Bệnh viện bay thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới vừa hạ cánh xuống Việt Nam

07-06-2017 10:42 | Thời sự

SKĐS - Phòng phẫu thuật mắt có khả năng bay cao 12.000m trên chiếc máy bay Orbis thế hệ mới vừa hạ cánh tại Bình Định ngày 30/5.

Phòng phẫu thuật mắt có khả năng bay cao 12.000m trên chiếc máy bay Orbis thế hệ mới vừa hạ cánh tại Bình Định ngày 30/5. Trước đó tại Cần Thơ, Bệnh viện (BV) bay Orbis đã lưu lại 13 ngày (từ ngày 7-19/5) để thực hiện sứ vụ phẫu thuật và đào tạo chăm sóc mắt chuyên nghiệp.

Những cuộc mổ và lớp học đặc biệt

Mặc cho cái nóng như đổ lửa của giữa buổi trưa hè, bên trong chiếc máy bay MD-10 với mô hình một bệnh viện thiết bị tiên tiến, PGS.BS.Asim Ali, Khoa Mắt và Khoa học thị giác, Đại học Toronto, Canada, đang phẫu thuật cho một bệnh nhi 8 tuổi bị lé, ngụ tại Cần Thơ. Ca mổ vừa được truyền trực tiếp ra bên ngoài “lớp học trên máy bay”, để các học viên được thấy, nghe tường thuật của bác sĩ phẫu thuật và đặt câu hỏi trực tiếp; vừa được truyền tải hình ảnh phẫu thuật mắt đi khắp thế giới qua công nghệ 3D.

Bệnh viện bay thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới vừa hạ cánh xuống Việt NamBệnh viện bay Orbis hạ cánh tại sân bay quốc tế Cần Thơ

Đây là phòng mổ chuyên sâu vể nhãn khoa duy nhất có thể thực sự bay ở độ cao 12.000m, giúp cho trên 200 bệnh nhân ở Cần Thơ và Bình Định có cơ hội tìm lại ánh sáng mà không phải tốn bất cứ một chi phí nào. Đồng thời, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, điều dưỡng, kỹ thuật viên trang thiết bị và các nhân viên y tế khác trong lĩnh vực nhãn khoa được đào tạo nhãn khoa chuyên sâu. Chương trình sẽ được thực hiện thông qua các bài giảng lý thuyết, đào tạo thực hành phẫu thuật, khám và tư vấn cho 6 nhóm bệnh: glô-côm, võng mạc trẻ sinh non (ROP), các bệnh lý về võng mạc, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ mắt, lác/lé và đục thể thủy tinh (ĐTTT) bẩm sinh.

Phòng mổ của BV bay vừa được Quỹ Alcon tài trợ hai hệ thống máy mổ hiện đại giúp kiểm soát tốt và an toàn trong phẫu thuật cùng máy cắt dịch kính đem lại sự chính xác tuyệt vời trong  phẫu thuật dịch kính võng mạc. Bên cạnh đó, lớp học do Quỹ Alcon hỗ trợ có 46 chỗ ngồi và được trang bị hệ thống truyền hình 3D với tín hiệu âm thanh 2 chiều để tăng kết quả học tập cho các học viên.

Bệnh viện bay thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới vừa hạ cánh xuống Việt NamBác sĩ tập mổ trên mô hình giả định

Các bài giảng và các hướng dẫn phẫu thuật trên máy bay được truyền qua ứng dụng trực tuyến Cybersight của Orbis giúp học viên ở khắp nơi trên thế giới có thể cùng tham gia thông qua kết nối Internet.

Chương trình Bệnh viện Bay Orbis bắt đầu từ năm 1982 và đến nay đã thực hiện hơn 200 chương trình tại 89 quốc gia. Tại Việt Nam, đây là lần thứ 8 BV bay Orbis hạ cánh giúp 300 bác sĩ và nhân viên y tế trong lĩnh vực nhãn khoa được đào tạo thực hành trực tiếp; 500 - 800 học viên kiến tập; khám sàng lọc cho 1.600 bệnh nhân và trên 600 bệnh nhân được điều trị (bao gồm cả phẫu thuật).

Mù lòa ở trẻ em và thách thức tại Việt Nam

Việt Nam là nước có tỉ lệ mù lòa trẻ em cao thứ 4 khu vực châu Á (0.79%)  với khoảng trên 3 triệu trẻ em suy giảm thị lực. Ước hiện có khoảng 23.000 trẻ em Việt Nam bị mù lòa cả 2 mắt và hơn 157.000 trẻ thị lực yếu do ĐTTT bẩm sinh, sẹo giác mạc và ROP.

Bệnh viện bay thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới vừa hạ cánh xuống Việt NamLớp học trên máy bay

Cũng giống như nhiều nước có thu nhập thấp và trung bình khác, ĐTTT bẩm sinh và các bất thường ở mắt như: lác và sụp mi là những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa. Bên cạnh đó, ROP ngày càng trở thành nguyên nhân chính gây mù có thể phòng tránh được. Trẻ sinh non trước 34 tuần tuổi và cân nặng khi sinh dưới 1.800g có nguy cơ bị bệnh rất cao nếu không được khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu trẻ em bị tổn thương thị lực do tật khúc xạ (TKX) và đang có nhu cầu được cấp kính. Trong số đó, khoảng 1 triệu trẻ đang sống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trẻ bị TKX nếu không được chỉnh kính sẽ dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và tương lai của trẻ.

BS. Trần Thị Ánh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang cho biết: “Tiếp cận của người dân Đồng bằng sông Cửu Long với dịch vụ y tế nói chung và chăm sóc mắt nói riêng còn rất hạn chế. Các nỗ lực trong công tác phòng chống mù lòa hiện tập trung vào các dịch vụ cho người lớn như phẫu thuật ĐTTT trong khi chăm sóc mắt trẻ em và dịch vụ TKX chưa phát triển. Điều đó có nghĩa là khoảng 300.000 trẻ em trong khu vực  không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt dẫn đến nguy cơ suy giảm và mất thị lực nếu không được khám và điều trị kịp thời”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, phương pháp điều trị các bệnh về mắt ở trẻ em rất khác với người lớn.Mắt của trẻ không chỉ nhỏ hơn mà còn đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt, bao gồm công tác điều dưỡng và gây mê. Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ lực giải quyết các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được ở người lớn, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với việc thiếu hụt bác sĩ nhãn nhi được đào tạo bài bản trong khi yêu cầu về gây mê và theo dõi bệnh nhân trẻ em sau phẫu thuật vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng tôi là tổ chức phi chính phủ duy nhất ở Việt Nam phối hợp các cơ quan đối tác trong hoạt động nâng cao năng lực phòng ngừa và quản lý các bệnh gây mù ở trẻ em, bao gồm bệnh ROP. Cho đến nay, chúng tôi đã thành lập được 6 Trung tâm mắt thân thiện với trẻ em ở: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và gần đây là Cần Thơ, Bình Định”, bà Trần Thị Thanh Hương, Trưởng Đại diện của tổ chức Orbis tại Việt Nam cho biết.

Bệnh viện bay thế hệ thứ 3 hoàn toàn mới vừa hạ cánh xuống Việt NamMột ca mổ lé trên máy bay

Đây là nỗ lực dài hạn của Orbis nhằm hỗ trợ Cần Thơ trở thành đơn vị chăm sóc mắt tuyến cuối cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, trong năm 2010, Orbis đã hỗ trợ BV Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ phát triển các dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tuyến cơ sở, trong đó, các nhân viên y tế chuyên ngành nhãn khoa đã được đào tạo để chẩn đoán các bệnh mắt trẻ em và chuyển tuyến những bệnh nhân này đến TP.HCM để điều trị.

Trong năm 2016, Orbis và một số Tổ chức Phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam cùng triển khai Dự án “Ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án 3 năm này được tài trợ bởi một sáng kiến có quy mô toàn cầu “Seeing is Believing - Ánh sáng là niềm tin” của Standard Chartered. Dự án sẽ giúp 13.500 người dân trong khu vực, trong số đó hầu hết là trẻ em, tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc mắt.Trong khuôn khổ dự án này, Orbis sẽ hỗ trợ BV Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ thành lập Trung tâm mắt thân thiện với trẻ em với đầy đủ trang thiết bị và có khả năng cung cấp các dịch vụ chăm sóc mắt có chất lượng và toàn diện cho trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Orbis sẽ đào tạo cho các nhân viên ở khoa mắt của BV. Nhi đồng Cần Thơ về sàng lọc các bệnh mắt trẻ em phổ biến, bao gồm bệnh ROP. Những bệnh nhi có vấn đề phức tạp về mắt sẽ được chuyển đến BV. Mắt - Răng hàm mặt Cần Thơ để điều trị và theo dõi.


Bài, ảnh: ANH KIỆT
Ý kiến của bạn