1. Bệnh vảy phấn hồng là gì?
Vảy phấn hồng là bệnh ngoài da lành tính, bệnh nhân có thể nhận biết bệnh vảy phấn hồng như một bệnh lý phát ban. Vảy phấn hồng hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và người hơn 65 tuổi. Bệnh thường gặp ở độ tuổi trung bình từ 10 -35 tuổi, hiếm gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam.
Bệnh xuất hiện bằng một mảng hồng ban có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục. Tổn thương thường bắt đầu ở vùng ngực, bụng hoặc lưng và sau đó lan rộng khắp người.
Vảy phấn hồng thường xảy ra vào mùa xuân hoặc thu, cũng có thể gặp ở mùa hè, tùy từng vùng khí hậu.
2. Nguyên nhân nào gây bệnh vảy phấn hồng?
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh vảy phấn hồng chưa được biết rõ. Nhưng, nghiên cứu cho thấy bệnh phát triển trên người có những yếu tố thuận lợi sau:
- Do nhiễm trùng: Vảy phấn hồng được cho là một dạng phát ban do virus, như human herpes virus, (type 6,7), parvo virus. Nhiều nghiên cứu cho thấy vảy phấn hồng có liên quan đến nhiễm trùng hô hấp trên. Tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn ở những người suy giảm miễn dịch.
Bệnh vảy phấn hồng cũng có liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn. Các vi khuẩn chlamydia pneumoniae, legionella pneumophila, mycoplasma pneumoniae cũng được xem là tác nhân liên quan đến yếu tố nguy cơ gia tăng mắc bệnh.
- Do thuốc: Một số loại thuốc có khả năng gây phát ban giống vảy phấn hồng như captopril, bismuth, barbiturates…
- Yếu tố nguy cơ khác: Người mắc bệnh viêm da tiết bã, mụn trứng cá, tiếp xúc với vải mới (quần áo…) là yếu tố thuận lợi gây ra bệnh vảy phấn hồng.
Hình ảnh bệnh vảy phấn hồng.
3. Bệnh vảy phấn hồng có biểu hiện thế nào?
- Khi mới khởi phát, bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, chán ăn, sốt… Sau đó xuất hiện tình trạng tổn thương da (khoảng 80% trường hợp) với các mảng da (gọi là mảng báo trước) có màu hồng, có vẩy, hình tròn hoặc bầu dục, giới hạn rõ, đường kính từ 2-10 cm.
- Sau đó xuất hiện phát ban toàn thân. Tình trạng này có thể xảy ra từ vài giờ đến 2 tháng sau khi xuất hiện mảng báo trước. Các phát ban nhỏ, nhiều, hình dạng giống mảng báo trước, tập trung theo đường cong trên da, tạo hình ảnh cây thông hoặc sang thương da có thể là các sẩn đỏ, không vảy. Tổn thương thường bắt đầu ở vùng ngực, bụng hoặc lưng và sau đó lan rộng lên cổ, cánh tay và đùi.
- Ngứa có thể xảy ra ở 75% trường hợp, trong đó khoảng 25% thấy ngứa rất nhiều.
Khoảng 20% bênh nhân mắc vảy phấn hồng không có biểu hiện như trên, được gọi dạng không điển hình. Các dạng này có thể là những thay đổi về hình thái sang thương hay thay đổi vị trí sang thương: Nốt sẩn, mụn nướng, mảng mê đay, ban xuất huyết, hình tổn thương giống hồng ban đa dạng…
4. Điều trị vảy phấn hồng như thế nào?
Vảy phấn hồng trong hầu hết các trường hợp có thể tự khỏi trong 12 tuần. Sau 12 tuần bệnh không hết hoặc tình trạng ngứa nhiều, gây khó chịu thì cần gặp bác sĩ da liễu để được điều trị. Bệnh lành tính ngoài da, do vậy các tổn thương da sẽ hết mà không để lại sẹo và thường không tái phát.
Khi các biện pháp khắc phục không dùng thuốc không làm giảm các triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian bị bệnh, tùy tình trạng bệnh bác sĩ có thể kê đơn các thuốc, như:
- Các thuốc corticoid (flucinar, diprosone, dermovate... ) giúp giảm ngứa, giảm tổn thương;
- Kháng histamine (cetirizine, fexofenadine, diphenhydramine, chlorpheniramine, clemastine, loratadine;
- Thuốc kháng virus (acyclovir…).
Bệnh nhân có thể tắm với xà phòng có hắc ín, salicylic acid giúp làm bong vẩy.
Ngoài các thuốc trên thì liệu pháp ánh sáng (ánh sáng mặt trời tự nhiên hoặc nhân tạo) cũng có thể giúp phát ban mờ dần. Tuy nhiên, liệu pháp ánh sáng có thể gây ra sạm đen kéo dài ở một số điểm nhất định.
Để giảm khó chịu, bệnh nhân vảy phấn hồng nên tắm với nước ấm pha với dung dịch calamine. Ngoài ra cần tránh các hoạt động thể lực gây ra mồ hôi nhiều, nghỉ ngơi trong điều kiện nhiệt độ mát và thông khí tốt.
Lưu ý, bệnh vảy phấn hồng có thể nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác như hắc lào, phát ban... Do đó bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc điều trị mà cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và dùng thuốc hợp lý.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách nhận biết bệnh nguy hiểm qua dáng đi | SKĐS