Túi mật là gì?
Trong hệ thống đường dẫn mật có các nhánh mật trong gan, ống mật chủ, túi mật. Túi mật nằm sát dưới gan, vùng bụng bên phải, dưới bờ sườn phải, có chiều dài khoảng 80 - 100mm, chiều ngang khoảng 30 - 40mm. Túi mật bao gồm thân, ống và cổ túi mật. Thông thường cổ túi mật bị gấp khúc với thân túi mật và được nối liền với ống mật chủ. Túi mật và ống túi mật là cơ quan chứa đựng dịch mật do gan tổng hợp, bài tiết ra. Khi ăn, dịch mật được bài tiết nhiều hơn, túi mật sẽ co lại và tống dịch mật vào ống mật chủ đổ vào tá tràng (chỗ bóng Vater) để xuống ruột non tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó còn có vai trò của cơ Oddi hoạt động như một cái van điều phối việc dẫn mật vào tá tràng để xuống ruột non một cách nhịp nhàng.
Túi mật bình thường (trái) Túi mật có sỏi (phải)
Nguyên nhân
Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh viêm túi mật, nhất là ở người tăng cân, béo phì.
Viêm túi mật chủ yếu do sỏi túi mật gây tắc nghẽn và do viêm nhiễm. Viêm túi mật do sỏi chiếm đa số (khoảng trên 90%). Khi sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật, khiến dịch mật bị ứ lại trong túi mật hoặc làm cho các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm. Nhiễm trùng túi mật do vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virút gây ra. Các loại vi khuẩn gây viêm túi mật chủ yếu là vi khuẩn đường ruột hoặc là tự chúng đi ngược dòng lên đường dẫn mật qua lỗ mật đổ vào tá tràng hoặc vi khuẩn đi theo giun mỗi khi chúng chui lên ống mật hoặc do vi khuẩn theo đường máu, bạch huyết đi tới đường dẫn mật, túi mật gây viêm. Viêm túi mật còn có thể do u chèn ép đường dẫn mật từ bên ngoài đè vào hoặc trong lòng ống dẫn mật. Sự chèn ép này làm ứ đọng dòng chảy của mật rất dễ nhiễm trùng. Ngoài ra, viêm túi mật ở nct còn có thể do chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật.
Biểu hiện
Khi túi mật bị viêm, các biểu hiện điển hình thường thấy là đau vùng hạ sườn phải xuyên ra sau lưng hay lên vai phải, hoặc đôi khi đau vùng thượng vị (dễ nhầm với cơn đau dạ dày - tá tràng). Trong lúc đau, nếu ăn hay uống, triệu chứng đau sẽ tăng lên do đường mật bị kích thích nhiều.
Điển hình thường thấy là đau vùng hạ sườn phải xuyên ra sau lưng
Sốt xuất hiện sau các cơn đau khoảng từ 6 - 12 giờ, đôi khi sớm hơn kèm theo rét run và vã mồ hôi, sau đó nhiệt độ cơ thể trở lại bình thường hoặc hơi tăng. Sau cơn đau và sốt là vàng da, vàng mắt, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân. Vàng da nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn dịch mật. Đây là ba triệu chứng rất diển hình trong bệnh viêm túi mật, gọi là tam chứng Charot. Tuy vậy, ở nct do phản xạ yếu ớt cho nên có thể triệu chứng đau và sốt có thể không rõ ràng.
Người bệnh có thể có các dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn hoặc nôn)…
Để chắc chắn cần xét nghiệm máu bạch cầu tăng, bilirubin tăng) siêu âm gan mật sẽ thấy túi mật to, có thể, qua siêu âm có thể thấy được hình ảnh sỏi, xác của giun nằm trong ống mật hoặc túi mật.
Biến chứng của viêm túi mật là gì?
Viêm túi mật có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, túi mật bị viêm do sự tích tụ mật, có thể có nguy cơ thủng túi mật. Viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng làm cho túi mật căng phồng, thành túi mật giãn nở, yếu và gây thấm mật vào ổ bụng gây viêm phúc mạc mật. Viêm phúc mạc mật là một biến chứng rất nguy hiểm có thể bị sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch, tử vong. Thủng túi mật có thể suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng, có lỗ rò vào đường tiêu hóa hoặc viêm phúc mạc rất nguy hiểm cho tính mạng. Viêm túi mật cũng có thể gây nên viêm mủ, áp-xe đường dẫn mật.
Siêu âm gan mật sẽ thấy túi mật to
Khi bị đau hạ sườn phải, sốt, vàng da, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, xác định và điều trị kịp thời. Điều trị bệnh viêm túi mật bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Điều trị nội khoa, cần dùng thuốc giảm đau, truyền dịch (nếu cần), hạ nhiệt và kháng sinh. Tất nhiên, phác đồ điều trị là do bác sĩ khám bệnh chỉ định. Khi có nguy cơ thủng hoặc thấm phúc mạc, bác sĩ điều trị sẽ hội chẩn để có thể điều trị ngoại khoa (phẫu thuật), nhất là với NCT.
NCT để không mắc bệnh sỏi mật (nguyên nhân chính gây viêm túi mật) cần có chế độ ăn uống hợp lý như: hàng ngày chỉ nên ăn một lần thịt trắng, không ăn thịt đỏ, không ăn mỡ, lòng động vật). Đạm thực vật (đậu, đỗ) nên ăn dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Nên ăn đạm thực vật (đậu, đỗ) dưới dạng ninh thật nhừ. NCT không nên bỏ bữa. Cần tập thể dục đều đặn, nếu béo phì hoặc tăng cân cần giảm một cách từ từ. NCT nên khám bệnh định kỳ và tẩy giun theo chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh.