Chúng xuất phát từ những điểm yếu tự nhiên của thành đại tràng. Khi các túi thừa này bị viêm nhiễm gây ra bệnh lý viêm túi thừa. Triệu chứng của bệnh không rõ ràng, nhưng nếu thấy có những dấu hiệu nghi ngờ, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Túi thừa là gì?
Túi thừa đại tràng là một cấu trúc hình túi bất thường nhô ra khỏi thành của đại tràng. Dựa vào cấu trúc, người ta chia túi thừa ra làm 2 loại: túi thừa thật khi thành của túi có đầy đủ các lớp của thành ruột; túi thừa giả khi không có đầy đủ các lớp của thành ruột. Dựa vào số lượng, người ta còn chia ra túi thừa đơn độc (có 1 hoặc 2 túi thừa) và đa túi thừa (trên 3 cái). Túi thừa đại tràng là hiện tượng di trú tuyến chế nhầy vào trong thành đường tiêu hóa (lớp cơ trơn) dẫn tới hình thành các túi chứa nhầy nhỏ trong thành ống tiêu hóa. Có thể gặp ở bất cứ vị trí nào, tuy nhiên thường gặp hơn ở đại tràng, đặc biệt là đại tràng sigma hoặc manh tràng. Bệnh túi thừa đại tràng được định nghĩa là có một hoặc nhiều túi thừa, không có biểu hiện viêm ở thành đại tràng.
Chế độ ăn ít chất xơ nguy cơ cao
Bệnh sinh của túi thừa chưa được biết rõ, giả thuyết được công nhận nhiều nhất đó là sự gia tăng áp lực trong lòng đại tràng kết hợp với sự khiếm khuyết thành ruột tại vị trí mạch máu xuyên qua khiến niêm mạc bị thoát vị qua đó tạo túi thừa. Tuy nhiên, thuyết này chỉ đúng đối với túi thừa giả. Do đó, đến nay người ta vẫn tin rằng, túi thừa thật là do bẩm sinh. Chính vì vậy, ta gặp túi thừa giả thường xuất hiện dưới dạng đa túi thừa và ở bên phần đại tràng thường có áp lực cao là đại tràng sigma. Điều này cũng lý giải vì sao bệnh lý này phổ biến ở các nước phương Tây do thói quen ăn uống ít chất xơ mà ít gặp hơn ở các nước phương Đông.
Túi thừa ở bên phải đại tràng ít gặp hơn, thường là túi thừa thật và đơn độc. Khi bị viêm sẽ có triệu chứng gần giống viêm ruột thừa. Và vì hiếm gặp nên ít khi được chẩn đoán đúng trước mổ mà thường là chẩn đoán nhầm là viêm ruột thừa.
Dấu hiệu nhận biết
Bệnh túi thừa đại tràng hay gặp ở người lớn tuổi nhưng những trường hợp xảy ra ở tuổi 30 trở lên cũng không phải là hiếm. Khi các túi thừa bắt đầu hình thành, thường rất ít triệu chứng, ngoại trừ thỉnh thoảng có những cơn co thắt ở vùng hố chậu trái. Những trường hợp có triệu chứng hay gặp là tình trạng đau bụng, thường ở vùng bụng dưới bên trái, kèm theo cảm giác trướng bụng đầy hơi, rối loạn đại tiện, thường là táo bón, đôi khi đi phân lỏng hoặc phân có máu, có khi triệu chứng rất khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích.
Trong trường hợp túi thừa bị nhiễm khuẩn (viêm túi thừa), ngoài đau bụng bệnh nhân có thể nôn, đi ngoài phân lỏng, sốt, thậm chí sốt cao rét run; túi thừa cũng có thể áp-xe hóa, rò, thậm chí thủng gây chảy máu, nhiễm khuẩn ổ bụng rất nguy hiểm. Việc chẩn đoán túi thừa dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân đồng thời với việc thăm khám hậu môn trực tràng kết hợp chụp Xquang đại tràng có bơm thuốc cản quang và nội soi đại tràng ống mềm.
Có thể gây biến chứng gì?
Tỷ lệ biến chứng của bệnh túi thừa khá thấp. Tuy nhiên các biến chứng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. Viêm túi thừa là biến chứng thường gặp nhất. Nếu viêm nhẹ chỉ gây hơi đau ở vùng hố chậu trái. Nếu viêm nặng sẽ gây đau nhiều và sốt. Viêm túi thừa cần được điều trị sớm. Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân cần nhập viện điều trị. Biến chứng xuất huyết xảy ra do vỡ một mạch máu ở túi thừa đại tràng. Máu tươi chảy ra nhiều từ hậu môn hoặc có khi đại tiện phân sậm màu, khi xuất huyết xảy ra ở túi thừa đại tràng phải.
Biến chứng thủng túi thừa tuy ít gặp nhưng lại là biến chứng nghiêm trọng nhất. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân cần phải cấp cứu và phẫu thuật ổ bụng.
Phòng ngừa có khó?
Thực tế cho thấy, túi thừa đại tràng không phải là quá hiếm, thường xuất hiện đơn độc; dễ chẩn đoán lầm với viêm ruột thừa. Đa số bệnh túi thừa đại tràng không có triệu chứng, phát hiện tình cờ khi đi khám và soi đại tràng. Ở người hay bị táo, bón cần lưu ý đi soi đại tràng nhằm phát hiện sớm túi thừa. Trong trường hợp túi thừa bị nhiễm trùng, tùy theo mức độ viêm túi thừa, thủng túi thừa, áp-xe túi thừa hay viêm phúc mạc mà bệnh nhân có thể thấy đau bụng âm ỉ (thường vùng bụng dưới bên trái), đau bụng cơn, đau dữ dội. Đau bụng kèm theo đi ngoài phân lỏng, hoặc táo bón. Khi đánh hơi hoặc đi ngoài được bệnh nhân có thể đỡ đau hơn. Vì vậy, để phòng bệnh túi thừa cần có chế độ ăn nhiều rau quả giàu chất xơ. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.