Viêm phế quản cấp là gì?
Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, các đường dẫn khí rỗng nối phổi với khí quản. Tình trạng viêm có thể do nhiễm trùng hoặc do các yếu tố khác gây kích ứng đường thở như hút thuốc lá, dị ứng và tiếp xúc với khói bụi, hóa chất...
Bệnh lý viêm phế quản xảy ra khi một hoặc nhiều đoạn trong hệ thống phế quản bị viêm, sưng tấy và có nhiều dịch nhầy gây cản trở hô hấp.
Viêm phế quản thường xảy ra ở trẻ em và người cao tuổi do sức đề kháng yếu nên dễ bị virus và vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
1. Viêm phế quản ở trẻ em
1.1 Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ
Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ thường do virus với khoảng 70% trường hợp trẻ mắc bệnh.
Nguyên nhân do vi khuẩn chiếm khoảng 30% trường hợp, phổ biến nhất là các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu...
Đối tượng trẻ dễ có nguy cơ mắc viêm phế quản là những trẻ:
- Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ẩm mốc, bụi bẩn, khói thuốc.
- Trẻ có người thân trong gia đình có tiền sử bị hen suyễn.
- Trẻ có cơ địa dị ứng với nấm mốc, phấn hoa, lông súc vật…
- Trẻ sinh non, thừa cân, béo phì, suy giảm miễn dịch...
1.2 Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ
- Giai đoạn đầu trẻ thường có biểu hiện: mệt mỏi, kém chơi, ăn kém, ngạt mũi, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm. Trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc tiêu chảy.
- Sau đó trẻ sốt cao, kèm ho nhiều, ho khan, ho có đờm xanh hoặc vàng. Dịch mũi có màu xanh. Trẻ thở khò khè, có thể khó thở. Nôn ói…
1.3 Cách chăm sóc điều trị
Trẻ bị viêm phế quản có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách. Đối với trẻ bị viêm phế quản do virus, việc điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng như: dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau và ngăn ngừa bội nhiễm. Kết hợp chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho trẻ.
- Nếu trẻ bị sốt < 38,5°C nên chườm ấm cho trẻ để hạ sốt nhanh hơn.
- Trường hợp trẻ sốt cao > 38,5°C cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol theo hướng dẫn.
- Chỉ cho trẻ uống kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.
- Vệ sinh mũi họng của trẻ bằng nước muối sinh lý 0.9%.
- Cho trẻ uống nhiều nước.
- Nếu trẻ sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy cần cho trẻ uống oresol pha theo chỉ dẫn để bù nước.
- Luôn giữ ấm cơ thể trẻ.
- Để trẻ nằm trong phòng thoáng, sạch sẽ, tránh gió lùa. Người lớn không được hút thuốc lá trong nhà.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng như: canh, cháo, súp. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ để trẻ dễ ăn và không bị nôn trớ.
1.4 Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ
- Giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa, không khí ẩm, mưa nhiều.
- Giữ môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói bụi. Tránh để trẻ hít phải khói thuốc lá.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt.
- Đối với trẻ có cơ địa dị ứng cần tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc, nấm mốc…
- Không để trẻ tiếp xúc với người đang có biểu hiện viêm đường hô hấp.
- Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
2. Viêm phế quản ở người cao tuổi
2.1 Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm phế quản ở người cao tuổi là do virus, vi khuẩn, nấm. Ở những người cao tuổi nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu hoặc mắc các bệnh mạn tính như: viêm họng, hen phế quản, đái tháo đường, bệnh phổi, tai biến mạch máu não phải nằm lâu… dễ mắc viêm phế quản hơn những người bình thường.
2.2 Triệu chứng viêm phế quản ở người cao tuổi
- Giai đoạn đầu của viêm phế quản ở người cao tuổi thường có các triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ho khan, rát họng, đau mỏi cơ thể, tức ngực.
Sau đó, người bệnh sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, nhức mỏi xương khớp, cảm giác nóng rát sau xương ức, tăng lên khi ho. Tuy nhiên, có một số trường hợp, do phản ứng của cơ thể yếu nên có thể không thấy sốt hoặc chỉ sốt nhẹ.
- Giai đoạn nặng hơn: Người bệnh bắt đầu có khó thở từ nhẹ đến nặng, có thể có tiếng rít, ho khan, ho thành cơn nhất là về đêm hoặc khi thời tiết lạnh, ẩm, mưa nhiều.
Nếu không được chăm sóc điều trị đúng cách, bệnh có thể gây biến chứng: viêm phổi, áp-xe phổi (chủ yếu do tụ cầu vàng)… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Vì vậy, ngay khi có biểu hiện mệt mỏi, đau họng, ho, sốt… người cao tuổi cần đi khám ngay.
2.3 Điều trị viêm phế quản ở người cao tuổi
Nguyên tắc điều trị viêm phế quản cấp ở người cao tuổi là điều trị càng sớm càng tốt. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khám đánh giá và chỉ định dùng thuốc điều trị phù hợp. Người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị, đặc biệt là tự ý dùng kháng sinh không đúng sẽ rất nguy hiểm.
