Viêm nang lông nhiễm khuẩn là viêm ở phần nông của nang lông. Có thể chỉ có một vài nang lông bị viêm nhưng cũng có khi nhiều nang lông cùng bị viêm. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể.
Tại sao lại bị viêm nang lông?
Khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn là những yếu tố thuận lợi để bệnh phát triển. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những tác nhân thường gây viêm nang lông. Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục - hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.
Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu khuẩn. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus..., nấm men, nấm sợi, nhiễm virut herpes, u mềm lây và ký sinh vật demodex.
Các giai đoạn của viêm nang long. |
Biểu hiện khi bị viêm nang lông
Trên da xuất hiện các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vẩy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ rải rác nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm...
Biểu hiện lâm sàng theo vùng da bị viêm:
Vùng mặt: viêm nang lông do tụ cầu khuẩn, trứng cá bội nhiễm vi khuẩn gram âm hoặc viêm nang lông do vi khuẩn gram âm đơn thuần, u mềm lây và nhiễm Demodex folliculorum ở nang lông.
Vùng râu: viêm nang lông sâu do tụ cầu khuẩn vàng (Staphylococcus aureus) gây viêm chân tóc, lông (sycosis), đôi khi còn nhiễm đồng thời các vi khuẩn gram âm. Bệnh thường dai dẳng, khó chữa và tái đi tái lại nhiều. Các chân tóc bị viêm có mụn đỏ, khi mụn vỡ có thể thấy vết chợt và đóng vẩy tiết. Các mụn này có thể nằm rải rác hoặc thành từng đám. Sycosis sau khi khỏi không để lại sẹo nhưng có thể để lại vết thâm tồn tại trong một thời gian. Sycosis có thể nặng hơn khi nhiễm khuẩn lan sâu vào bọng lông gây áp-xe hoặc nặng hơn nữa là nhọt. Trường hợp áp-xe, tổn thương nang lông tuyến bã có thể gây sẹo sau khi khỏi. Một số vùng hay bị sycosis như vùng râu, nách, chân tóc vùng gáy, tóc mai, lông mu. Vùng râu cũng có thể bị nhiễm nấm sợi, nhiễm virut herpes, u mềm lây và nhiễm Demodex gây thương tổn giống trứng cá đỏ.
Vùng da đầu: viêm nang lông do tụ cầu và nấm sợi.
Vùng gáy: cũng do tụ cầu và nấm sợi.
Chân: thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân. Thường viêm do nhiễm khuẩn.
Thân mình: tụ cầu là tác nhân hay gặp gây viêm nang lông ở các nếp gấp như nách. Ngoài ra, có thể gặp các tác nhân khác như Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida.
Vùng mông: chủ yếu do tụ cầu. Nấm sợi cũng hay gặp ở những vùng nóng ẩm.
Đề phòng biến chứng
Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị. Biến chứng có thể xảy ra nặng hơn là gây nhọt, nhọt cụm và viêm mô dưới da.
Điều trị và phòng ngừa thế nào?
Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm khuẩn như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như bactroban, fucidin...
Trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.
Trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết. Liều lượng và cách sử dụng theo tình trạng bệnh và hướng dẫn của nhà sản xuất.
Viêm nang lông do vi khuẩn gram âm: cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxide và cho ampixillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho isotretinoin. Tuy nhiên, isotretinoin là thuốc có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt có thể gây quái thai ở phụ nữ khi sử dụng thuốc này nên cần phải có chỉ định của thầy thuốc.
Viêm nang lông do nấm: sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống.
Viêm nang lông do virut herpes, có thể bôi kem acyclovir 6lần/ngày và uống acyclovir 400mg 3lần/ngày hoặc 200mg 5lần/ngày, hoặc valacyclovir 500mg uống 2 lần/ngày.
Viêm nang lông do demodex: Có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol 1g/ngày trong 1 tuần.
Đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi khuẩn ở các hốc mũi, hậu môn... và tránh làm xây xước da do cạo râu bằng cách cắt râu bằng kéo. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Có thể sử dụng các loại xà phòng diệt khuẩn hoặc benzoyl peroxide để phòng ngừa tái phát.
Khi mắc bệnh, dù chỉ rất nhẹ cũng nên đến khám bệnh để có phương pháp điều trị đúng đắn, chớ coi thường có thể gây biến chứng nặng thành nhọt, đinh râu.
PGS.TS.BS. Nguyễn Duy Hưng (BV Da liễu Trung ương)