Bệnh viện công lập tự chủ tài chính: Thúc đẩy đổi mới toàn diện

01-01-2018 14:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo lộ trình, đến năm 2018, tất cả các bệnh viện công lập phải tự chủ hoàn toàn về tài chính. Đây được coi là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế.

Trong năm 2017, một số bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn, có bệnh viện tự chủ một phần. Việc thay đổi này là xu thế bắt buộc, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Khi ấy, bệnh viện công cũng như các bệnh viện tư, nguồn thu chính là từ bệnh nhân và bệnh viện nào không thu hút được người bệnh sẽ không thể tồn tại, điều này bắt buộc các bệnh viện công lập phải đổi mới trong công tác quản lý, tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Phù hợp với xu thế

Đến năm 2018, các bệnh viện công lập phải tiến tới tự chủ hoàn toàn về tài chính. Việc tự chủ hoàn toàn tài chính sẽ mang đến lợi ích cho người bệnh. Bởi một khi các bệnh viện đã tham gia vào “sân chơi” mà không tự mình thay đổi chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có bệnh nhân và không có bệnh nhân thì sẽ không có nguồn thu.Bệnh viện quận Thủ Đức - TP.HCM, bệnh viện tự chủ là bệnh viện quận đầu tiên mổ tim.

Bệnh viện quận Thủ Đức - TP.HCM, bệnh viện tự chủ là bệnh viện quận đầu tiên mổ tim.

Năm 2017 là năm đầu tiên BVĐK tỉnh Tuyên Quang thực hiện tự chủ 100%. Từ việc thực hiện tự chủ, ban lãnh đạo của các bệnh viện đã có nhiều nỗ lực  nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh hiệu quả,  thông suốt. BSCKII Phạm Quang Thanh - Giám đốc BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc thực hiện tự chủ trong các bệnh viện công là phù hợp với xu hướng phát triển. Khi được tự chủ thì bệnh viện được chủ động trong việc lựa chọn nhân lực, phát triển chuyên môn kỹ thuật nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Theo đó, để “hút” người bệnh đến khám và điều trị, ban lãnh đạo bệnh viện đã tạo điều kiện cho các cán bộ, y, bác sĩ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn tại các BV tuyến Trung ương. Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, từ 1/3/2017, bệnh viện cũng đã thực hiện việc khám, chữa bệnh vào ngày thứ 7 hàng tuần để người dân trong ngày nghỉ cũng có thể đi khám và điều trị. Đến nay, trung bình số lượt bệnh nhân khám vào ngày thứ 7 đạt từ 700 - 800 lượt/tháng.

Là một trong những bệnh viện tuyến quận, huyện, thế nhưng BV quận Thủ Đức, TP.HCM đã “mạnh dạn” đăng ký sớm là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo định hướng mô hình doanh nghiệp. Qua 8 năm hoạt động, từ một BV cấp quận chưa được xếp hạng, BV quận Thủ Ðức đã trở thành BV đa khoa cấp quận đầu tiên được công nhận là bệnh viện hạng 1. Ngoài ra, BV quận Thủ Đức còn được biết đến là một trong những BV phát triển mạnh mẽ và đang đi đầu vào các kỹ thuật chuyên sâu, có những bước đột phá như là bệnh viện tuyến quận huyện đầu tiên của cả nước thực hiện phẫu thuật tim hở thành công, là bệnh viện “không giấy tờ” đầu tiên và là bệnh viện với nhiều kỹ thuật được thực hiện ngang tầm với bệnh viện tuyến Trung ương… Giám đốc BV quận Thủ Ðức Nguyễn Minh Quân cho biết, khi các BV công theo con đường tự chủ tài chính hoàn toàn, đòi hỏi người làm quản lý phải năng động hơn và phải am hiểu tài chính hơn. Đây cũng chính là cái khó vì thực tế, hiện đa số giám đốc BV thường xuất thân từ các bác sĩ giỏi chuyên môn và qua tự chủ, tự chịu trách nhiệm, người giám đốc sẽ trưởng thành hơn và tiến tới mô hình doanh nghiệp. Giám đốc bệnh viện như là CEO của doanh nghiệp. Và chúng tôi tự tin, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Là bệnh viện chuyên ngành phục hồi chức năng, không phải đa khoa, không có nhiều khoa “hot” nhưng Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An đã mạnh dạn đăng ký tự chủ về chi thường xuyên và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt giai đoạn 2017-2019 (là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên được phê duyệt "tự chủ" và trong số 8 bệnh viện "tự chủ" của tỉnh). Nhờ cơ chế tự chủ, bệnh viện như được “cởi trói”. Bệnh viện đã kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, thành lập mới 4 khoa lâm sàng và 3 phòng chức năng; Thành lập đơn vị chống đau để đáp ứng nhu cầu phục vụ người bệnh. Năm 2017, đã có 7.000 lượt người bệnh tới khám và điều trị - một con số quá “mơ ước” đối với một bệnh viện chuyên ngành hẹp như phục hồi chức năng.

