Hà Nội

Bệnh viêm vùng chậu điều trị như thế nào?

25-10-2022 07:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ. Theo nghiên cứu của Hoa Kỳ, viêm vùng chậu được chẩn đoán ở hơn 1 triệu phụ nữ mỗi năm. Đây là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn di chuyển từ âm đạo và cổ tử cung lên trên vào tử cung, buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.

Viêm vùng chậu có dẫn tới vô sinh?Viêm vùng chậu có dẫn tới vô sinh?

Viêm vùng chậu là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới trong tuổi sinh đẻ. Là tình trạng nhiễm trùng ở cơ quan sinh dục nữ bao bao gồm: tử cung, vòi trứng, buồng trứng và gây viêm nhiễm. Các cơ quan này bị nhiễm trùng có thể dẫn đến vô sinh.

Vi khuẩn có thể dẫn đến áp xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng. Các vấn đề lâu dài có thể xảy ra nếu viêm vùng chậu không được điều trị kịp thời. Nhiều người lo lắng nếu bị viêm vùng chậu thì điều trị thế nào? Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ảnh hưởng lâu dài của viêm vùng chậu

Theo nghiên cứu nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, cụ thể là bệnh lậu và chlamydia là nguyên nhân chính gây ra viêm vùng chậu. Theo ghi nhận bệnh lậu và chlamydia có thể gây ra các triệu chứng mơ hồ hoặc thậm chí không có triệu chứng ở phụ nữ. Các nghiên cứu cho thấy nếu phụ nữ bị nhiễm bệnh lậu hoặc chlamydia và không được điều trị, có thể mất vài ngày đến vài tuần tình trạng bệnh sẽ phát triển đến viêm vùng chậu. Ngoài ra, viêm vùng chậu cũng có thể do nhiễm trùng không lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như viêm âm đạo do vi khuẩn.

Điều nhiều người lo ngại là viêm vùng chậu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho người bệnh. Trong đó nghiêm trọng nhất là vô sinh. Nghiên cứu cho thấy cứ 10 phụ nữ bị viêm vùng chậu thì có 1 người bị vô sinh. Viêm vùng chậu có thể gây ra sẹo ở ống dẫn trứng, điều này làm tắc vòi trứng và ngăn không cho trứng được thụ tinh.

Hệ lụy thường thấy tiếp theo là tình trạng mang thai ngoài tử cung ở người bệnh viêm vùng chậu, tình trạng viêm nhiễm này có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh di chuyển vào tử cung. Và có thể bắt đầu phát triển trong ống dẫn trứng, khi đó ống có thể bị vỡ, gây chảy máu vào bụng và xương chậu, đe dọa tính mạng. Tình trạng này thực sự nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và phẫu thuật sớm.

Ngoài ra, tình trạng đau vùng chậu mạn tính ở người bệnh viêm vùng chậu có thể kéo dài.

Bệnh viêm vùng chậu điều trị như thế nào? - Ảnh 2.

Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ.

Biểu hiện của viêm vùng chậu

Trên thực tế khi viêm vùng chậu số ít phụ nữ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Người ta ghi nhận thấy dấu hiệu phổ biến nhất của viêm vùng chậu là: Tình trạng tiết dịch âm đạo bất thường, người bệnh đau vùng bụng dưới (thường đau nhẹ), đau vùng bụng trên bên phải. Chảy máu kinh nguyệt bất thường, sốt và ớn lạnh, đi tiểu đau… cũng là những biểu hiện được ghi nhận ở những bệnh nhân viêm vùng chậu. Ngoài ra, một số phụ nữ có biểu hiện buồn nôn và ói mửa, đau khi giao hợp…

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định, có một trong những dấu hiệu này không có nghĩa là bạn bị viêm vùng chậu. Vì các biểu hiện này có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng khác… Vì vậy, để chẩn đoán viêm vùng chậu cần phải đến cơ sở tế sản phụ khoa để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.

Bệnh viêm vùng chậu điều trị như thế nào? - Ảnh 3.

Với hệ lụy của viêm vùng chậu thì việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết.

Viêm vùng chậu điều trị như thế nào?

Với hệ lụy của viêm vùng chậu thì việc điều trị sớm là vô cùng cần thiết. Nếu nhiễm trùng lâu không được điều trị sẽ có nguy cơ vô sinh. Tùy từng bệnh nhân, mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp. Với nguyên tắc điều trị viêm vùng chậu là nội khoa, dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, một điều lưu ý là việc điều trị không chỉ phụ nữ mà còn phải điều trị cả bạn tình, vì cũng có thể nhiễm bệnh lậu hoặc chlamydia. Vì vậy, việc điều trị cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ và có thể lên lịch tái khám 2 – 3 ngày sau khi điều trị để kiểm tra sự tiến triển của bệnh.

Nếu tình trạng nặng hoặc một số phụ nữ có bệnh lý, đang mang thai… sẽ được điều trị tại bệnh viện. Trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi phát hiện thấy áp xe, có thể các bác sĩ chỉ định cần phẫu thuật. Cần liên hệ ngay với bác sĩ khi nhận thấy có những bất thường trong quá trình điều trị.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa viêm vùng chậu, cần thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây nhiễm. Sử dụng bao cao su ngay cả khi bạn sử dụng các phương pháp ngừa thai khác. Chỉ quan hệ tình dục với bạn tình không bị bệnh lây truyền qua đường tình dục và chỉ quan hệ tình dục với một người. Tránh thụt rửa âm đạo vì sẽ làm xáo trộn sự cân bằng của vi khuẩn trong âm đạo.

Ngoài ra, cần có chế độ sinh hoạt khoa học, duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng. Cần thăm khám phụ khoa định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến và phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Nguyễn Thị Kiều Trinh
Ý kiến của bạn