Bệnh viện Bạch Mai 100 tuổi: Y tế cách mạng tạo “thương hiệu” Bạch Mai

25-02-2011 08:14 | Tin nóng y tế
google news

Từ tên gọi ban đầu là Nhà thương Cống Vọng với quy mô nhỏ bé chuyên điều trị bệnh nhân truyền nhiễm, hôm nay, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai đã vươn lên là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt – một trung tâm y học hiện đại với nhiều kỹ thuật đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

LTS: Bệnh viện Bạch Mai trải qua 100 năm hình thành và phát triển trở thành cơ sở y tế hàng đầu của đất nước. Trong 100 năm qua, có những thời kỳ gian lao mà anh dũng, 28 thầy thuốc của bệnh viện đã hy sinh trong trận chiến “Điện Biên Phủ trên không”, để bảo vệ bệnh viện, bảo vệ bệnh nhân. Tiếp bước thế hệ đi trước, thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai đang lao động, cống hiến vì người bệnh, vì một nền y học tiên tiến.

 TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Từ tên gọi ban đầu là Nhà thương Cống Vọng với quy mô nhỏ bé chuyên điều trị bệnh nhân truyền nhiễm, hôm nay, trải qua 100 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Bạch Mai  đã vươn lên là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt – một trung tâm y học hiện đại với nhiều kỹ thuật đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Trong không khí đầu xuân, báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhân dịp bệnh viện tổ chức kỷ niệm tròn 100 tuổi.

 Nhà thương Cống Vọng.
PV: Thưa ông, với 100 năm lịch sử, đâu là những điểm nhấn để xây dựng thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai? Những lý do nào để Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên trong cả nước được công nhận là bệnh viện hạng đặc biệt?

TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Với lịch sử 100 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ viên chức đã tạo nên “thương hiệu” Bệnh viện Bạch Mai - khắc sâu vào lòng mỗi người dân đất Việt. Thật khó để kể ra một số sự kiện, con người đã làm nên thương hiệu ấy, nhưng chắc chắn là những thành quả, những kỳ tích của 100 năm xây dựng và phát triển để Bạch Mai đạt được tầm vóc ngày hôm nay với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, nhiều chuyên khoa đầu ngành, đội ngũ cán bộ viên chức vừa hồng, vừa chuyên, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, có sự đóng góp không nhỏ của nhiều thế hệ thầy thuốc cách mạng, có người đã phải đổ máu để giữ gìn và phát huy truyền thống của bệnh viện. Bệnh viện đã vinh dự được 2 lần đón Bác Hồ về thăm (1954 và 1960). Cùng với đó là sự quan tâm đặc biệt của các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế. Tiếp bước truyền thống của thế hệ đi trước, thế hệ thầy thuốc Bạch Mai hôm nay, đã, đang triển khai nhiều kỹ thuật ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: xạ hình với máy PET/CT, xạ phẫu với hệ thống gamma quay, xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật điều biến liều, ứng dụng kỹ thuật gen, tế bào gốc trong điều trị… Bệnh viện Bạch Mai luôn chú trọng phát triển những mũi nhọn kỹ thuật: gen trị liệu; ghép tủy; các phương pháp hỗ trợ sinh sản; các kỹ thuật hồi sức cấp cứu (kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng, tim - phổi nhân tạo); tim mạch can thiệp (đặt Stent graft động mạch chủ, thay van động mạch chủ qua đường ống thông…); kỹ thuật PET/CT mô phỏng trong lập kế hoạch xạ trị điều biến liều cho bệnh nhân ung thư… Nhờ áp dụng những kỹ thuật hàng đầu này, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống tại Việt Nam. Đây là những lý do chính đưa Bạch Mai trở thành bệnh viện đầu tiên trong cả nước được xếp hạng đặc biệt. Tới đây, mục tiêu phát triển của bệnh viện giai đoạn từ nay đến năm 2020 là xây dựng Bệnh viện Bạch Mai trở thành một Trung tâm y học hàng đầu của Việt Nam đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần để người dân Việt Nam không phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh.

 Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá sau trận bom B52 năm 1972.
PV: Nhiều kỹ thuật cao đã được phát triển, các khoa điều trị theo yêu cầu được quan tâm đầu tư, nhưng bệnh nhân vẫn tìm tới các dịch vụ y tế ở nước ngoài. Vậy với một trung tâm y học lớn như Bạch Mai, cần làm gì để người bệnh có thể luôn hướng đến, tin tưởng Bạch Mai?

TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Với vai trò là một trong những trung tâm y tế hàng đầu của Việt Nam, thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã chú trọng phát triển các mũi nhọn kỹ thuật chuyên sâu, nhiều kỹ thuật đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, góp phần giúp người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí trong nước rẻ hơn gấp nhiều lần. Trong quy hoạch phát triển giai đoạn đến năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai phấn đấu trở thành một trung tâm y học hàng đầu của Việt Nam, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Bệnh viện đã lập đề án xây dựng Trung tâm y tế quốc tế để không chỉ góp phần giúp người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh mà trung tâm còn là cơ sở khám chữa bệnh cho người nước ngoài.

PV: Là bệnh viện được phong hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, nơi tập trung nhiều tài năng, cũng như bàn tay vàng của y tế Việt Nam, việc giữ gìn, phát huy các tài năng, cũng như xây dựng đội ngũ thầy thuốc có y đức, y thuật cao để cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, được bệnh viện chăm lo như thế nào?

 Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng lại sau chiến tranh.
TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Con người luôn là yếu tố then chốt trong mọi thành công. Chúng tôi xác định đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện. Để triển khai công tác này,  bệnh viện đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như: Cử cán bộ đi đào tạo tại nước ngoài về những kỹ thuật chuyên sâu; tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển chuyên môn, kỹ thuật, mời chuyên gia hàng đầu từng lĩnh vực đến bệnh viện trao đổi, chuyển giao công nghệ; xây dựng những tiêu chí ưu tiên trong tuyển dụng cán bộ trình độ cao như: tuyển dụng các bác sĩ nội trú, những cán bộ trình độ cao… Bệnh viện Bạch Mai cũng là cơ sở thực hành chính của Trường đại học Y Hà Nội, đồng thời phối hợp với trường trong công tác đào tạo đại học và sau đại học (tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, thành phố phía Bắc, Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện cũng trực tiếp đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, II.

PV: Thời gian qua, thực hiện chiến lược giảm tải bệnh viện và Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện luôn được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá là bệnh viện luôn đi đầu. điều gì đã thúc đẩy lãnh đạo bệnh viện cũng như các thầy thuốc trong viện, thực hiện tốt Đề án 1816 nói riêng và chiến lược giảm tải nói chung?

TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế luôn quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, đặc biệt vùng sâu, vùng xa đều được hưởng những thành tựu tiến bộ của y học hiện đại; lãnh đạo và tập thể thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai nhận thức sâu sắc rằng, việc thực hiện chiến lược giảm tải và Đề án 1816 của Bộ Y tế là một trong những giải pháp để thực hiện mục đích mang đậm nét nhân văn đó. Chính vì vậy, bệnh viện dành những nỗ lực cao nhất cho triển khai hoạt động này và luôn được Bộ Y tế đánh giá là đơn vị đi tiên phong trong triển khai hoạt động.

 Bệnh viện Bạch Mai ngày nay.
PV: Là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, trong giai đoạn tiếp theo bệnh viện có chiến lược phát triển như thế nào để đáp ứng được sự thay đổi mô hình bệnh tật hiện nay (thế mạnh của bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh có sự phối hợp của chuyên khoa mạnh), thưa ông?

TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt, có nhiều chuyên khoa đầu ngành. Sự phối hợp giữa các chuyên khoa chuyên môn lâm sàng, phối hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng đã giúp chẩn đoán và điều trị thành công rất nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Đây là một lợi thế các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành không thể có được. Đảng ủy, Ban Giám đốc xác định nhiệm vụ chính trị là bệnh viện phải phát triển đồng bộ các chuyên khoa, các chuyên khoa phải hợp tác chặt chẽ trong triển khai hoạt động để phát huy sức mạnh tổng hợp của bệnh viện trong thực hiện nhiệm vụ.

 Xạ phẫu bằng kỹ thuật dao gamma quay cho bệnh nhân u não tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Tên gọi Bạch Mai, cùng với các BV Việt Đức, Chợ Rẫy, TW Huế… đã làm lên “thương hiệu” của nền y tế cách mạng Việt Nam, thưa ông cần làm gì để giữ gìn và phát triển “thương hiệu” Bạch Mai?

TS.BSCC. Nguyễn Quốc Anh: Tự hào với những thành tựu, những kỳ tích đạt được đã làm nên “thương hiệu” Bệnh viện Bạch Mai, thế hệ cán bộ, viên chức hiện nay càng ý thức sâu sắc trọng trách tiếp tục phát triển bệnh viện, viết tiếp những trang sử vàng của bệnh viện để Bệnh viện Bạch Mai trở thành một trung tâm y học hàng đầu của Việt Nam đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

            Bảo Thy (thực hiện)


Ý kiến của bạn