- Chỉ dùng kháng sinh cho những trường hợp viêm phế quản cấp nghi do vi khuẩn như: sốt kéo dài, khạc đờm xanh, đờm vàng, đờm mủ, hoặc những trường hợp viêm phế quản cấp ở người có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch…
- Dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao (từ 38,5 độ trở lên).
- Người bệnh nên uống nhiều nước để giúp cải thiện việc ho, khạc đờm. Có thể dùng thêm các thuốc long đờm trong trường hợp có đờm đặc, hoặc khó khạc đờm theo chỉ định.
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.
- Có thể dùng thuốc giãn phế quản khí dung. Tuy nhiên cần được bác sĩ chỉ định và đánh giá hiệu quả của thuốc.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
2.4 Phòng bệnh viêm phế quản ở người cao tuổi
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không bị ô nhiễm.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
- Hạn chế uống rượu, bia, các chất kích thích. Không hút thuốc lá, thuốc lào.
- Đối với người có cơ địa dị ứng cần tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: khói bụi, phấn hoa, lông chó mèo, khói thuốc, nấm mốc…
- Không tiếp xúc với người đang có biểu hiện viêm đường hô hấp. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người khác.
- Thường xuyên vận động để rèn luyện sức khoẻ, nâng cao sức đề kháng. Đối với người cao tuổi nên chọn hình thức tập luyện phù hợp với tình trạng sức khoẻ như: đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh… Nên tập thở (hít sâu, thở ra từ từ) hoặc đi bộ (vừa đi vừa hít thở đều đặn).
- Khi có dấu hiệu viêm đường hô hấp cần đi khám và điều trị kịp thời.
3. Tham khảo một số món ăn, bài thuốc Đông y cho người bệnh viêm phế quản
- Lê hấp bối mẫu, đường phèn:
Lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Cách làm: Quả lê ngâm rửa sạch, khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần (sáng, tối) trong ngày. Công dụng: Trị viêm phế quản cấp, họng khô đau, ho khan ít đờm.
- Cháo bách hợp, hạnh nhân:
Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu cháo, đến khi gần được cho bách hợp và hạnh nhân (bỏ vỏ) vào, cho thêm ít đường, ăn trong ngày. Công dụng: nhuận phế, trừ ho, dùng tốt cho người bệnh viêm phế quản. Lưu ý: Không dùng bách hợp trong trường hợp cảm lạnh, tiêu chảy, tỳ vị hư hàn.
- Cháo hạnh nhân:
Hạnh nhân 15g, gạo tẻ 50g. Cách làm: Hạnh nhân bỏ vỏ, nghiền mịn, rồi nấu với gạo thành cháo, khi ăn nêm gia vị. Ăn nóng, vào sáng sớm và chiều tối. Dùng cho người bệnh viêm phế quản, ho, khó thở, ngực bứt rứt.
- Cháo lá sơn trà:
Lá sơn trà 15g, gạo 100g, đường phèn vừa đủ. Lá sơn trà gói trong túi vải, cho vào nồi, đổ 200ml nước đun sôi còn 100ml, bỏ bã lấy nước, cho gạo vo sạch vào, thêm nước vừa đủ nấu cháo. Ăn nóng vào buổi sáng và tối.
- Cháo phổi bò:
Phổi bò 150g rửa sạch, gạo nếp 100g vo sạch cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, thêm nước gừng và gia vị, ăn trong ngày.
- Cháo bí đao, ý dĩ:
Bí đao 30g, ý dĩ nhân 15g, gạo lứt 100g. Cách làm: Bí đao rửa sạch, nấu lấy nước bỏ bã; ý dĩ, gạo lứt đãi sạch. Cho tất cả vào nồi nấu thành cháo, chia 2 lần ăn trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm ho, tan đờm.
- Cháo ý dĩ, hạnh nhân:
Ý dĩ nhân 30g, hạnh nhân 10g, đường phèn vừa đủ. Cách làm: Lấy ý dĩ nhân nấu cháo, đợi khi gần chín cho hạnh nhân vào, để lửa nhỏ nấu đến khi chín, cho đường phèn, ăn vào buổi tối, sáng. Tác dụng: Hóa đờm bình suyễn.
- Cháo phổi lợn, ý dĩ:
Phổi lợn 500g, ý dĩ nhân 50g, gạo lứt 100g. Cách làm: Phổi lợn rửa sạch, nước vừa đủ, cho 1 chút rượu, nấu chín vớt ra, thái miếng nhỏ rồi cho vào nồi cùng gạo lứt, ý dĩ nhân, hành, gừng tươi, gia vị vừa đủ, đun to lửa cho sôi, sau nhỏ lửa, hầm đến khi gạo chín nhừ là được, chia vài lần ăn trong ngày có hiệu quả tốt đối với người bệnh viêm phế quản.
Xem thêm video đang được quan tâm
6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19