Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin có dễ phát hiện?

20-07-2012 13:12 | Phòng mạch online
google news

U lympho ác tính không Hodgkin là một trong những loại ung thư có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây,

(SKDS) - U lympho ác tính không Hodgkin là một trong những loại ung thư có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt bệnh có thể thứ phát sau khi nhiễm virus HIV. Ở nước ta, ước tính mỗi năm có khoảng 2.300 trường hợp mới mắc với đủ mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ.
 
Nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp từ đầu thì khả năng chữa khỏi rất cao hoặc thời gian bệnh ổn định cũng kéo dài trong nhiều năm. Các phương pháp điều trị u lympho ác tính không Hodgkin mỗi ngày một hiện đại, các thuốc điều trị mới cũng không ngừng được nghiên cứu để điều trị bệnh có hiệu quả hơn.

U lympho ác tính không Hodgkin là gì?

U lympho ác là cụm từ chung để chỉ các ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết. Hệ bạch huyết là một phần của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, đặc biệt là chống các nhiễm khuẩn từ ngoài cơ thể.

Hệ bạch huyết là một mạng lưới gồm các ống chia nhánh giống như các mạch máu, tỏa khắp cơ thể, gọi là bạch mạch. Bạch mạch có chất dịch gần như trong suốt gọi là dịch bạch huyết lưu thông ở trong và mang các tế bào lympho là các tế bào có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể. Dọc trên đường đi của hệ bạch huyết có các cơ quan nhỏ hình hạt đậu gọi là hạch bạch huyết. Các hạch này tập trung thành đám ở nách, bẹn, cổ, trong ngực và ổ bụng. Những cơ quan khác của hệ bạch huyết gồm lá lách, tuyến ức, amiđan và tủy xương. Các mô bạch huyết cũng nằm ở một số nơi trong cơ thể như dạ dày, ruột và da.

 Virus Epstein có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin.

Trong bệnh u lympho ác tính không Hodgkin, các tế bào trong hệ bạch huyết trở nên bất thường. Chúng phân chia, phát triển không theo thứ tự, không được kiểm soát hoặc các tế bào già cỗi không chết đi như là các tế bào lành.

Do hệ bạch huyết có mặt ở khắp cơ thể, u lympho ác tính không Hodgkin có thể khởi phát ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở một hạch, một nhóm hạch hoặc bất kỳ cơ quan nào. Loại ung thư này có thể lan tràn đến mọi bộ phận của cơ thể trong đó có gan, tủy xương và lách.

Đối tượng nào dễ mắc bệnh?

Trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc u lympho ác tính không Hodgkin đã tăng lên đáng kể. Cho đến nay, người ta biết rất ít về lý do tỷ lệ mắc tăng lên và về nguyên nhân chính xác của u lympho ác tính không Hodgkin. Khó có thể giải thích tại sao người này mắc bệnh mà người khác không mắc. Nhưng có một điều rõ ràng là loại ung thư này không lây và cũng không do chấn thương.

Bằng nghiên cứu ung thư trên một quần thể lớn, các nhà nghiên cứu đã tìm được một số yếu tố nguy cơ nhất định thường thấy ở bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin hơn ở người không bị bệnh này. Tuy vậy, cũng có những người có các yếu tố nguy cơ này mà không mắc bệnh và cũng có những người bị bệnh mà không có một yếu tố nguy cơ nào.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ liên quan tới u lympho ác tính không Hodgkin:

Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: U lympho ác tính không Hodgkin hay gặp hơn ở người suy giảm miễn dịch, các bệnh tự miễn, người nhiễm HIV/AIDS và người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.

Virut: Các virus T-lymphotropic trên người loại l (HTLV-1) và virus Epstein-Barr có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin.

Môi trường: Những người làm việc trong môi trường có nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu, phân bón, các loại dung môi có nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin cao hơn.

Những người quan tâm đến u lympho ác tính không Hodgkin nên trao đổi với bác sĩ về bệnh tật, về triệu chứng để đề phòng và lịch thích hợp để kiểm tra bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào tuổi, quá trình bệnh và các yếu tố khác để đưa ra lời khuyên thích hợp cho từng người.

U lympho ác tính không Hodgkin có biểu hiện gì?

Triệu chứng hay gặp của u lympho ác tính không Hodgkin là hạch to, không đau (ở cổ, nách, bẹn...). Các biểu hiện khác có thể bao gồm: sốt không tìm được nguyên nhân; ra mồ hôi về đêm; mệt mỏi thường xuyên; sút cân; ngứa; các mảng ửng đỏ trên da.

Thỉnh thoảng có trường hợp buồn nôn, nôn, đau bụng. Khi u lympho ác tính không Hodgkin tiến triển, khả năng chống nhiễm khuẩn của cơ thể giảm.

Tuy vậy, các triệu chứng nói trên không phải là biểu hiện chắc chắn của u lympho ác tính không Hodgkin. Các triệu chứng này cũng có thể do các bệnh không nghiêm trọng khác như cúm hoặc do các nhiễm khuẩn. Khi có các triệu chứng này nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế và tốt nhất là các bệnh viện chuyên về ung bướu để chẩn đoán và điều trị sớm. Bất kỳ bệnh nào, dù cúm hay ung thư, điều trị sớm đều tốt hơn để muộn.

Xin lưu ý, không nên để đến khi cảm thấy đau mới đi khám. U lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn sớm không gây đau.

Làm thế nào xác định bệnh?

Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi về thời gian xuất hiện và diễn biến của các triệu chứng, đôi khi hỏi thêm về các bệnh đã mắc trước đây. Sau đó, bác sĩ sẽ khám toàn bộ, kiểm tra các hạch ở đầu, cổ, nách, bẹn và một số nơi khác, nếu nghi ngờ có thể sẽ cho làm các xét nghiệm sau:

Tế bào học:Lấy tế bào từ hạch hoặc u hoặc dịch tiết trong các hốc, khoang tự nhiên có liên quan đến u, phết dịch lấy được lên phiến kính, nhuộm và soi dưới kính hiển vi để sơ bộ xác định xem hạch hoặc u là lành tính hay ác tính.

 Hạch sưng vùng cổ trong bệnh u lympho ác tính không Hodgkin.

Sinh thiết: Là lấy ra nguyên một vài hạch nghi ngờ bằng một phẫu thuật nhỏ. Đối với các trường hợp không có hạch ở bên ngoài, hạch hoặc u nằm sâu trong ổ bụng hoặc tạng khác, phẫu thuật lấy hạch hoặc u để chẩn đoán cũng cần được tiến hành.

Việc chẩn đoán mô bệnh học qua soi kính hiển vi giúp phân định hạch (hoặc u) lành hay ác tính, loại ung thư và nếu là u lympho ác tính không Hodgkin thì là thể gì của bệnh.

Khi bệnh đã được xác định, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn bệnh (mức độ lan rộng của bệnh). Giai đoạn bệnh cho biết bệnh lan tới đâu. Bác sĩ sẽ kiểm tra một cách chi tiết:

- Số vị trí u và hạch bị bệnh.

- Các xét nghiệm máu.

- Chụp Xquang.

- Siêu âm.

- Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ (trong một số trường hợp cần).

- Xét nghiệm tủy xương (tủy đồ) hoặc sinh thiết tủy: Lấy một ít tủy xương (ở xương chậu hoặc xương ức) để làm xét nghiệm.

       (Còn nữa)

Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia


Ý kiến của bạn