Hà Nội

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gia tăng bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, 50% thở máy

25-07-2022 11:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ trong 3 ngày cuối tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới 21 ca COVID-19 nặng, nguy kịch từ nhiều địa phương chuyển về.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống sáng 25/7, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay những ngày gần đây, cơ sở 2 của viện này liên tục tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch chuyển về viện.

Cụ thể, theo lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực, hiện khoa đang điều trị cho 25 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC (oxy dòng cao).

"Lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch dồn về viện tăng đột biến trong 3 ngày cuối tuần với 21 ca chuyển tuyến từ các tỉnh miền Bắc" - vị lãnh đạo cho hay trước đó, trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ điều trị khoảng 4-5 ca.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương kín giường hồi sức COVID-19, 50% thở máy - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Tất Ngọc

Các bệnh nhân hầu hết đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền. Ngoài ra, những ca trung niên có bệnh nền nặng như HIV, ung thư. Tiên lượng của các bệnh nhân này đều xấu, nhiều ca có nguy cơ tử vong do bản thân bệnh nền phức tạp và yếu tố tuổi tác.

Các bác sĩ nhấn mạnh vai trò của tiêm vaccine COVID-19 trong việc hạn chế khả năng và tình trạng tăng nặng nếu nhiễm virus. Trước đó, chiều 4/7, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian, khoảng 6 tháng sau khi tiêm.

Vì vậy, WHO và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, 4 cho người lớn và trẻ vị thành niên.

Tại Việt Nam, biến chủng BA.4 và BA.5 đã xuất hiện. Nếu người dân chủ quan không tiêm mũi 3, 4 (mũi nhắc lại lần 1 và 2), miễn dịch cộng đồng sẽ suy giảm. Bên cạnh đó, khi không chú trọng các biện pháp phòng chống, dịch bệnh có nguy cơ rất cao bùng phát trở lại.

Tại tọa đàm Sự cần thiết tiêm mũi 3, 4 phòng COVID-19, GS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nhận được câu hỏi có hay không việc thúc đẩy tiêm mũi nhắc lại vì vaccine sắp hết hạn?

Dẫn chứng cho tính ổn định của vaccine, GS. Lân nói nếu hạn dùng là 9 tháng thì có nghĩa đơn vị sản xuất đã nghiên cứu tới 12-15 tháng, thậm chí hơn nữa. Trong 9 tháng hạn dùng, hiệu quả của vaccine như nhau, "không có chuyện tiêm lúc 7 tháng (từ ngày sản xuất) thì tốt hơn 9 tháng".

"Vấn đề chất lượng vaccine từ hướng dẫn, vận chuyển, bảo quản đến sử dụng đều rất bảo đảm an toàn để bà con yên tâm đi tiêm", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định.

Bộ Y tế: Rà soát trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19 hoặc tiêm chưa đầy đủBộ Y tế: Rà soát trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19 hoặc tiêm chưa đầy đủ

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế trên địa bàn rà soát, lập danh sách trẻ em mầm non và học sinh thuộc độ tuổi tiêm vaccine COVID-19 từ 5 - dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ



V.Thu
Ý kiến của bạn