Bệnh viêm mũi dị ứng trầm trọng hơn khi bị lệch vách ngăn, xử lý và dùng thuốc thế nào?

21-10-2021 18:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đối với người viêm mũi dị ứng, nếu bị lệch vách ngăn sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Vậy xử lý và dùng thuốc trong trường hợp này như thế nào?

Lệch vách ngăn không phải là nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng. Nhưng nó làm tình trạng bệnh nặng hơn và việc điều trị viêm mũi dị ứng trở nên khó khăn hơn. Với người bị viêm mũi dị ứng có kèm lệch vách ngăn, cần điều trị đồng thời cả 2 bệnh mới giúp tình trạng viêm mũi dị ứng được cải thiện.

Điều trị viêm mũi dị ứng

Điều trị viêm mũi dị ứng trước hết cần phải loại bỏ các nguyên nhân gây dị ứng có thể như khói bụi, lông động vật nuôi (chó, mèo, chim), khói thuốc (không hút thuốc tránh môi trường có người hút thuốc).

Trong nhà nên dọn dẹp sạch sẽ, thoáng đãng, loại bỏ hết đồ cũ quá nhiều, không để nhà bị bụi, dán, chuột... Nên có máy phun nước để không khí có đủ độ ẩm, mát.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường để tránh khói bụi, mùi dễ gây dị ứng…

Tránh xa các mùi dễ gây dị ứng: Nước hoa, phấn hoa, xăng dầu, các hóa chất…

Nên giữ ấm khi thời tiết lạnh…

Nếu các biện pháp nêu trên đã được thực hiện tốt, thường xuyên nhưng tình trạng viêm mũi dị ứng vẫn xảy ra thì nên đến bác sĩ chuyên về dị ứng để được thử các phản ứng tìm dị nguyên.

Dùng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng chủ yếu là điều trị triệu chứng, trong đó bao gồm:

Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc này rất hiệu quả đối với các triệu chứng ngứa, chảy nước mũi do dị ứng, đồng thời thuốc cũng làm giảm ngứa mắt. Một số thuốc trong nhóm này có tác dụng phụ không mong muốn như gây buồn ngủ. Do đó không được dùng loại này khi phải đi ra ngoài đường hoặc làm việc liên quan đến vận hành máy móc. Một số thuốc làm nhịp tim đập nhanh, ảnh hưởng đến tim mạch, gây khô miệng… Thuốc không dùng cùng lúc với kháng sinh nhóm macrolide và thuốc kháng nấm.

Điều trị viêm mũi dị ứng và lệch vách ngăn mũi - Ảnh 2.

Viêm mũi dị ứng làm các tổ chức bên trong mũi sưng viêm, gây nghẹt thở.

Để an toàn hơn thì nên dùng các loại thuốc chống viêm mũi dị ứng không hoặc ít gây buồn ngủ như claritin, allegra, clarinex… Hoặc tốt hơn cả là nên tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc.

Mặc dù các thuốc kháng histamin giảm nhanh các triệu chứng dị ứng, nhưng không có tác dụng thông mũi. Do đó cần dùng thêm thuốc thông mũi.

Thuốc thông mũi: Thuốc có tác dụng gây co mạch, nên có hiệu quả trong việc thông mũi, giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn. Thuốc được dùng dưới dạng nhỏ mũi hoặc dạng uống, bao gồm các hoạt chất pseudoephedrin hoặc phenylpropanolamin. Các thuốc này có tác dụng phụ là làm run tay chân, hồi hộp đánh trống ngực, bí tiểu. Phenylpropanolamin có thể gây tai biến mạch máu não mặc dù rất hiếm gặp.

Các thuốc dạng nhỏ mũi chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày để tránh hiện tượng ngạt mũi trở lại khi dùng kéo dài. Nếu dùng thuốc kéo dài thì tình trạng nghẹt mũi nặng hơn, bệnh nhân theo thói quen sẽ sử dụng thuốc xịt thông mũi nhiều hơn. Điều này sẽ tạo nên vòng xoắn bệnh lý. Hậu quả lâu dài dẫn đến viêm mũi mạn tính do thuốc; nghiện thuốc nhỏ thông mũi… Vấn đề này rất khó điều trị.

Do đó, dù thuốc thông mũi có tác dụng nhanh và giúp bệnh nhân dễ chịu ngay, nhưng việc sử dụng cần theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc corticoid dạng xịt: Thuốc xịt mũi chứa corticoid rất có hiệu quả trong điều trị các thể viêm mũi xoang, kể cả mạn tính. Thuốc có tác dụng giảm các triệu chứng: Ngứa, chảy nước mũi, đặc biệt là nghẹt mũi dẫn đến mất mùi.

Tuy nhiên, không như các thuốc nhỏ mũi gây co mạch có hiệu quả ngay sau khi xịt mũi. Các thuốc này có hiệu quả sau khoảng 3 ngày sử dụng. Do vậy, bệnh nhân cần kiên trì sử dụng thuốc, không nên thấy xịt mũi xong không hết ngạt mũi mà bỏ thuốc.

Thuốc dạng xịt không bị hấp thu vào tuần hoàn máu cơ thể, nên các thuốc kháng viêm xịt mũi tỏ ra khá an toàn, tuy nhiên cũng không được lạm dụng mà phải dùng theo chỉ định của bác sĩ hoặc tư vấn của dược sĩ tại nhà thuốc.

Điều trị viêm mũi dị ứng và lệch vách ngăn mũi - Ảnh 3.

Thuốc xịt mũi tại chỗ gây co mạch không nên dùng quá 7 ngày.

Thuốc corticoid dạng uống: Corticoid dạng uống khá hiệu quả với viêm mũi dị ứng, nhưng thuốc này ít được sử dụng do tác dụng phụ không mong muốn nếu dùng liều cao kéo dài (gây loãng xương, ức chế tuyến thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng…). Dù vậy, trong trường hợp viêm mũi nặng, bác sĩ sẽ lựa chọn giữa lợi ích và nguy cơ để kê đơn thuốc cho bệnh nhân uống trong thời gian ngắn, không quá 7 ngày. Riêng thuốc dạng uống này, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn.

Ngoài ra, dùng các loại thuốc chữa viêm xoang mũi dị ứng được bào chế từ dược liệu (dạng uống và xịt) đủ liệu trình thì cũng có thể giúp chữa khỏi hoặc giảm hẳn bệnh viêm mũi dị ứng cấp hoặc mạn tính.

Có thể mua các thuốc muối xịt mũi, mỗi ngày xịt vào mũi 3-5 lần cũng giúp bớt nghẹt mũi trong khi chờ các thuốc kể trên.

Điều trị lệch vách ngăn mũi

Vách ngăn là bộ phận nằm trong hốc mũi và chia đôi hốc mũi. Nhiều trường hợp không biết là vách ngăn bị vẹo bởi không có biểu hiện gì. Chỉ sau khi mắc phải một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng, người đi khám mới phát hiện lệch vách ngăn.

Khi vách ngăn bị vẹo có thể tạo ra điểm kích thích trong hốc mũi, làm tăng thêm tình trạng viêm mũi dị ứng và làm nặng thêm bệnh lý hen suyễn đang có, làm giảm khả năng của khứu giác...

Điều trị viêm mũi dị ứng và lệch vách ngăn mũi - Ảnh 4.

Lệch vách ngăn khiến tình trạng viêm mũi dị ứng nặng hơn và dễ tái phát.

Nếu để tình trạng nghẹt mũi do vẹo vách ngăn kéo dài, sẽ dẫn đến bị viêm mũi, viêm xoang mạn tính. Ngoài ra do nghẹt mũi lâu dẫn đến cơ thể thiếu oxy và làm ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp, trí nhớ và năng xuất làm việc.

Vẹo vách ngăn có thể gây nên viêm mũi, viêm xoang, nhưng ngược lại, viêm mũi, viêm xoang không gây nên vẹo vách ngăn. Do đó, để điều trị viêm mũi dị ứng, cần điều trị lệch vách ngăn.

Tùy theo từng trường hợp sẽ có biện pháp khác nhau. Việc dùng thuốc trong lệch vách ngăn chỉ là điều trị những triệu chứng do vách ngăn vẹo gây nên... Chủ yếu điều trị bằng can thiệp.

Nếu lệch ở mức độ nhẹ, ít gây ra triệu chứng, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ cần chỉnh, nắn vách ngăn lại. Khi lệch nhiều, gây ra triệu chứng nặng, thường xuyên thì cần phẫu thuật.

Mời độc giả xem thêm video:

27 địa phương đã chấp nhận phương án hoạt động trở lại các tuyến xe khách liên tỉnh

DS.Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn