Bệnh viêm nha chu
Viêm nha chu là một bệnh nhiễm khuẩn mãn tính ảnh hưởng đến cả nướu và xương ổ răng gây ra bởi các vi khuẩn có trong mảng bám răng. Bệnh gây ra tình trạng kích ứng và viêm ở giai đoạn nhẹ nhưng khi trở nặng có thể gây các biến chứng nặng nề như: Mất răng, nhiễm trùng lan tỏa……
Ảnh minh hoạ
Mối quan hệ giữa bệnh đái tháo đường và viêm nha chu
Bệnh nha chu làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
- Ở người có bệnh nền đái tháo đường mà bị viêm nha chu, cơ thể sẽ giải phóng các hóa chất kích thích các phản ứng viêm trong cơ thể (cytokin) nhiều hơn người bình thường. Các chất này gây đề kháng với hormon insulin làm giảm hiệu quả của insulin, gây khó kiểm soát đường huyết và làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
- Ngoài ra bệnh viêm nha chu được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như cao huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch…..được biết đến là các biến chứng phổ biến của bệnh đái tháo đường.
Ở chiều ngược lại: Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nha chu. Những nguyên nhân làm tăng mức độ viêm nha chu ở người mắc bệnh đái tháo đường là:
- Bệnh đái tháo đường làm suy giảm chức năng của các bạch cầu ở người mắc bệnh vì vậy làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn của cơ thể.
- Bệnh đái tháo đường làm tăng tiết các hoạt chất gây viêm, từ đó làm tăng tốc độ phá hủy mô xương ổ răng và mô nướu trong bệnh lý viêm nha chu.
- Bệnh đái tháo đường làm suy giảm khả năng làm lành vết thương của cơ thể.
Tóm lại: Bệnh viêm nha chu và đái tháo đường có mối quan hệ hai chiều với nhau. Do đó cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh đái tháo đường để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu. Bên cạnh đó việc chữa trị dứt điểm bệnh lý viêm nha chu để giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
Phòng ngừa bệnh viêm nha chu ở người đái tháo đường
- Kiểm soát tốt đường huyết.
- Chế độ ăn uống hợp lý, tránh các loại đồ ngọt, nước có ga, ….
- Vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Chải răng đúng cách để tránh gây tổn thương cho nướu. Chải răng đúng cách như sau:
Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng, thực hiện liên tục đến khi đi hết bề ngoài của hàm.
Đưa bàn chải vào bề mặt bên trong của các răng, cách chải tương tự như mặt ngoài.
Đến vị trí các răng cửa phía trước, đặt bàn chải theo chiều dọc, ngửa đầu bàn chải và đưa vào mặt bên trong của hàm trên, thực hiện động tác lên – xuống để chải các răng cửa phía trên.
Thực hiện tương tự với các răng cửa phía dưới.
Đặt bề mặt lông bàn chải tiếp xúc với bề mặt nhai của các răng hai bên, chải từ trước ra sau.
Dùng lông bàn chải hoặc dụng cụ chải lưỡi để loại bỏ các mảng bám thức ăn trên bề mặt lưỡi.
Súc miệng lại bằng nước sạch 3 – 4 lần để đảm bảo làm trôi hết các vụn thức ăn, các mảng bám và kem đánh răng.
- Sử dụng nước súc miệng để giảm các mảng bám và giúp hơi thở thơm mát hơn.
- Khám răng định kỳ sáu tháng 1 lần.
- Không hút thuốc lá
Điều trị bệnh viêm nha chu ở người mắc bệnh đái tháo đường.
Tùy theo tình trạng bệnh mà nha sĩ có thể thực hiện các biện pháp:
- Lấy cao răng(cạo vôi) để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu.
- Làm nhẵn bề mặt thân, chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn.
- Điều trị nhiễm khuẩn: Cần đến bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để điều trị.
PGS.TS Nguyễn Phú Thắng
Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội