Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin - Những điều cần biết

11-01-2010 14:49 | Tin nóng y tế
google news

Hiện nay, hai vũ khí chính để điều trị u lympho ác tính không Hodgkin là hóa trị liệu (điều trị hóa chất) và xạ trị (điều trị tia xạ).

 Chọc tủy làm xét nghiệm
Điều trị

Bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị trên từng bệnh nhân cụ thể. Nói chung, điều trị u lympho ác tính không Hodgkin dựa vào giai đoạn bệnh, loại tế bào bị bệnh, thể bệnh phát triển chậm hay nhanh, tuổi và sức khỏe chung của bệnh nhân.

Hiện nay, hai vũ khí chính để điều trị u lympho ác tính không Hodgkin là hóa trị liệu (điều trị hóa chất) và xạ trị (điều trị tia xạ). Ngoài ra điều trị sinh học có thể được áp dụng. Một số trường hợp với điều kiện cho phép có thể ghép tủy. Một số ít trường hợp có thể cần phẫu thuật.

Điều trị hóa chất: là phương pháp sử dụng các thuốc đưa vào cơ thể nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Điều trị hóa chất trong u lympho ác tính không Hodgkin thường phối hợp nhiều loại thuốc. Bệnh nhân có thể được điều trị hóa chất đơn thuần hoặc phối hợp với tia xạ tùy từng trường hợp cụ thể.

Khi điều trị hóa chất, thuốc được cho theo từng đợt. Mỗi đợt điều trị gồm một số ngày dùng thuốc hóa chất, sau đó là thời gian nghỉ để cơ thể hồi phục. Đợt tiếp theo sẽ lặp lại với các ngày dùng thuốc và ngày nghỉ như vậy. Hầu hết các thuốc chống ung thư được đóng trong lọ hoặc ống. Khi dùng, người ta pha thuốc với các dung dịch tiêm truyền và đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Một số thuốc được bào chế dạng viên để dùng đường uống. Cách điều trị hóa chất như vậy gọi là điều trị toàn thân hay điều trị hệ thống, thuốc sẽ theo dòng máu đi khắp cơ thể. Khi điều trị hóa chất, bệnh nhân thường ở ngoại trú. Bệnh nhân có thể nghỉ ở nhà, chỉ đến bệnh viện khi làm xét nghiệm, bác sĩ khám lại và đánh giá điều trị và lúc dùng thuốc dạng tiêm truyền. Một số trường hợp, tùy theo loại thuốc và phác đồ hóa chất, tùy theo sức khỏe chung, có thể bệnh nhân phải lưu lại trong bệnh viện thêm một vài ngày.

Điều trị tia: Là phương pháp sử dụng các tia có năng lượng cao để diệt tế bào ung thư. Các tia được ứng dụng cho điều trị ung thư có thể là tia X, các tia phóng xạ. Với u lympho ác tính không Hodgkin, điều trị tia xạ là từ bên ngoài. Tia có năng lượng cao được phát ra từ một máy chiếu trực tiếp lên khu vực bị bệnh. Đây là điều trị tại chỗ, tác dụng lên hạch, u ở vùng được chiếu. Gần đây ở Việt Nam đã có tia xạ bằng máy gia tốc là công nghệ cao, tăng hiệu quả của điều trị lên đáng kể. Bệnh nhân có thế được điều trị tia xạ đơn thuần hoặc kết hợp với điều trị hóa chất tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Đôi khi, có một số trường hợp cần phải điều trị dự phòng vào thần kinh trung ương để diệt các tế bào không thể phát hiện được có thể đã có ở khu vực này. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc hóa chất vào dịch não tủy hoặc tia xạ hệ thần kinh trung ương, hoặc cả hai phương pháp.

Ghép tủy, ghép tế bào gốc: Là một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin tái phát (bệnh quay trở lại). Cả ghép tủy và ghép tế bào gốc ngoại vi hoặc ở dây rốn (nhau thai) là các tế bào rất non, có thể sản sinh ra các tế bào máu.

Quá trình ghép sẽ thay thế các tế bào máu bị tổn hại hoặc bị tiêu diệt sau khi điều trị hóa chất liều cao hoặc tia xạ toàn thân. Tủy xương, tế bào gốc có thể lấy từ chính bệnh nhân hoặc từ người khác, được ghép cho bệnh nhân

Điều trị sinh học: Là phương pháp sử dụng hệ miễn dịch của cơ thể để diệt tế bào ung thư hoặc làm giảm các tác dụng phụ của điều trị. Người ta dùng các chất do cơ thể sinh ra hoặc được bào chế để trực tiếp chống u hoặc kích thích, tăng cường hoặc làm hồi phục hệ miễn dịch tự nhiên của bệnh nhân để chống lại bệnh.

Phẫu thuật: Với u lympho ác tính không Hodgkin, phẫu thuật chủ yếu để lấy hạch chẩn đoán và thường là phẫu thuật nhỏ (tiểu phẫu). Chỉ một số ít trường hợp có u, hạch ở vị trí đặc biệt (ống tiêu hóa), phẫu thuật mới đóng vai trò điều trị.

Chuẩn bị cho điều trị: Khi được chẩn đoán ung thư, bệnh nhân thường bị căng thẳng, lo lắng. Các trạng thái tinh thần như vậy làm cho bệnh nhân khó có thể nghĩ được mọi điều mà họ cần hỏi bác sĩ. Thường bệnh nhân nên viết sẵn ra một danh sách các câu hỏi và khi hỏi nên ghi lại những điều bác sĩ trả lời và dặn dò. Bệnh nhân không cần phải hỏi hết các câu hỏi và nhớ hết các giải đáp trong một lần mà có thể hỏi vào các dịp khác để có thêm thông tin.

Chương trình mục tiêu quốc gia  - Phòng chống ung thư - Ban điều hành chương trình PCUT - Viện NC PCUT - Bệnh viện K - 43 Quán Sứ, Hà Nội - ĐT: 043.9344138


Ý kiến của bạn