Bệnh vảy nến và thuốc chữa

25-07-2017 19:50 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vảy nến là bệnh da mạn tính. Người bệnh cần hiểu biết rõ về bệnh cũng như các phương pháp điều trị và dùng thuốc nhằm giúp bản thân có thể chung sống hòa bình và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.

Vảy nến là bệnh da do tăng sinh tế bào và viêm. Bình thường các tế bào da cũ chết đi, bong ra và các tế bào da mới thay thế. Ở người mắc bệnh vảy nến, quá trình này diễn ra nhanh gấp 10 lần (hiện tượng tăng sinh tế bào da) khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay thế, dồn đống lại tạo thành những mảng dày, đỏ, có vảy trắng hay bạc. Tổn thương da đặc trưng thường gặp là những mảng màu đỏ, bề mặt tróc vảy, giới hạn rất rõ, với vị trí phân bố thường ở mặt duỗi của chi và da đầu. Người mắc bệnh vảy nến thường không ngứa, tuy nhiên một số có thể ngứa, châm chích, bỏng rát. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện nhiều mụn mủ hoặc đỏ da toàn bộ cơ thể. Ngoài tổn thương da, một số trường hợp có thể bị tổn thương móng với biểu hiện móng có nhiều vết lõm hoặc đổi màu vàng nâu, hoặc móng dày hoặc hư toàn bộ móng. Các dạng vảy nến gồm: vảy nến mảng, vảy nến giọt, vảy nến đỏ da, vảy nến khớp, vảy nến mủ. Vảy nến mảng là dạng thường gặp nhất.

Ai có thể bị vảy nến?

Mọi lứa tuổi đều có thể bị vảy nến. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát trong khoảng từ 15- 30 tuổi. Nguyên nhân thật sự của vảy nến vẫn chưa rõ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vảy nến có liên quan đến gene và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường. Ngoài ra, một số yếu tố môi trường cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy cũng như làm nặng thêm bệnh vảy nến. Các yếu tố đó gồm:

Chấn thương: Vảy nến có thể xuất hiện ở những da bị chấn thương thậm chí cả những vết trầy xước nhẹ.

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vảy nến giọt (một dạng vảy nến) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến hiện mắc. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh vảy nến.

Thuốc: Một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến như thuốc điều trị tăng huyết áp (ức chế men chuyển, beta-blocker), kháng sốt rét tổng hợp (chloroquin), lithium, một số kháng viêm non-steroid (indomethacine), progesterone và corticosteroid.

Stress: Buồn phiền, lo lắng, giận dữ, stress thường dễ làm bùng phát và nặng thêm bệnh vảy nến.

Thời tiết: Thời tiết lạnh và khô dễ gây bùng phát bệnh vảy nến. Thời tiết nắng, nóng và ẩm thường làm giảm nhẹ bệnh. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng (vảy nến nhạy cảm ánh sáng).

Rượu và thuốc lá: Làm nặng thêm bệnh vảy nến.Biểu hiện ngoài da của bệnh vảy nến.

Biểu hiện ngoài da của bệnh vảy nến.

Thuốc điều trị bệnh vảy nến

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu nhằm giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn.

Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến gồm:

Nhóm thuốc retinoid (acitretin, tazarotene…): thường được sử dụng trong điều trị vảy nến nặng, đã đề kháng với các thuốc điều trị khác. Tác dụng phụ của nhóm thuốc này là sinh quái thai, kích ứng da...

Nhóm thuốc dẫn chất vitamin D3 (calcipotriol, calcitriol…): thường được sử dụng trong điều trị vảy nến mảng hay vảy nến da đầu. Nhóm thuốc này gây kích ứng da nên tránh sử dụng trên vùng mặt.

Nhóm thuốc corticoid (betamethasone, clobetasol...): nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh vảy nến, có tác dụng kháng viêm, kháng dị ứng, làm giảm viêm, ngứa và giảm tăng sinh tế bào da. Khi dùng trong thời gian dài, nhóm thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như teo da, loãng xương, suy thận, ức chế hệ miễn dịch... Các corticoid dùng đường uống (prednisolone, medrol...) hoặc tiêm tĩnh mạch (methylprednisolone) đều có tác dụng tốt, nhanh, nhưng chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt trong một thời gian ngắn và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu lạm dụng dùng liều cao kéo dài bệnh sẽ tái phát nặng và có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.

Nhóm thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporin, methotrexate, adalimumab...): sử dụng trong trường hợp bệnh vảy nến nặng, lan rộng và không đáp ứng với các liệu pháp thông thường. Nhóm thuốc này gây độc tính ở thận, tăng huyết áp, giảm sức đề kháng...

Acid salicylic: có tác dụng tiêu sừng, giúp bong tróc vảy dễ dàng và làm bình thưởng hóa lớp sừng ở da.

Methoxsalen: một chất bắt sáng được dùng kết hợp với ánh sáng mặt trời hay tia UV trong điều trị bệnh vảy nến nặng.

Polytar: chế phẩm chứa hắc ín than đá, có tác dụng giảm ngứa và làm giảm sự tăng sinh quá mức của da. Polytar gây kích ứng da và nhuộm màu da, có mùi khó chịu nên cần rửa kỹ sau khi sử dụng.

Các phương pháp khác

Trị liệu bằng ánh sáng: Có thể phối hợp các phương pháp trên với chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau (UVA, UVB) cũng có kết quả rất tốt và kéo dài thời gian ổn định bệnh. Đặc biệt, hiện nay phương pháp PUVA (Psoralene Ultraviolet A) đang được áp dụng để điều trị bệnh vảy nến các thể khác nhau và cho kết quả rất khả quan.

Phương pháp sinh học (Biotherapy): Y học đã tổng hợp được nhiều chất sinh học có tác dụng tốt trong điều trị bệnh vảy nến như: efanecept, alefacept, efalizumab... Nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... đã áp dụng phương pháp này và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, phương pháp này vừa đắt tiền vừa có một số tác dụng phụ nên chưa được áp dụng rộng rãi.


DS. Nguyễn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn