Bệnh u lympho ác tính không Hodgkin

13-01-2010 10:31 | Tin nóng y tế
google news

Ăn uống tốt trong thời gian điều trị sẽ giúp có đủ năng lượng và đạm cần thiết ngăn ngừa hiện tượng sút cân và hồi phục sức khỏe.

Dinh dưỡng trong thời gian điều trị

Ăn uống tốt trong thời gian điều trị sẽ giúp có đủ năng lượng và đạm cần thiết ngăn ngừa hiện tượng sút cân và hồi phục sức khỏe. Khi dinh dưỡng tốt thì bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh và dễ chịu hơn, có sức lực hơn.

Nhiều bệnh nhân ung thư khó có thể đảm bảo được ăn uống tốt và cân bằng với đầy đủ các chất do ăn không ngon miệng. Thêm vào đó, các tác dụng phụ của điều trị như buồn nôn, nôn, đau miệng cũng làm ăn uống kém đi. Thông thường bệnh nhân có cảm giác mùi vị của thức ăn thay đổi. Do tâm lý, bệnh nhân đang điều trị ung thư cũng không thể ăn ngon miệng khi họ mệt mỏi, cơ thể không thoải mái.

Các nghiên cứu cho thấy nếu bệnh nhân ăn uống tốt sẽ chịu đựng được các tác dụng phụ của điều trị tốt hơn và có các chất để giúp hồi phục da, tóc, cơ và các cơ quan bị tổn hại trong điều trị.

Nhiều bệnh nhân thấy ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày thì dễ ăn hơn ăn 3 bữa lớn mỗi ngày. Bệnh nhân và gia đình có thể hỏi thêm bác sĩ, y tá để có các lời khuyên về cách ăn uống đủ chất trong thời gian điều trị.

 Virus T-lymphotropic làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính.

Lui bệnh và tiên lượng

Bất kỳ ai khi mắc ung thư đều lo đến tương lai ra sao. Hiểu về bản chất của bệnh và diễn biến tiếp theo ra sao sẽ giúp bệnh nhân và những người thân lập các kế hoạch, thay đổi cách sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và có các quyết định hợp lý về tiền bạc, tài sản.

Tiên lượng cho bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khoảng trên 50% số người bệnh này là có tiên lượng tốt, có khả năng chữa khỏi bệnh. Bác sĩ điều trị là người nắm rõ tình trạng bệnh của bệnh nhân, có thể giúp bệnh nhân và gia đình hiểu về cách thức và khả năng điều trị cũng như thảo luận với bệnh nhân về tiên lượng

Mặc dù nhiều bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin được điều trị thành công, bác sĩ thường dùng từ "lui bệnh" hơn là "khỏi bệnh" bởi vì ung thư có thể quay trở lại (tức bệnh tái phát). Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về khả năng tái phát.

Giúp đỡ người bệnh

Sống chung với một căn bệnh trầm trọng không đơn giản. Những người bị ung thư và những người chăm sóc bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nhiều vấn đề và thử thách. Bạn bè và họ hàng là những người có thể giúp đỡ nhiều, nhất là về tinh thần. Việc bệnh nhân trao đổi, nói chuyện với những bệnh nhân ung thư khác cũng rất hữu ích. Bệnh nhân ung thư thường hợp với nhau thành các nhóm để họ có thể chia sẻ những gì họ học được và kinh nghiệm của bản thân khi đương đầu với bệnh tật và các tác dụng của điều trị. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ mỗi người một khác. Các phương pháp điều trị, các cách giải quyết bệnh tật có tác dụng đối với người này nhưng lại không hiệu quả ở người khác. Các bác sĩ, y tá có thể trả lời các câu hỏi về điều trị, làm việc hoặc các hoạt động khác. Các nhà tâm lý, những người hoạt động xã hội có thể giúp ích cho những người muốn nói về những cảm xúc và thảo luận về những lo lắng của họ.

Theo dõi

         Những người mắc u lympho ác tính không Hodgkin nên đi khám, theo dõi định kỳ sau khi điều trị 3-6 tháng 1 lần. Theo dõi là một phần quan trọng của toàn bộ việc điều trị nhằm phát hiện bất kỳ thay đổi về sức khỏe, ung thư mới hoặc bệnh cũ tái phát để điều trị càng sớm càng tốt. Giữa các lần hẹn khám định kỳ, bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin nên báo cho thầy thuốc chuyên khoa hoặc đi khám ngay khi có các bất thường về sức khỏe.

Các yếu tố nguy cơ mắc u lumpho ác tính không Hodgkin

Trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc u lympho ác tính không Hodgkin đã tăng lên đáng kể. Cho đến nay, người ta biết rất ít về lý do tỷ lệ mắc tăng lên và về nguyên nhân chính xác của u lympho ác tính không Hodgkin. Khó có thể giải thích tại sao người này mắc bệnh mà người khác không mắc. Nhưng có một điều rõ ràng là loại ung thư này không lây và cũng không do chấn thương.

Bằng nghiên cứu ung thư trên một quần thể lớn, các nhà nghiên cứu đã tìm được một số yếu tố nguy cơ nhất định thường thấy ở bệnh nhân u lympho ác tính không Hodgkin hơn ở người không bị bệnh này. Tuy vậy, cũng có những người có các yếu tố nguy cơ này mà không mắc bệnh và cũng có những người bị bệnh mà không có một yếu tố nguy cơ nào.

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ liên quan tới u lympho ác tính không Hodgkin:

- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu: U lympho ác tính không Hodgkin hay gặp hơn ở người suy giảm miễn dịch, các bệnh tự miễn, những người nhiễm HIV/AIDS và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.

- Virut: Các virus T-lymphotropic trên người loại l (HTLV-1) và virus Epstein-Barr có thể làm tăng nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin.

- Môi trường: Những người làm việc trong môi trường có nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu, phân bón, các loại dung môi có nguy cơ bị u lympho ác tính không Hodgkin cao hơn.

Những người quan tâm đến u lympho ác tính không Hodgkin nên trao đổi với bác sĩ về bệnh tật, về các triệu chứng để đề phòng và lịch thích hợp để kiểm tra bệnh. Bác sĩ sẽ dựa vào tuổi, quá trình bệnh và các yếu tố khác để đưa ra lời khuyên thích hợp cho từng người.

Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống ung thư - Ban điều hành chương trình PCUT - Viện NC PCUT - Bệnh viện K - 43 Quán Sứ, Hà Nội - ĐT: 043.9344138


Ý kiến của bạn