Bệnh u não và thai nghén

29-06-2021 19:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Điều trị u não ở phụ nữ đang mang thai là một thách thức lớn bởi sự phối hợp nhiều yếu tố bao gồm khó khăn trong sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán xác định, những thay đổi trong sinh lý của người mẹ, nguy cơ nhiễm độc cho thai cũng như khả năng sống của thai cũng như sự đan xen của các phương pháp điều trị.

Bernard là người đầu tiên công bố trường hợp u não trên một phụ nữ đang mang thai vào năm 1898. Từ đó đến nay, chủ đề u não ở phụ nữ mang thai vẫn luôn một vấn đề phức tạp với y khoa.

Việc chẩn đoán u não luôn là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của bệnh nhân cũng như gia đình họ. Quá trình điều trị thường phức tạp, kéo dài và luôn cần sự phối hợp đa chuyên khoa. Nguy cơ với mẹ cũng như thai luôn có thể xảy ra trong quá trình tiến hành chẩn đoán bởi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, cũng như những can thiệp khác như điều trị thuốc, phẫu thuật và điều trị bổ trợ bằng hóa chất hoặc tia xạ.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh ung thư Quốc gia Hoa Kỳ công bố năm 2012, u não (bao gồm cả u lành tính và u ác tính) là căn bệnh không gặp nhiều, nếu so sánh với ung thư phổi hoặc ung thư vú ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc mới hàng năm từ 2-3,2 trường hợp/100.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ này đã loại u não ra ngoài top 10 bệnh ung thư thường gặp. Tuy nhiên, với tỷ lệ tử vong từ 0,5-1,1/100.000 trường hợp đã đưa u não đứng hàng thứ 9 trong số những nguyên nhân gây tử vong có liên quan đến ung thư ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ.

Các nghiên cứu đều cho thấy, tỷ lệ mắc các loại u não khác nhau không thay đổi bởi sự mang thai của mẹ. Mặt khác, tỷ lệ phát hiện u não ở phụ nữ có thai có vẻ như cao hơn so với phụ nữ cùng độ tuổi trong không mang bầu. Nguyên nhân, tuy còn đang tranh cãi, được cho rằng đó là do sự tăng cao của nồng độ steroid nội sinh trong huyết thanh trong thời gian mang thai.

Khối u nội sọ thường gây ra những triệu chứng không đặc hiệu như đau đầu, buồn nôn hoặc nôn, số ít có thể làm xuất hiện các triệu chứng thần kinh như thay đổi thị giác, liệt nửa người hoặc co giật. Những triệu chứng này thường nhầm lẫn với những dấu hiệu mang thai của phụ nữ. Do đó, các khuyến cáo được đưa ra cho rằng, nếu một phụ nữ đang mang thai xuất hiện những dấu hiệu nêu trên, cần phải được thăm khám bởi các bác sỹ nội thần kinh và sản khoa để xác định nguyên nhân.

Đau đầu là triệu chứng phổ biến nhất, gặp ở 36% - 90% các trường hợp. Tuy nhiên, đó cũng là triệu chứng gây khó khăn nhất cho các bác sỹ liệu có cần tiếp tục các phương pháp chẩn đoán khác hay không. Vì đau đầu là một triệu chứng phổ biến ở hầu hết các phụ nữ, cho dù họ có đang mang bầu hay không. Tuy nhiên, nếu một phụ nữ mang thai có hiện tượng đau đầu xuất hiện từ từ tăng dần, đau đầu kéo dài, hoặc thường xuất hiện vào buổi sáng, hoặc đau tăng lên khi có các động tác như ho, gắng sức thì cần phải tiến hành các biện pháp thăm khám chuyên sâu hơn.

Chẩn đoán xác định u não

Để chẩn đoán xác định u não, chụp cộng hưởng từ hoặc cắt lớp vi tính sọ não là cần thiết. Trong thời gian mang thai, chụp cộng hưởng từ là phương pháp chẩn đoán được ưu tiên sử dụng bởi độ nhạy cao và nguy cơ phóng xạ thấp. Chụp cộng hưởng từ không tiêm thuốc đối quang từ được chứng minh là an toàn cho cả mẹ và thai. Chụp cắt lớp vi tính cũng là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán xác định u não. Phương pháp này nhanh, ít tốn kém nhưng độ nhạy kém và nguy cơ phóng xạ cao.

