Hà Nội

Bệnh viêm tụy ở trẻ rất nguy hiểm

21-07-2014 10:23 | Đời sống
google news

Bệnh viêm tụy ở trẻ em có dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, bệnh nhi sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Bác sĩ (BS) Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cảnh báo như vậy.

Bệnh viêm tụy ở trẻ em có dấu hiệu không rõ ràng. Nếu chậm phát hiện, không đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, bệnh nhi sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Bác sĩ (BS) Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cảnh báo như vậy.

Tuyến tụy là một cơ quan nhỏ bé nằm trong ổ bụng (dân gian thường gọi là lá mía), nhưng lại có vai trò khá quan trọng vì nó tiết ra một số men giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn.

Theo BS Phúc, có ba nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm tụy là di truyền, rối loạn chuyển hóa và siêu vi. Ngoài ra, chấn thương vùng bụng, sỏi mật cũng có thể gây viêm tụy.

Hầu hết các trẻ bị viêm tụy cấp đều bị đau bụng, thường sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Trẻ bị đau đột ngột quanh rốn hoặc đau ở vùng trên rốn, tăng dần và đau dữ dội vài giờ sau đó, đau nhiều hơn sau khi ăn.

Đau bụng là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm tụy ở trẻ em. Ảnh minh họa: internet

Nếu bệnh do chuyển hóa và di truyền thì sau khi điều trị vẫn có khả năng tái phát; còn nếu do siêu vi, đa số các bệnh nhi sẽ phục hồi hoàn toàn.

Bệnh viêm tụy trẻ em chia ra làm hai thể cấp tính và mạn tính.

Ở thể cấp tính, bệnh rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ. Khi viêm tụy cấp tính, trẻ sẽ đau bụng và ói dữ dội (có thể sốt). Triệu chứng đau bụng, ói xảy ra đồng thời.

Bệnh viêm tụy thường xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ năm trở lên. Phân biệt với các bệnh lý khác có cùng biểu hiện đau bụng, ói, BS Phúc lưu ý, ở bệnh nhi viêm tụy không kèm tiêu chảy.

Một số bệnh nhi bị giun chui vào ống mật làm tụy hư thì thường nằm cong người lúc ngủ.

Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng kể trên, để xác định chính xác trẻ bị viêm tụy, phải nhờ vào các kết quả xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, thậm chí MRI.

Với trường hợp bị viêm tụy cấp, BS sẽ điều trị bằng cách đặt ống vào bao tử để rút dịch. Trong thời gian điều trị, bệnh nhi phải nhịn ăn, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch hoặc đặt ống xông đặc biệt qua dạ dày.

Điểm quan trọng của điều trị viêm tụy cấp là theo dõi sát diễn tiến bệnh và cho bé nhịn ăn trong ba-bốn ngày, để tụy có thời gian hồi phục.

Sau đó, bệnh nhi được bù dịch, có thể phải dùng kháng sinh tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.

“Tới khi bị viêm tụy phải dùng kháng sinh thì thời gian nằm viện của trẻ rất lâu, có thể cả tháng”, BS Phúc nói.

Thể viêm tụy mạn tính đôi khi bắt nguồn từ viêm tụy cấp tính, nhưng cũng có trường hợp ngay từ đầu đã bị bệnh ở thể mạn tính.

Biểu hiện của viêm tụy mạn tính khá mù mờ, khó nhận biết hơn thể cấp tính rất nhiều.

Đa số các bệnh nhi cảm thấy đau bụng âm ỉ, một số bé bị suy kiệt, suy dinh dưỡng. Một số trường hợp bị tiêu chảy, tiểu đường, đi khám mới phát hiện viêm tụy.

Đối với bệnh nhi bị viêm tụy mạn, BS thường cho dùng men để thay thế men tụy. Một số trường hợp còn phải làm phẫu thuật để cắt bớt tụy.

Sau khi điều trị bệnh viêm tụy, thể trạng của trẻ kém. Phụ huynh cần chú trọng về dinh dưỡng cho con.

Cần chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ để bồi bổ sức khỏe sau cơn bệnh

Hậu quả của bệnh viêm tụy vô cùng nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, diễn tiến bệnh sẽ phức tạp (mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng trướng, liệt ruột, hạ canxi máu…), có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhi viêm tụy có thể gặp phải các biến chứng như: nhiễm trùng, viêm tụy mạn kéo dài sẽ dẫn tới tụy bị hóa nang.

Theo BS Phúc, viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em. Chính vì ít gặp nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua, dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

 

 


Ý kiến của bạn