Hà Nội

Bệnh vảy nến và những lo ngại trong đại dịch COVID-19

20-08-2021 13:54 | Y học 360
google news

SKĐS - Sống chung với bệnh vảy nến, bạn muốn biết COVID-19  có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và kế hoạch điều trị của bạn như thế nào.

Người bệnh vảy nến có mối lo ngại về nguy cơ nhiễm COVID-19.

COVID-19 có nguy hiểm hơn đối với người bệnh vảy nến không?

Đối với những người có tình trạng sức khỏe mạn tính như bệnh vảy nến, có mối lo ngại về nguy cơ nhiễm COVID-19 và các biến chứng trong hệ thống miễn dịch vốn đã mỏng manh. Những người bị bệnh vảy nến có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi, so với những người khác trong dân số nói chung. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy COVID-19 có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn đối với họ.

Một số nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh vảy nến có nhiều khả năng bị nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. 

Nguyên nhân một phần do những người mắc vảy nến cũng có nguy cơ mắc các bệnh đi kèm, chẳng hạn như béo phì và tăng huyết áp. Đây thường là các tình trạng có liên quan đến nhiễm COVID-19 nghiêm trọng.

Mặt khác, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng, các bệnh nhân đang sử dụng liệu pháp điều trị bằng thuốc sinh học (chất ức chế TNF) có nguy cơ thấp hơn so với những người sử dụng phương pháp điều trị tại chỗ cho bệnh vảy nến. Việc sử dụng các liệu pháp sinh học ức chế TNF cho thấy giảm 18% mắc COVID-19 và những người sử dụng chất ức chế TNF ít có khả năng mắc COVID-19 hơn 13% so với những người được điều trị vảy nến tại chỗ.

Sống chung với bệnh vảy nến an toàn trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Người bị bệnh vảy nến có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn do hệ miễn dịch suy yếu.

Các biến chứng của bệnh vảy nến và COVID-19

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người mắc các bệnh viêm nhiễm có thể tăng nguy cơ mắc các biến chứng COVID-19 khi có các bệnh lý đồng thời xảy ra như bệnh tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Các biến chứng của COVID-19 như suy hô hấp cấp tính, đông máu, suy tim có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai mắc bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao hơn.

Các tác giả cũng lưu ý rằng, mặc dù mức TNF cao hơn đã được tìm thấy ở những người có COVID-19, nhưng nhìn chung, họ tin rằng sự ức chế TNF có hiệu quả trong việc giảm tải lượng virus và các biến chứng liên quan của COVID-19.

Tuy nhiên, hiện nay không có đủ bằng chứng về cách COVID-19 ảnh hưởng đến những người bị bệnh vảy nến so với những người không mắc bệnh.

Điều trị bệnh vảy nến với dịch COVID-19

Những người bị bệnh vảy nến sẽ được sử dụng các liệu pháp điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch khác nhau, bao gồm metrotrexate, thuốc sinh học,… Dùng những loại thuốc này có thể ức chế một phần hệ thống miễn dịch của bạn, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng khi mắc COVID-19.

Hơn nữa, nghiên cứu gần đây nhất cho thấy những người bị bệnh vảy nến, bao gồm cả những người đang điều trị bằng thuốc sinh học, không có thêm nguy cơ mắc hoặc bị tổn hại nghiêm trọng bởi COVID-19 từ các phương pháp điều trị bệnh vảy nến của họ.

Các hướng dẫn hiện tại của Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến cáo, những người dùng thuốc ức chế miễn dịch tiếp tục dùng trừ khi họ có kết quả dương tính hoặc nếu họ có các triệu chứng của COVID-19.

Lưu ý, không bao giờ thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với kế hoạch điều trị mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Với điều kiện bạn chưa được chẩn đoán mắc COVID-19 và không có các triệu chứng, việc tuân thủ điều trị là một cách quan trọng để giữ sức khỏe. Đây cũng là cách tốt nhất để giữ cho bệnh vảy nến của bạn không bùng phát và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Người bệnh vảy nến có nên tiêm vaccine COVID-19?

Vaccine ngừa COVID-19 được khuyến cáo cho những người bị bệnh vảy nến. Vaccine và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tiêu chuẩn là cách tốt nhất để ngừa COVID-19.

Theo Hội đồng Bệnh vảy nến Quốc tế về COVID-19, "không có bằng chứng cho thấy vaccine ảnh hưởng đến sự khởi phát hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh vảy nến". Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về việc dùng vaccine hoặc lo lắng rằng bạn có thể bị các tác dụng phụ trên da do vaccine, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ có thể đưa ra lời khuyên chính xác dựa trên tình hình sức khỏe hiện tại của bạn.

Sống chung với bệnh vảy nến an toàn trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Các cuộc thăm khám với bác sĩ điều trị vảy nến vẫn nên được duy trì trong đại dịch COVID-19.

COVID-19 đã làm cho việc điều trị các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như bệnh vảy nến trở nên khó khăn hơn, nhưng dù vậy, bạn vẫn cần phải trao đổi với bác sĩ và tham gia các cuộc hẹn thường xuyên.

Ngay cả khi có đại dịch, bạn vẫn có thể đến khám định kỳ vì bác sĩ và nhân viên của họ đang làm mọi cách để giữ an toàn cho bạn khi bạn đến cơ sở khám chữa bệnh.

Các biện pháp phòng ngừa đang được thực hiện bao gồm hạn chế số lượng người ra vào phòng khám, yêu cầu đeo khẩu trang, đảm bảo giữ khoảng cách, tầm soát COVID-19, khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào và các khu vệ sinh cho nhân viên và bệnh nhân. Vì vậy, hãy yên tâm bạn được bảo vệ tối đa khi đến thăm khám.

Cách giữ an toàn trong đại dịch COVID-19

Để giảm thiểu rủi ro của bạn đối với COVID-19, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo: Ở nhà nhiều nhất có thể. Tránh đám đông và hạn chế tiếp xúc gần với những người khác khi ở nơi công cộng. Tránh chạm vào mặt, mũi và miệng khi ra ngoài. Tránh chạm vào các bề mặt người khác thường xuyên chạm vào chẳng hạn như tay nắm cửa và xe đẩy hàng khi ở nơi công cộng. Mang theo khăn lau khử trùng khi bạn cần chạm vào bề mặt. Đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người.

Xem thêm video đang được quan tâm:

10 khuyến cáo cho F0 và F1 không triệu chứng và không bệnh nền tại nhà


Thiên Châu
(Theo Health)
Ý kiến của bạn