Hà Nội

Bệnh về xương khớp: Khi nào áp dụng điều trị không dùng thuốc?

SKĐS - Trong quá trình điều trị và phòng ngừa các bệnh lý cơ xương khớp hiện nay, ngoài việc dùng thuốc thì các biện pháp không dùng thuốc đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng và không thể thiếu được. Các biện pháp này càng ngày càng phát huy tác dụng hiệu quả.

Ở nước ta, số người mắc các bệnh về xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80 bị thoái hóa khớp, đây thực sự đang là thách thức của ngành y tế và toàn xã hội.

Điều trị bệnh xương khớp nói chung và thoái hóa khớp nói riêng hiện đang được kiểm soát và điều trị theo phương thức kết hợp nhiều biện pháp hay còn gọi là “điều trị đa mô thức” (gồm điều trị bằng thuốc và điều trị không dùng thuốc), nhằm đạt được các mục tiêu: Giảm tình trạng viêm và kiểm soát đau; Duy trì và tăng khả năng vận động khớp; Hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp; Giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc; Nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Bệnh về xương khớpCác vị trí xương khớp thường gây đau khi bị viêm.

Những phương pháp trị bệnh không dùng thuốc

Truyền thông giáo dục: Hướng dẫn các phương pháp chăm sóc sức khỏe xương khớp.

Kiểm soát cân nặng: Giúp giảm áp lực và tải trọng cơ thể lên hệ thống cơ xương khớp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ tăng 0,45kg trọng lượng cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu thêm 1,5kg khi đi và 4,5kg khi chạy. Tải trọng cột sống thắt lưng phải chịu ở tư thế nằm là 15-25kg, tư thế đứng là 100kg, cúi là 150kg, cúi nâng vật nặng khoảng 20kg tải trọng lên cột sống và đĩa đệm vùng thắt lưng là 200kg. Nếu trọng lượng cơ thể tăng, tải trọng lên cột sống sẽ tăng lên gấp bội.

Thay đổi thói quen sinh hoạt không phù hợp: Giúp ngăn ngừa và hạn chế các yếu tố nguy cơ.

Những người có bệnh lý khớp gối nên ngồi ghế cao duỗi nhẹ hai chân thay vì ngồi xổm, ngồi khoanh chân/xếp bằng; hạn chế lên xuống cầu thang; có xe kéo để di chuyển đồ thay vì bê xách. Những bệnh nhân có vấn đề cột sống thắt lưng không nên cúi bê xách nặng, nên ngồi xổm thẳng lưng dùng lực của hông, đùi để nâng đồ.

Đối với các bệnh lý khớp viêm như bệnh viêm cột sống dính khớp, thói quen sinh hoạt/nghỉ ngơi có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiến triển của bệnh. Trong giai đoạn bệnh tiến triển bệnh nhân thường rất đau, nhất là về đêm nên thường nằm nghiêng, co người gấp gối/gối đầu cao giảm đau. Tư thế ngủ này khiến bệnh nhân nhanh chóng bị dính cột sống cổ/cột sống thắt lưng ở tư thế cúi cổ, gù lưng, khớp háng dính ở tư thế khép đùi, gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vì vậy, cần khuyến cáo người bệnh nên nằm thẳng, đầu gối thấp hoặc không gối, hai chân duỗi thẳng và dạng nhẹ, cũng có thể nằm sấp, mặc dù khó có thể nằm lâu ở tư thế này. Khuyến khích bệnh nhân vận động tập luyện sớm, kiên trì, liên tục để hạn chế dính cột sống, dính khớp.

Bệnh về xương khớpSiêu âm điều trị.

Chú ý tư thế khi làm việc, tránh cúi cổ, gù lưng, không nên ngồi yên một tư thế quá lâu, nên đứng dậy thay đổi tư thế, thực hiện một vài động tác vận động nhẹ nhàng sau mỗi 30-45 phút.

Các phương pháp vật lý trị liệu: Nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, siêu âm, điện phân, sóng ngắn, từ trường, kéo giãn, laser… có tác dụng điều trị các tình trạng viêm đau khớp, căng/co cơ.

Vật lý trị liệu thường phối hợp với phục hồi chức năng nhằm mục đích hạn chế và ngăn ngừa sự biến dạng của khớp, duy trì khả năng hoạt động, cải thiện các tình trạng mất hoặc suy giảm khả năng hoạt động vận động của cơ khớp.

Các phương pháp điều trị y học cổ truyền không dùng thuốc: Châm cứu, xoa nắn bấm huyệt, cấy chỉ... thường được áp dụng điều trị các bệnh lý đau cơ khớp thần kinh, các bệnh lý cột sống, đau thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm...

Hoạt động tập luyện: Hoạt động thể lực thích hợp vốn đã được coi là một trong những phương pháp điều trị không dùng thuốc có tác dụng tích cực trong việc làm thay đổi tình trạng bệnh lý nói chung và bệnh cơ xương khớp nói riêng. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế  giới coi hoạt động thể lực như một “phương thuốc” và việc “kê đơn tập luyện” được thực hiện như với các thuốc chữa bệnh khác. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo nên thường xuyên có các hoạt động thể lực hoặc tập luyện để điều trị và thích nghi với tình trạng bệnh. Bản thân nhiều người bệnh cũng luôn có ý thức tự tập luyện với mong muốn chữa bệnh hoặc ít nhất cũng có thể duy trì, kiểm soát được bệnh, làm giảm bớt tình trạng đau đớn khó chịu.

Hoạt động thể lực phù hợp với từng bệnh lý, từng giai đoạn khác nhau của bệnh, tránh các loại hình hoạt động làm gia tăng tải trọng lên cột sống, khớp đang tổn thương.

Lưu ý trong việc ứng dụng điều trị không dùng thuốc

Về nguyên tắc, bệnh lý xương khớp ở giai đoạn cấp hoặc đợt cấp của các bệnh lý xương khớp mạn tính người bệnh thường đau nhiều, khó khăn trong vận động sinh hoạt, lúc này điều trị nên là kiểm soát tình trạng viêm đau bằng thuốc và chế độ nghỉ ngơi thích hợp. Có thể kết hợp vật lý trị liệu, y học cổ truyền với từng bệnh lý cụ thể, không nên vội vàng, gắng sức vận động tập luyện.

Bệnh về xương khớpQuản lý tốt cân nặng để điều trị bệnh xương khớp.

Cân nhắc chỉ định, chống chỉ định điều trị vật lý trị liệu cho những bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, những người có các thiết bị hỗ trợ trong người như máy tạo nhịp tim, các kim loại từ tính như nẹp, vít... Thận trọng chỉ định điều trị xâm lấn có thể gây chảy máu như châm cứu với những bệnh nhân có bệnh đái tháo đường.

Mặc dù điều trị không dùng thuốc đang là xu thế được quan tâm khuyến khích, tuy nhiên, cho dù là phương pháp điều trị nào thì cũng cần có cơ sở khoa học, phải được chẩn đoán chính xác, có phác đồ điều trị với những liệu trình cụ thể cho các bệnh lý khác nhau, ở các giai đoạn bệnh khác nhau và trên các đối tượng bệnh nhân cụ thể khác nhau. Không có một công thức điều trị hay một phác đồ dùng chung cho mọi bệnh nhân. Phải có tư vấn, khuyến cáo của bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế. Bệnh nhân không nên tự ý điều trị dễ dẫn đến những sai sót, bất lợi hoặc bỏ lỡ “thời gian vàng” của quá trình điều trị, để bệnh tiến triển nặng dần, chuyển sang giai đoạn muộn khó hồi phục.


TS. BS. Phạm Quang Thuận
Ý kiến của bạn