15 triệu đồng để mua một tấn gạo tặng bếp ăn từ thiện, đồng thời vận động 2 bạn cùng lớp tặng 3 triệu đồng để mua tô, muỗng tặng nhà ăn... Để BVUT thật sự là mô hình bệnh viện - công viên, các nghệ nhân đá Non Nước cũng tặng những tác phẩm đá điêu khắc mang ý nghĩa sâu sắc: Nhà điêu khắc Long Bửu tặng tượng Hải Thượng Lãn Ông trị giá 150 triệu đồng, nghệ nhân Nguyễn Hùng tặng bức tượng “Thắp sáng niềm tin” trị giá 120 triệu đồng...

Những người làm việc tại bếp ăn từ thiện ở BVUT vẫn nhớ mãi hình ảnh cậu bé Phan Thiên Phúc (13 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) cầm số tiền tiết kiệm mà cậu dành dụm từ năm học lớp 2 để mua 1 tấn gạo ủng hộ cho bếp ăn. Phúc kể, mỗi lần thấy bệnh nhân ung thư, em nhớ tới hình ảnh của bà ngoại. Bà là bác sĩ nhưng đã bị mất vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Em mong được góp chút ít để làm dịu đi những cơn đói lòng của bệnh nhân ung thư và người nhà của họ. Cũng giống Phúc, cô bé Phạm Phương Thảo (TP. Hồ Chí Minh) cũng đập heo tiết kiệm dành trọn 3 triệu đồng để mua tô bát cho bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Và còn rất nhiều tổ chức cá nhân chung tay ủng hộ bếp ăn như: hỗ trợ chén bát, thực phẩm, ti vi, bàn ghế, gạo... 3 bữa miễn phí mỗi ngày dành cho bệnh nhân ung thư và người nhà được góp nên từ những bát gạo nghĩa tình. Trang cổ tích về bệnh viện trong mơ lại tiếp tục viết bởi nhiều tấm lòng nhân ái, sẻ chia như thế...

Miễn phí và bài toán thu chi

BV không chỉ chữa trị, kiểm soát các loại bệnh ung thư mà còn có nhiệm vụ nghiên cứu, phát hiện và tầm soát bệnh ung thư. Trước mắt, các bệnh nhân thuộc hộ nghèo, có BHYT và có hộ khẩu ở Quảng Nam, Đà Nẵng được BV miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị sau khi trừ phần được BHYT thanh toán. Với đặc thù bệnh nhân ung thư, nhiều loại thuốc đặc trị không có trong danh mục BHYT, BV cũng sẽ miễn phí hoàn toàn số tiền này cho bệnh nhân. Riêng với những bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác, BV căn cứ theo mức trần điều trị ở các BV có khoa ung thư khác để thu bằng hoặc thấp hơn...
Bệnh viện của những câu chuyện cổ tích 2
 Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng, chủ đầu tư BVUT cho biết, để chuẩn bị cho bệnh viện nhân đạo dành cho người nghèo ở miền Trung, chúng tôi đã trang bị các thiết bị máy móc tối tân, hiện đại như máy xạ trị, gia tốc thẳng (trị giá 86 tỷ đồng/máy), máy CTscan đa lát cắt, máy MRI 3,0T, máy tăng sáng truyền hình, máy nội soi can thiệp, máy đếm tế bào tự động 40 thông số, máy xét nghiệm sinh hóa tự động... Còn nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định nhất nên ngay từ khi có quyết định xây dựng bệnh viện, Đà Nẵng đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo 500 cán bộ, bác sĩ (có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi) tại các trung tâm y khoa như Hà Nội, TP.HCM và ở nước ngoài. Là bệnh viện ngoài công lập, tự hạch toán để trả lương cho chuyên gia và cán bộ, theo bà Lan, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, hiện Hội đang tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp nguồn quỹ cho bệnh viện. Mặt khác, bệnh viện có khám, điều trị dịch vụ theo yêu cầu để có thêm kinh phí hoạt động...

Câu chuyện đẹp như cổ tích này không bắt đầu từ “ngày xưa”, mà là hôm qua, hôm nay và nhiều ngày sắp tới nữa. Nụ cười đã và sẽ về trên nét mặt nhiều người bệnh nghèo và cả những thầy thuốc, điều dưỡng khi họ không còn phải đau lòng, bất lực trước những hoàn cảnh bất hạnh. Và có lẽ cả chúng ta, những người ở xa, đang nhìn về bệnh viện cổ tích đó với bao xúc động, mừng vui.

Thảo Nguyên - Trung Dũng

BVUT Đà Nẵng tọa lạc trong khuôn viên rộng 150.000m2. Ngoài khu điều trị hơn 20.000m2, 11 tầng, còn có khu hành chính, khu nghỉ dưỡng cho chuyên gia, cán bộ, nhân viên. Điểm khác biệt của bệnh viện này là có 2 khu nhà dành riêng cho thân nhân của bệnh nhân với sức chứa gần 600 giường. Hiện BVUT có 415 cán bộ, nhân viên; trong đó có 2 giáo sư, phó giáo sư, 7 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, 24 thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa I, 74 bác sĩ... Bệnh viện có hệ thống xạ trị và y học hạt nhân hiện đại vừa được sản xuất năm 2012, trong đó có thiết bị trị giá 67 tỷ đồng như hệ thống SPEC-CT, máy siêu âm di động 5 tỷ đồng. Hệ thống máy MRI 3.0 Tesla; các máy CT Scanner 128 lát cắt.


Ý kiến của bạn