Bệnh van tim có nguy hiểm không?

20-11-2019 16:41 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Van tim được ví như những cánh cửa đóng và mở nhịp nhàng theo từng nhịp co bóp của tim, cho phép máu chảy qua các buồng tim theo một chiều nhất định, từ đó máu được phân phối đến khắp các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều.

Vai trò của van tim

Quả tim của chúng ta có 4 buồng: 2 buồng tim ở phía trên và 2 buồng tim ở phía dưới. Các van tim kiểm soát hướng đi của dòng máu giữa 4 buồng tim. Các buồng tim ở phía trên gọi là tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái; các buồng tim ở phía dưới gọi là tâm thất phải và tâm thất trái. Các tâm nhĩ nhận máu từ các tĩnh mạch trở về tim và bơm máu xuống các tâm thất. Các tâm thất bơm máu ra khỏi tim vào các động mạch.

Bình thường tim có 4 van: van ba lá ở bên tim phải cho phép dòng máu chảy từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải; van hai lá ở bên tim trái kiểm soát dòng máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái; van động mạch phổi giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất phải lên động mạch phổi và từ đó máu được trao đổi ôxy ở phổi; van động mạch chủ giúp cho máu chỉ đi theo một chiều từ tâm thất trái lên động mạch chủ (là động mạch chính đưa máu từ tim đi nuôi cơ thể).

Các van tim giống như các cánh cửa chỉ mở một chiều. Ví dụ như van động mạch chủ và van động mạch phổi sẽ giúp cho dòng máu từ động mạch chủ và động mạch phổi không thể chảy ngược lại các buồng tâm thất tương ứng. Van ba lá và van hai lá được gắn với tâm thất bởi các cột cơ và dây chằng đặc biệt. Các cột cơ và dây chằng này kiểm soát sự hoạt động của van tim.

Các dạng bệnh van tim

Có 2 dạng thường gặp trong bệnh van tim, đó là bệnh hở van và hẹp van tim.

Hẹp van tim: Là khi lá van không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, làm hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để buộc máu qua chỗ hẹp.

Hở van tim: Là khi van không thể đóng kín, làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó. Hở van thường là do van bị co rút, thoái hóa hoặc giãn vòng van hay dây chằng van quá dài hoặc đứt dây chằng treo van tim. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược và xử lý khối lượng máu tồn dư cho lần co bơm tiếp theo.

Một số trường hợp có thể gặp phối hợp cả hẹp và hở van tim và bệnh của nhiều van tim trong cùng một bệnh nhân.

Cứ mỗi giờ trôi qua lại có hơn 300 lít máu được tim bơm đi nuôi cơ thể. Vì thế, bệnh van tim cho dù nhẹ hay nặng đều có thể ảnh hưởng tới chức năng bơm máu của tim, đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Hình ảnh van tim bình thường và van tim bị hẹp.

Hình ảnh van tim bình thường và van tim bị hẹp.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh van tim, trong đó có các nguyên nhân chính sau:

Van tim do khiếm khuyết bẩm sinh: Điều này có nghĩa là van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu.

Do bệnh cơ tim: Có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển như sốt do virut hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim và gây hở van.

Do nhồi máu cơ tim: Làm tổn thương dây chằng và các trụ cơ gây ra giãn hoặc đứt dây chằng hoặc trụ cơ gây ra hở van tim.

Do tuổi cao: Khi có tuổi, van trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua van.

Do bệnh thấp khớp do liên cầu khuẩn: Thường gặp ở trẻ nhỏ từ 5 - 15 tuổi. Tổn thương van tim do liên cầu khuẩn còn được gọi là bệnh thấp tim. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay hẹp khít lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây hẹp - hở van. Tuy nhiên, các triệu chứng của tổn thương van tim thường chỉ xuất hiện khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành. Sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều để điều trị viêm họng ở trẻ, có thể ngăn ngừa bệnh này.

Do sa van hai lá: Sa van hai lá xảy ra khi 2 lá van không đóng kín, các mép van không áp sát vào nhau mà một trong hai hoặc cả hai nằm giữa buồng tim trên (nhĩ trái) trong thời kỳ tâm thu.

Ngoài ra, bệnh lý van tim còn do một số bệnh khác như: bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị (bức xạ) cũng có thể gây hẹp, hở van tim.

Dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm

Tùy tình trạng bệnh mà có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác nhau, tùy loại biểu hiện bệnh như hẹp van, hở van hoặc kết hợp vừa hẹp vừa hở... Thông thường, người ta chia ra làm 4 mức độ dựa vào diện tích mở van đo được gồm: nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng.  Đối với hở van siêu âm cũng chia làm 4 mức độ: hở 1/4 (nhẹ), 2/4 (trung bình), 3/4 (nặng), 4/4 (rất nặng).

Bệnh van tim trở nên nguy hiểm khi tình trạng hẹp, hở van tim tiến triển nặng hơn và gây rối loạn chức năng bơm máu của tim. Hậu quả của bệnh van tim là rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ não nếu không được điều trị tốt.

Bệnh van tim nặng, khi đó người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

Khó thở: Người bệnh có thể cảm nhận được điều này khi hoạt động gắng sức hoặc khi nằm đầu thấp.

Mệt mỏi, choáng ngất: Người bệnh có thể bị mệt mỏi ngay cả khi làm các công việc hàng ngày. Chóng mặt, choáng ngất có thể xảy ra khi tiến triển của bệnh nặng lên.

Đánh trống ngực: Hồi hộp kèm theo cảm giác lo lắng có thể xảy ra. Khi đó, tim bất chợt đập nhanh hơn bình thường, cũng có khi nó bỏ qua một vài nhịp.

Đau thắt ngực (đau tim): Thường gặp khi bị hẹp van động mạch chủ bởi vì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu từ trái tim đi nuôi cơ thể.

Người bệnh bị phù mắt cá chân hoặc bàn chân.

Có cần phẫu thuật?

Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực), mức độ ảnh hưởng của van đến chức năng co bóp của tim, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Phẫu thuật thường được áp dụng với các trường hợp van tim cần thay thế. Nếu van tim của bệnh nhân bị tổn thương quá nhiều không thể sửa được nữa thì cần phải cắt đi và thay thế bằng van tim nhân tạo. Các van nhân tạo được chia ra thành 2 nhóm: van sinh học và van cơ học (được làm bằng kim loại, hay các chất tổng hợp khác...). Can thiệp qua da được áp dụng với các trường hợp hẹp van tim hoặc khuyết tật van tim bẩm sinh. Thay van tim qua da (không mổ) là một kỹ thuật hiện đại nhưng chi phí còn cao.


BS. Trần Phước Hòa
Ý kiến của bạn