Mặc dù có những nghiên cứu cho thấy, chụp cắt lớp vi tính với áo phủ bảo vệ bụng cho thai có tính an toàn cao. Nhưng phương pháp này vẫn không được khuyến cáo, trừ trường hợp, bà mẹ có những chống chỉ định nhất định với chụp cộng hưởng từ.

Thuốc cản quang được sử dụng trong chụp cắt lớp vi tính sọ não có thể gây ra hiện tượng suy thận hoặc dị ứng cho bà mẹ. Một vài nghiên cứu cho rằng, không có sự liên quan trực tiếp giữa thuốc cản quang với sự xuất hiện các dị tật của thai. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu đã chứng minh được sự liên quan của hiện tượng suy giáp do thuốc cản quang gây ra. Do đó, những trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với thuốc cản quang cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp trong tuần đầu sau khi ra đời.

Thuốc đối quang từ dùng trong chụp cộng hưởng từ ít có tác dụng phụ hơn so với thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính. Thuốc này có thể đi qua rau thai nhưng không được chứng minh là gây ra dị tật. Do đó, chụp cộng hưởng từ không tiêm thuốc là phương pháp được khuyến cáo sử dụng đối với phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, trong mọi tình huống, dù sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào, cũng đều tồn tại những nguy cơ nhất định, đặc biệt là với bào thai.

Ảnh minh hoạ.

Điều trị phức tạp kéo dài

Điều trị u não là một quá trình phức tạp và kéo dài, kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa. Không có phương pháp đơn lẻ nào có hiệu quả. Và các nguy cơ của việc sử dụng các phương pháp này luôn phải được cân nhắc giữa lợi ích – nguy cơ, cho cả mẹ và thai. Trong đa số các trường hợp, phương pháp điều trị chính đó là điều trị cho mẹ với những cách thức được sử dụng với phụ nữ không mang thai, tuy nhiên có sự điều chỉnh để giảm tối đa nguy hiểm cho con. Phương án tối ưu cho mẹ luôn là giải pháp tốt nhất cho thai nhi.

Điều trị nội khoa vẫn ưu tiên sử dụng steroid. Thuốc này có tác dụng giảm triệu chứng phù xung quanh khối u, đồng thời làm thức đẩy sự hình thành surfactant trên bề mặt phổi thai nhi, do đó sẽ làm tăng sự an toàn cho cả mẹ và con trong trường hợp cần sinh sớm. Tuy nhiên, thuốc này cũng có thể làm ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của thai nhi. Steroid được sử dụng trong trường hợp trì hoãn phẫu thuật cho đến khi thai đủ lớn để sinh và cũng được dùng để điều trị triệu chứng gây ra bởi khối u.Thuốc chống động kinh cũng thường được dùng cho bệnh nhân u não, tuy nhiên, vấn đề này còn gây nhiều tranh cãi hơn so với sử dụng steroid.

Hóa trị cũng cần được trì hoãn càng lâu càng tốt, bởi những nguy cơ lớn cho thai. Tuy nhiên, một số thuốc điều trị u tuyến yên có vẻ an toàn cho bà mẹ mang thai và được sử dụng để trì hoãn phẫu thuật. Với trường hợp u tuyến yên tăng tiết prolactin, bromoriptine và kháng dopamin thường được sử dụng. Với trường hợp bà mẹ bị acromegaly, octreotide được khuyến cáo sử dụng. Sử dụng hóa chất tại chỗ như giấy tẩm carmustine được báo cáo an toàn với bà mẹ phải phẫu thuật u não glioma. Tuy nhiên, các thuốc khác như Temozolomide hay Bevacizumab không được chỉ định sử dụng đối với phụ nữ có thai.

Xạ trị có nguy cơ làm tăng dị tật bẩm sinh, đặc biệt trong 3 tháng đầu, và giảm dần ở 3 tháng sau và 3 tháng cuối. Hạn chế liều, sử dụng áo bảo hộ vùng bụng, thay đổi tư thế bệnh nhân trong quá trình xạ là những phương pháp được thực hiện nhằm hạn chế hấp thu liều cho thai nhi và ngăn ngừa những tác dụng phụ không mong muốn. Các phương pháp như Gamma Knife, Cyber Knife cũng được đề cập đến.

Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất, đặc biệt khi khối u to, dấu hiệu chèn ép rõ ràng. Trong một số trường hợp, gây tê tại chỗ để tiến hành sinh thiết u cũng được áp dụng. Việc theo dõi thai nhi trong quá trình phẫu thuật hoặc sinh thiết là bắt buộc. Tư thế bệnh nhân cũng cần phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

Thời gian can thiệp phụ thuộc vào thời điểm mang thai của mẹ. Nếu trong 3 tháng đầu, các nghiên cứu đều khuyên nên đình chỉ thai nghén, bởi bất kỳ biện pháp can thiệp nào như phẫu thuật, xạ trị hay hóa chất đều có nguy cơ hỏng thai, ngược lại, nếu trì hoãn điều trị, sẽ nguy hiểm cho mẹ. Với những bà mẹ mang thai ở 3 tháng cuối, có thể trì hoãn điều trị đến sau khi sinh hoặc chủ động mổ lấy thai ngay khi có thể.

Một câu hỏi cũng được đặt ra là nên sinh thường hay mổ đẻ. Các tác giả đều ủng hộ mổ lấy thai dưới gây mê nội khí quản. Bởi phương pháp này tránh được sự gia tăng áp lực nội sọ do sinh thường, đồng thời tránh những nguy cơ xuất hiện các biến chứng thần kinh nguy hiểm gây ra do tiêm giảm đau tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Như những phụ nữ không mang thai cùng độ tuổi, glioma và u màng não là hai dạng u thường gặp nhất ở phụ nữ đang mang thai. Glioma là loại u phát triển từ các tế bào nhu mô não, chúng thường phát triển chậm. Các nghiên cứu đều cho thấy, glioma thường xuất hiện hoặc tái phát trong 6 tháng đầu, nguyên nhân của lý do này chưa được làm sáng tỏ.

Các khối u glioma bậc thấp (astrocytoma hay oligodendroglioma) thường phát triển chậm, âm thầm. Trong trường hợp này, các thuốc steroid được dùng như một biện pháp tạm thời nhằm giảm tình trạng phù não, thuốc chống động kinh chỉ được sử dụng khi có bằng chứng rõ ràng. Phẫu thuật được chỉ định sau khi sinh, nếu có thể trì hoãn. Xạ trị là phương pháp điều trị bổ trợ trong trường hợp giải phẫu bệnh là astrocytoma, còn hóa trị được áp dụng nếu kết quả tế bào của khối u là oligodendroglioma. Tuy nhiên, hai phương pháp này chỉ được áp dụng sau khi sinh. Trong quá trình mang bầu, sự phù não có thể gia tăng do hiện tượng giữ nước nên có thể làm các triều chứng trở nên trầm trọng hơn. Do đó, phẫu thuật được chỉ định nếu khối u lớn, gây hiệu ứng chèn ép hoặc xuất hiện cơn động kinh.

Các khối u glioma bậc cao (anaplastic astrocytoma và glioblastoma multiforme) thường ác tính. Chúng thường gây phù não rộng và các triệu chứng thần kinh tiến triển nhanh. Tiên lượng trong trường hợp này thường nặng. Do vậy, không nên trì hoãn phẫu thuật trong trường hợp này. Nếu thai đủ điều kiện thì nên mổ lấy thai và tiến hành phẫu thuật lấy u. Ngược lại, nên mổ lấy u trước, và sử dụng các miếng giấy tẩm carmustine đặt tại vị trí lấy u. Hóa chất toàn thân hay xạ trị chỉ được chỉ định sau khi sinh.

Tóm lại, điều trị u não ở phụ nữ đang mang thai là một thách thức lớn bỏi sự phối hợp nhiều yếu tố bao gồm khó khăn trong sử dụng phương pháp chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán xác định, những thay đổi trong sinh lý của người mẹ, nguy cơ nhiễm độc cho thai cũng như khả năng sống của thai cũng như sự đan xen của các phương pháp điều trị. Nhìn chung, chỉ định điều trị được đặt ra khi khối u gây triệu chứng, có khả năng ảnh hưởng đến mẹ và con. Điều trị như thế nào chỉ được xem xét trong từng ca bệnh cụ thể.

ThS.BS Dương Trung Kiên
Ý kiến của bạn