Bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để hết rối loạn tiêu hoá?

SKĐS - Nhiều bệnh nhân bị viêm đại tràng mạn tính thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa nên luôn cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn. Có người lại kiêng khem kéo dài dẫn tới suy nhược cơ thể… Vậy, bệnh nhân cần ăn uống thế nào mới nhanh hồi phục sức khỏe?

Người bệnh viêm đại tràng cần tăng cường dinh dưỡng

Để nhanh hồi phục sức khỏe, người bệnh viêm đại tràng cần phải tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ. Bên cạnh việc dùng thuốc thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị, góp phần làm giảm sự kích thích, tổn thương niêm mạc đại tràng.

Vì vậy, khi tình trạng bệnh đã tạm ổn định, không có triệu chứng như: đau bụng, rối loạn đại tiện… người bệnh cần tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và nâng cao thể trạng.

Chia nhỏ bữa ăn

Chú ý ăn đúng giờ, không nên bỏ bữa hoặc ăn các món ăn lạ. Cần chia các bữa ăn chính ra thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Có thể 2 - 3 giờ ăn một lần để giảm tải cho đại tràng.

Thực phẩm nên dùng

Chế độ ăn của người bệnh vẫn đủ các món nhưng cần nấu mềm, giàu dinh dưỡng như: cơm (nấu mềm), cháo thịt nạc (nấu nhừ), canh, trái cây. Thực phẩm nên dùng bao gồm: Gạo, thịt nạc, cá, khoai tây, khoai sọ, bí xanh, bí đỏ, cà rốt; rau ngót, rau muống, rau cải, bắp cải… Có thể dùng sữa chua, sữa đậu nành…

Người mắc bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 2.

Người bệnh viêm đại tràng nên ăn thức ăn nấu mềm, nhừ, giàu dinh dưỡng.

Khi chế biến thức ăn nên hấp hoặc luộc, hạn chế xào rán. Khi ăn các thức ăn tanh như tôm, cá, trứng nên ăn ít một và ăn ngay sau khi chế biến.

Thực phẩm không nên dùng

Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng

Không nên ăn, uống các loại thực phẩm như: Trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, dưa cà muối, rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas… vì các loại  thực phẩm này gây đầy hơi, chướng bụng.

Người mắc bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 3.

Người bệnh không nên ăn dưa cà muối.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Không nên ăn các thực phẩm có nhiều lactose như sữa, nhiều đường như quả ngọt, bánh kẹo ngọt…

Thức ăn cứng 

Tránh dùng những thức ăn cứng như: các loại hạt, măng, đồ khô… dễ gây tổn thương niêm mạc đại tràng.

Người mắc bệnh viêm đại tràng ăn uống thế nào để nhanh hồi phục sức khỏe? - Ảnh 4.

Thức ăn cứng như các loại hạt dễ gây tổn thương niêm mạc đại tràng.

Trong trường hợp bị táo bón, cần tăng cường thêm chất xơ để cải thiện tình trạng táo bón. Đồng thời phải thực hiện giảm chất mỡ, giảm chất béo.

Nếu bị tiêu chảy, trường hợp bị tiêu chảy thì không nên ăn chất xơ, không ăn rau, củ, quả sống, các loại trái cây chế biến dạng khô, thực phẩm đóng hộp.

Khi có biểu hiện mắc viêm đại tràng mạn tính, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết để có biện pháp điều trị đúng cách. Cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp để tăng hiệu quả điều trị mới mau lành bệnh.

Mời độc giả xem thêm video: 

Ngủ ngon giúp cải thiện tình dục ở phụ nữ


BS. Thanh Hà
Ý kiến của bạn