Nguyên nhân
Bệnh trùng roi sinh dục lây qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Ngoài ra bệnh còn có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt bị nhiễm trùng roi. Người mẹ mang thai bị trùng roi có thể lây cho trẻ khi sinh qua đường tự nhiên. Tỷ lệ nữ bị bệnh nhiều hơn nam gấp 10 lần. Quan hệ tình dục không được bảo vệ với nhiều bạn tình là nhóm người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng roi.
Triệu chứng
Khi bị mắc bệnh trùng roi âm đạo, bệnh nhân thường có những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Lúc đầu mới bị bệnh, triệu chứng thể hiện cấp tính như ngứa ngáy nhiều ở âm đạo, âm hộ, khí hư ở âm đạo chảy ra nhiều, có dịch mủ vàng hoặc xanh, nặng mùi, âm đạo bị đau như kim châm, sưng đỏ, viêm tấy, có nhiều nơi bị loét. Sau đó bệnh chuyển sang bán cấp và mạn tính, thường không có viêm tấy, và thành thể trường diễn kéo dài. Trên lâm sàng, các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là có khí hư chảy ra nhiều, màu trắng đục, nhày dính, có bọt: âm đạo, âm hộ bị đỏ, rát nhất là khi có kinh nguyệt, niêm mạc âm đạo có hiện tượng sung huyết, đôi khi tụ huyết, có những nốt đỏ rất nhỏ: người bệnh rất ngứa ngáy, khó chịu... Đôi khi các triệu chứng này không thể hiện đầy đủ trong một số trường hợp bệnh nhân bị mắc bệnh.
Bệnh trùng roi âm đạo do Trichomonas vaginalis nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời thì tình trạng viêm âm đạo kéo dài lâu ngày có thể gây nên các biến chứng như viêm buồng trứng, vòi trứng làm cho bệnh nhân đau đớn, có hiện tượng bị rong kinh; cổ tử cung cũng có thể bị viêm loét, đau, ngứa, niêm mạc sưng đỏ. Vô sinh cũng là một biến chứng thường gặp do trùng roi tiết ra chất nhầy, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản không cho tinh trùng xâm nhập vào để thụ tinh nên không thể thụ thai được.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây nên biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu với biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ. Ở một số trường hợp người phụ nữ bị bệnh trùng roi âm đạo, khi đi tiểu thường thấy đau buốt, có chất dịch mủ và tìm thấy ký sinh trùng trong nước tiểu.
Hình ảnh trùng roi dưới kính hiển vi. |
Biến chứng của bệnh
Nếu không điều trị, bệnh có thể gây biến chứng viêm hố chậu nhưng hiếm gặp hơn so với các bệnh khác như bệnh lậu, nhiễm chlamydia hay viêm âm đạo do vi khuẩn kỵ khí.
Với nam giới đại đa số không có triệu chứng, tuy nhiên một số người bị ngứa dương vật, đi tiểu khó và đi tiểu nhiều lần. Dương vật có thể bị viêm do ngứa gãi có thể có tiết dịch niệu đạo và rất khó phân biệt với viêm niệu đạo do các nguyên nhân khác gây viêm niệu đạo không đặc hiệu.
Ðiều trị và phòng bệnh
Để điều trị bệnh trùng roi âm đạo Trichomonalis vaginalis có hiệu quả cần phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản là thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm, điều trị cho cả vợ lẫn chồng vì bệnh có thể lây từ vợ sang chồng và ngược lại; đồng thời trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để hạn chế điều kiện và cơ hội lây truyền thì mới có kết quả mong muốn. Trong chỉ định điều trị, thầy thuốc thường dùng các loại thuốc diệt trùng roi phối hợp với các thuốc diệt nấm và vi khuẩn vì qua quá trình điều trị trùng roi, môi trường âm đạo có thể thay đổi làm cho nấm và vi khuẩn có điều kiện phát triển và gây bệnh. Thuốc đặc hiệu điều trị trùng roi âm đạo thường dùng là tinidazol, nimorazol, ornidazol (uống) và metronidazol (đặt vào âm đạo).
Các thuốc phối hợp để ngăn ngừa, chống nấm thường sử dụng fluconazol, nystatin, amphotericinB.
Các yếu tố làm nhiễm nấm
Bệnh với biểu hiện chủ yếu là viêm âm hộ- âm đạo và không lây qua quan hệ tình dục. Nhiều trường hợp thấy rõ nấm lây từ đường hậu môn-trực tràng. Tuy nhiên, nấm men có thể tìm thấy ở một số nam giới khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh. Một số yếu tố sau làm cho dễ bị nhiễm nấm men: Mắc bệnh tiểu đường; người sử dụng thuốc uống tránh thai, kháng sinh nhiều; người bị thiếu máu; người nhiễm HIV/AIDS; người vệ sinh vùng hậu môn và quanh hậu môn kém; khí hậu nóng, ẩm làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, đặc biệt khi mặc đồ lót chật và bí.
Nấm men và lây truyền
Khí hư: Khí hư thường nhiều, màu trắng như váng sữa, không hôi, thành mảng dày dính vào thành âm đạo, ở dưới có vết chợt đỏ. Có thể kèm theo đi tiểu khó, đau khi giao hợp.
Ngứa: ngứa vùng sinh dục-hậu môn, bệnh nhân thường ngứa nhiều, do vậy bệnh nhân thường phải gãi làm xây xước âm hộ và làm nấm lan rộng cả tầng sinh môn, bẹn đùi.
Đi tiểu khó do đau khi nước tiểu đi qua vùng sinh dục viêm.
Đau khi giao hợp: khi giao hợp đau là triệu chứng hay gặp của bệnh nhân viêm âm hộ-âm đạo do nấm men, thường bệnh nhân có cảm giác đau nông, cần phải phân biệt với đau khi giao hợp do viêm tiểu khung và thường có cảm giác đau sâu.
Các biểu hiện bệnh thường rất điển hình và dễ nhận biết. Tuy nhiên, cũng cần chú ý vì bệnh nhân có thể mắc đồng thời một vài bệnh khác làm cho biểu hiện bệnh thay đổi nên khó nhận biết.
Biểu hiện bệnh nấm men ở nam
Nam thường ít bị bệnh hơn và cũng có ít người biểu hiện triệu chứng bệnh. Biểu hiện thường gặp là cảm giác bỏng rát qui đầu, ngứa, qui đầu và bao da đỏ, có nhiều vết nứt rạn và nhiều chất nhày màu trắng.
Hình ảnh nấm candida. |
Nấm candida ảnh hưởng đến phụ nữ có thai
Khi có thai có thể làm cho nấm trong tình trạng tiềm ẩn trở nên biểu hiện bệnh và làm cho bệnh nặng hơn. Thông thường, nấm candida âm đạo ở phụ nữ có thai khó chữa hơn. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm nấm khi đẻ qua đường âm đạo với biểu hiện tưa ở miệng, đôi khi làm cho trẻ bị đau khó bú mẹ. Vì vậy nên khám chữa cho bà mẹ mang thai để tránh lây nhiễm cho con khi sinh đẻ.
Bệnh nhân cần được theo dõi và khám lại sau điều trị.
- Không dùng Clotrimazole cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
- Điều trị đồng thời cho bệnh nhân và những người có quan hệ tình dục với họ nếu như có biểu hiện triệu chứng bệnh và người phụ nữ bị tái phát nhiều lần.
Phòng bệnh
Vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vùng sinh dục-hậu môn, mặc đồ lót thoáng bằng chất liệu coton. Khi vệ sinh phải rửa từ trước vùng sinh dục ra sau vùng hậu môn để tránh làm cho nấm lan ra từ hậu môn. Bạn tình của bệnh nhân cũng cần vệ sinh sạch vùng sinh dục hàng ngày.
Tránh tự ý thụt rửa âm đạo vì sẽ làm mất cân bằng vi khuẩn cư trú tại âm đạo (là vi khuẩn có lợi) chuyên tiêu diệt những vi khuẩn gây hại. Thụt rửa âm đạo cũng làm mất cân bằng độ pH của âm đạo, gây nên tình trạng viêm nhiễm.
Nếu bệnh tái phát nhiều lần cần phải kiểm tra sức khỏe về đường máu, huyết đồ và cả HIV.