Bệnh viêm gan E nguy hiểm thế nào?

12-04-2019 12:27 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Bệnh viêm gan E do virut gây ra làm tổn thương ở gan và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Virut viêm gan E lây bệnh như thế nào?

Viêm gan E có thể lây lan qua nhiều con đường, phổ biến nhất là qua nước uống không sạch và thịt sống. Viêm gan E chủ yếu lây lan qua nguồn nước bị ô nhiễm. Phân từ người hoặc vật nuôi có thể làm ô nhiễm nguồn nước và làm lan truyền virut viêm gan E. Nếu là dân cư ở những vùng này hoặc đi du lịch tới đó thì nguy cơ nhiễm virut viêm gan E sẽ tăng cao. Ở những nước phát triển, virut thường lây lan từ động vật sang người do con người ăn phải thịt lợn hay thịt bò có mang virut viêm gan E mà chưa được nấu chín. Các loài động vật có vỏ như ngao, sò, ốc... từ các nguồn nước bị nhiễm cũng gây lây lan viêm gan E.

Nếu các bà mẹ mang thai nhiễm viêm gan E cũng có khả năng truyền virut từ mẹ sang con. Cũng có những trường hợp bị nhiễm virut viêm gan E khi truyền máu nhưng rất hy hữu.

Dấu hiệu bệnh

Biểu hiện của bệnh viêm gan E có thể rất khác nhau, từ mức độ nhẹ không cần điều trị cho đến rất nghiêm trọng và các triệu chứng của viêm gan E cũng rất khác nhau tùy mỗi bệnh nhân. Có những người không hề có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ nên không phát hiện ra. Nhưng cũng có người triệu chứng được biểu hiện rõ hơn, thường là khoảng 15-60 ngày sau khi nhiễm virut.

Bệnh viêm gan E nguy hiểm thế nào?Bệnh viêm gan E do virut gây ra.

Các triệu chứng thường gặp của viêm gan E là: Bệnh nhân thấy mệt mỏi, chán ăn, sốt, buồn nôn, nôn mửa, vàng da, đau vùng bụng trên, đặc biệt là vùng phía trên gan, phân nhạt màu giống như màu đất sét, nước tiểu đậm màu.

Viêm gan E có thể gây ra nhiều biến chứng và các nguy cơ: khi bệnh nhân nhiễm phải thể gây bệnh mạn tính của virut viêm gan E sẽ bị các rối loạn thần kinh và tổn thương gan nghiêm trọng, suy gan, có thể dẫn tới tử vong. Phụ nữ mang thai là một trong các nhóm nguy cơ cao dễ biến chứng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do nhiễm viêm gan E vào khoảng 20-25% bà mẹ đang mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ.

Bệnh viêm gan E còn có thể nguy hiểm hơn đối với những người có tiền sử rối loạn chức năng gan hoặc mắc các bệnh gan mạn tính. Người đã từng ghép gan hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch cũng nằm trong nhóm có nguy cơ biến chứng cao.

Phương pháp điều trị

Tuy bệnh viêm gan E thường có thể tự khỏi, nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị viêm gan E, đặc biệt là cho những người bị viêm gan nặng hoặc có nguy cơ xuất hiện biến chứng. Các trường hợp viêm gan E rất hiếm khi phải nhập viện, thường là bao gồm những người trong nhóm có nguy cơ cao mắc viêm gan E. Bác sĩ khuyên bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi nên thực hiện: ăn uống hợp lý, đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng; nên uống nhiều nước; nghỉ ngơi hợp lý; cần tránh dùng các chất gây kích thích gan như rượu, bia... Người bệnh cũng nên nói cho bác sĩ biết các loại thuốc mình đang uống, cả vitamin, thực phẩm chức năng để bác sĩ cho lời khuyên hạn chế hoặc loại bỏ các loại thuốc có thể gây hại cho gan trong quá trình phục hồi bệnh. Bệnh nhân cần tái khám đều đặn để được theo dõi tất cả những thay đổi về thể chất, quá trình điều trị, hồi phục và làm các xét nghiệm máu để xác định khả năng tự chống lại virut của cơ thể.

Bình thường, viêm gan E có thể tự khỏi sau 4-6 tuần. Tuy các biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng gây tử vong. Vì vậy, bệnh nhân viêm gan E cần đi khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Biện pháp phòng bệnh

Tỷ lệ tử vong của viêm gan E thấp, ước tính trong đợt bùng phát dịch khoảng 1%. Nhưng ở phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ biến chứng cao hơn so với người bình thường. Do đó, nếu nghi ngờ bị viêm gan E, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị và được hướng dẫn cách phòng bệnh thích hợp. Hiện nay, chưa có loại vắc-xin viêm gan E nào được duyệt và cấp phép.

Phòng bệnh là phương pháp tối ưu nhất để tránh bị viêm gan E và các biến chứng. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm: Khi đi tới các nước đang phát triển hoặc tới những vùng đông dân cư có nguồn nước không đảm bảo, bạn hãy luôn uống nước tinh khiết đóng chai. Cố gắng sử dụng nước tinh khiết hoặc nước đóng chai trong sinh hoạt, ví dụ như sử dụng nước đóng chai để đánh răng, rửa rau quả hay trong khi chế biến thực phẩm. Đun sôi nước hoặc khử trùng nước bằng Clo sẽ diệt được virut viêm gan E. Bên cạnh đó, cần tránh ăn sống các thực phẩm có nguy cơ nhiễm virut viêm gan E như thịt lợn, các loại sò, ngao, ốc. Cần nấu chín kỹ tất cả các thực phẩm trước khi ăn.


BS. Phạm Văn Thân
Ý kiến của bạn