Hà Nội

Bệnh viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày

06-07-2014 15:07 | Y học 360
google news

SKĐS - Dạ dày có cấu tạo nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm tâm vị, hang vị (bờ cong lớn), bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị…

Bác T. (65 tuổi), đến phòng khám của Bệnh viện Tràng An và cho biết, hôm nọ nội soi dạ dày, bác sĩ kết luận bị loét bờ cong nhỏ, khuyên cần cẩn thận. Tại sao loét bờ cong nhỏ lại cần cẩn thận?

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dạ dày, ngay cả trẻ nhỏ, nhưng với người tuổi đã cao thì bệnh diễn biến phức tạp hơn do sức đề kháng đã bị suy giảm. Bởi vì, dạ dày là nơi chứa thức ăn, nước uống trước khi xuống ruột, khi các chức năng dạ dày của dạ dày bị suy giảm do tuổi tác thì bệnh tật cũng dễ tấn công hơn.

Lý do mắc bệnh của dạ dày

Dạ dày có cấu tạo nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm tâm vị, hang vị (bờ cong lớn), bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị… Mỗi một vị trí đều có thể mắc bệnh, trong trường hợp cá biệt có thể đều vị viêm (viêm dạ dày) và nếu dạ dày bị viêm mà không được điều trị hoặc kiêng khem không đúng mức thì có thể dẫn đến loét. Loét dạ dày, đáng lưu ý nhất là loét bờ cong nhỏ, tiền môn vị hoặc môn vị, bởi vì theo tổng kết thì loét dạ dày ở các vị trí này có tỉ lệ bị ung thư hóa cao hơn rất nhiều so với các vị trí khác. Vì lý do này mà bác sĩ nội soi khuyên bác Toại cần cẩn thận. Về nguyên nhân, bác Toại cũng rất muốn biết để đề phòng bệnh cho bản thân mình (nếu sau khi đã được điều trị khỏi) và cho mọi thành viên trong gia đình biết để phòng bệnh.

Vi khuẩn Helicobacter pylori là thủ phạm chủ yếu gây viêm loét dạ dày, trong đó có bờ cong nhỏ
Vi khuẩn Helicobacter pylori là thủ phạm chủ yếu gây viêm loét dạ dày, trong đó có bờ cong nhỏ

Trước đây, nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày dựa theo giả thuyết do thần kinh. Nhưng ngày nay, bệnh viêm loét dạ dày, trong đó có bờ cong nhỏ có thể do dùng thuốc, do chế độ ăn uống và do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) chiếm tỉ lệ cao hơn cả (trên 90%). Có một số người mắc bệnh dạ dày do dùng một số thuốc corticoid (prednisolon, solumedron…) để điều trị bệnh về khớp, hen suyễn, một số bệnh về thận, bệnh lupus ban đỏ rải rác… Có trường hợp mắc bệnh dạ dày do dùng thuốc không steroid (piroxicam, mobic…) điều trị bệnh về viêm, thoái hóa khớp. Một số người bệnh do dùng một số loại thuốc (tanganyl, betasec…) để điều trị bệnh rối loạn tiền đình cũng có thể làm cho dạ dày lâm bệnh.

Trong cuộc sông thường ngày với một số người do ăn quá nhiều chất cay (ớt, bồ tạt…), uống nhiều rượu, hoặc ăn quá chua, nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn HP thì rất dễ mắc bệnh dạ dày. Việc vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày đã được phát hiện từ năm 1983 (tác giả đã được nhận giải Nobel y học năm 2006). Cần lưu ý là vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày chiếm tỉ lệ rất cao và nếu mắc bệnh dạ dày do HP thì lây lan theo đường ăn uống mà trong y học gọi là đường phân - miệng. Có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh ở dạ dày, theo phân ra ngoài, nếu quản lý phân không tốt, vệ sinh môi trường, vệ sinh hoàn cảnh và vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo thì người lành rất dễ mắc bệnh. Ngoài ra, có một số yếu tố thuận lợi khác cũng cần lưu ý, quan tâm là thức khuya, bị nhiều tác động tâm lý, căng thẳng thần kinh liên tục (stress), nếu ăn uống bị nhiễm vi khuẩn HP thì bệnh càng dễ xuất hiện. Viêm bờ cong nhỏ, nếu không được điều trị sớm, đúng thì rất dễ dẫn đến loét bờ cong nhỏ, nhất là bác đã có tuổi.

Triệu chứng của bệnh viêm, loét bờ cong nhỏ

Đó là đau thượng vị, có trường hợp đau lan lên cả vùng xương ức làm cho người bệnh nhầm tưởng bệnh phổi hoặc bệnh tim mạch. Đau có thể lan ra sau lưng. Tính chất đau, có lúc âm ỉ nhưng có lúc dữ dội phải ngồi gập người mới đỡ chút ít. Lúc mới mắc bệnh (viêm) thì thường ăn vào đau (đau lúc no) nhưng khi đã loét thì no đói đều đau.

Ngoài ra người bệnh có thể buồn nôn, hoặc nôn. Khi viêm, loét bờ cong nhỏ thì mùa nào cũng đều bụng, nhưng nhiều trường hợp thay đổi thời tiết đột ngột (mưa nắng thất thường, nóng, lạnh đột ngột, gió mùa đông bắc, áp thấp nhiệt đới), ban đêm thì cơn đau xuất hiện hoặc đau tăng hơn.

Cơn đau bụng (âm ỉ, dữ dội) làm cho người bệnh không muốn ăn, hoặc ăn vào nôn, đa phần là chán ăn, mất ngủ triền miên cho nên người gầy, da xanh, mệt mỏi, kém linh hoạt hay cáu gắt, lười suy nghĩ và thường có một bộ mặt buồn (bộ mặt của người đau dạ dày).

Để chẩn đoán viêm loét bờ cong nhỏ có thể chụp dạ dày với thuốc có cản quang (phải nhịn ăn trước khi đến chụp phim), thông thường chụp hàng loạt (5 tư thế khác nhau). Ngày nay, nhờ vào kỹ thuật tiến bộ của y học mà kỹ thuật nội soi dạ dày được áp dụng khá rộng rãi. Nhược điểm của phương pháp này là gây cảm giác khó chịu khi luồn dây mềm có gắn camera vào dạ dày, để khắc phục thì áp dụng nội soi dạ dày có gây mê. Kỹ thuật nội soi dạ dày đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo cơ bản và càng có nhiều thâm niên càng tốt. Nếu muốn biết viêm loét bờ cong nhỏ có phải do vi khuẩn HP hay không thì có thể thử test HP bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, kỹ thuật này không chắc chắn, bởi vì, tỉ lệ người lành mang vi khuẩn HP rất cao (không gây bệnh). Nếu có điều kiện, tốt nhất là xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân từ (PCR). Đây là một kỹ thuật hiện đại, có độ chính xác rất cao (gần 100%), hơn nữa nếu trong mảnh sinh thiết (qua nội soi dạ dày) vi khuẩn ít hoặc thậm chí vi khuẩn đã chết cũng xác định được. Qua bác T. cho biết thì bác đã được thực hiện các loại kỹ thuật nội soi và xác định vi khuẩn HP dương tính, điều đó khẳng định bác bị loét bờ cong nhỏ do vi khuẩn HP gây ra.

Biện pháp phòng

Trong trường hợp bác T., trước tiên bác phải tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ, không nên sử dụng thuốc khác ngoài đơn thuốc của bác sĩ. Trong trường hợp khác có mắc các bệnh về khớp, hen suyễn, rối loạn tiền đình, bệnh thận thì cần cho bác sĩ biết để lựa chọn thuốc và tránh dùng các thuốc có ảnh hưởng đến dạ dày

Trong gia đình nên ăn chín, uống chín, các dụng cụ dùng trong chế biến và ăn uống cần được vô trùng (rửa sạch bằng xà phòng, nhúng vào nước sôi…), vì bác T. mắc bệnh do vi khuẩn HP nên rất dễ lây cho các thành viên khác trong gia đình theo đường ăn, uống.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG


Ý kiến của bạn