Cần lộ trình phù hợp

Từ ngày 1/10/2017, tất cả bệnh viện công của TP.HCM bắt đầu tự chủ về tài chính. Trước đó, năm 2016, TP.HCM đã có một số cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ, bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện quận Bình Thạnh. 43 bệnh viện đang tự chủ tài chính một phần tự chủ hoàn toàn từ 1/10. Nhiều lãnh đạo cho biết, trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu - chi cũng như sự thay đổi về mặt nhân sự. Mặc dù tự chủ về tài chính nhưng các bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định của Nhà nước và không dễ dàng trong việc sa thải nhân viên làm việc không tốt.Tự chủ về tài chính, bệnh nhân là ân nhân của cơ sở y tế.

Tự chủ về tài chính, bệnh nhân là ân nhân của cơ sở y tế.

Còn tại Hà Nội, có 41 bệnh viện, trong đó 5 bệnh viện tự chủ hoàn toàn (Bệnh viện ĐK Hòe Nhai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện ĐK Saint Paul, Bệnh viện ĐK Đức Giang, Bệnh viện Mắt Hà Đông). 36 bệnh viện còn lại sẽ có lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2018-2020. Bà Hà nêu, một số bệnh viện hạng 3, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Phong và Bệnh viện Tâm thần vẫn hoạt động theo ngân sách của Nhà nước.

Bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định: Việc thay đổi để giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng cũng như làm hài lòng người dân hơn nữa, đặc biệt là sử dụng Quỹ BHYT một cách hiệu quả nhất, tránh việc lạm dụng quỹ. Đây là chủ trương rất phù hợp, giúp các bệnh viện thay đổi nhanh, đổi mới nhanh để thu hút bệnh nhân. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm và làm bao nhiêu % bệnh viện tự chủ, tự chủ vào thời điểm nào cho hợp thì phải xin ý kiến của UBND TP. Hà Nội”.

Rõ ràng, cơ chế tự chủ là một chủ trương đúng đắn, giúp cho các bệnh viện có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB, xây dựng thương hiệu, tăng được thu nhập cho cán bộ, công nhân viên. Nhờ đó, người dân được KCB bằng những kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giảm được một phần lớn về kinh tế khi phải lên tuyến trên điều trị.

Tuy nhiên, việc tự chủ phải được thực hiện từng bước theo lộ trình phù hợp với từng vùng, từng địa phương. BSCKII Phạm Quang Thanh - Giám đốc BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết: Đối với BVĐK tỉnh Tuyên Quang, thực hiện tự chủ 100% cho chi thường xuyên khiến bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn. Bởi theo Thông tư 37, Bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ theo cơ cấu giá, chưa có phần thanh toán sửa chữa trang thiết bị đầu tư cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tự chủ phải theo lộ trình từ tự chủ một phần sau đó mới đến tự chủ hoàn toàn.

Đồng quan điểm trên, BS. Nguyễn Hữu Dự - Giám đốc BV Phụ sản TP. Cần Thơ chia sẻ: BV đã thực hiện tự chủ, nhưng bất cập hiện nay là vẫn chưa có giá thu dịch vụ, vì thế, các BV thực hiện dịch vụ vẫn thu theo giá của Quyết định (QĐ) 20/2014 của UBND thành phố quy định tạm thời mức thu các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước. Hiện QĐ20 đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế. Theo chủ trương về tự chủ, đơn vị phải tự chủ kinh phí thường xuyên 100%, phải cân đối được tiền lương và tiền tăng thêm thu nhập. Nếu thu nhập tăng thêm giảm sút sẽ dẫn đến “chảy máu” chất xám đội ngũ y bác sĩ.

Thực hiện tự chủ về tài chính đồng nghĩa với việc các bệnh viện hoạt động như một doanh nghiệp, tự thu, tự chi và tự cân đối. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chính là giải pháp hàng đầu để các bệnh viện tạo được niềm tin của người bệnh.


Nhóm PV Y tế địa phương
Ý kiến của bạn