Bệnh trĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

17-07-2024 20:08 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Trĩ là bệnh thường gặp trong các bệnh hậu môn trực tràng. Bệnh trĩ ngày gia tăng và có một phần nguyên nhân từ yếu tố nghề nghiệp. Người làm công việc văn phòng, thợ may, lái xe, những người ít có thời gian vận động cơ thể.… có nguy cơ cao bị bệnh trĩ.

Bệnh trĩ ngày càng trẻ hoá, có bệnh nhân mới 14-15 tuổiBệnh trĩ ngày càng trẻ hoá, có bệnh nhân mới 14-15 tuổi

SKĐS - Nếu như trước đây bệnh trĩ thường xuất hiện ở người trung niên do đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng giảm, do môi trường ngồi nhiều hoặc ít vận động thì giờ đây, bệnh trĩ đang ngày càng trẻ hóa.

Bệnh trĩ là bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh thuộc về đại trực tràng ở nước ta với tỷ lệ 35-50%. Nếu không phòng ngừa, chữa trị sớm bệnh trĩ sẽ gây biến chứng.

1. Tổng quan về bệnh trĩ

Bệnh trĩ không nguy hiểm nhưng lại gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Do vậy, hiểu đúng về bệnh trĩ giúp phòng ngừa, điều trị dứt điểm và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Dựa trên tính chất và biểu hiện của bệnh, trĩ được chia ra làm 3 loại:

  1. Trĩ nội: Là bệnh mà các búi trĩ xuất phát từ những đám rối tĩnh mạch bị phồng lên ở bên trong hậu môn phía trên đường lược.
  2. Trĩ ngoại: Là những búi sưng do các tĩnh mạch căng lên hoặc phần da ở các nếp gấp viền hậu môn bị viêm, sưng to, sự tăng sinh của các mô liên kết hoặc máu tụ thành. Trĩ ngoại có thể nhìn thấy, sờ thấy và thường gây ra tình trạng đau rát, khó chịu nhiều hơn trĩ nội do vùng tổn thương tiếp xúc, cọ xát trực tiếp với các tác nhân bên ngoài như trang phục, ghế ngồi.
  3. Trĩ hỗn hợp: Chỉ hình thành khi cùng lúc xảy ra 2 loại trĩ và khi trĩ nội đã sa mà không co lên được, tạo điều kiện cho các búi trĩ liên kết với nhau.
Trĩ là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn.

Trĩ là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn.

2. Nguyên nhân yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở những người từ 30-60 tuổi, trong số đó, tỷ lệ phụ nữ mắc trĩ nhiều hơn nam giới.

Nguyên nhân bị bệnh trĩ có thể xuất phát từ các yếu tố, nguy cơ như:

  • Ngồi nhiều, ít vận động, đặc biệt là dân văn phòng
  • Uống ít nước
  • Uống rượu bia
  • Hay ăn đồ cay nóng
  • Chế độ ăn thiếu rau xanh và chất xơ
  • Mắc bệnh béo phì
  • Phụ nữ mang thai
  • Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính
  • Hay quan hệ tình dục qua đường hậu môn
  • Thói quen ngồi bồn cầu lâu hoặc rặn nhiều khi đi đại tiện
  • U vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u xơ tử cung…
  • Rặn khi đi cầu
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính

3. Dấu hiệu của bệnh trĩ

Thời kỳ mới mắc bệnh, các dấu hiệu xuất hiện không rõ ràng, do vậy cả bệnh nhân cũng như thầy thuốc thường không khẳng định được thời gian bắt đầu của bệnh.

Đau và ngứa, có cảm giác khó chịu ở hậu môn: Nếu mới bị thì có thể không có triệu chứng này, tuy nhiên đau càng tăng khi có biến chứng sưng, viêm hoặc tắc mạch búi trĩ.

Sưng nề vùng hậu môn: Khi có đợt cấp hoặc trĩ sa ra ngoài, có thể búi trĩ sưng khá to và ta có thể sờ thấy dễ dàng.

Chảy máu: Lúc đầu, máu chảy rất kín đáo, sau đó, mỗi khi đi cầu, bệnh nhân phải rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn nữa, cứ mỗi lần đi cầu, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm thì máu lại chảy. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đi cầu ra máu cục.

Sa trĩ: Đây cũng là triệu chứng thường gặp. Tùy theo mức độ trĩ sa, mà bệnh nhân có các biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Các triệu chứng khác: Búi trĩ có thể không đau, hay bệnh nhân chỉ thấy cộm, vướng nhưng cũng có thể gây đau khi đã to và để lâu. Bệnh nhân có ổ áp xe đi kèm, nằm ngay dưới lớp niêm mạc hay nằm trong trực tràng gây đau. Bệnh nhân bị ngứa hậu môn và quanh hậu môn do viêm da bởi các chất dịch nhầy.

4. Bệnh trĩ có lây không?

Trĩ không phải bệnh truyền nhiễm nên không lây được từ người này sang người khác.

Khi thăm khám phải xác định chính xác mức độ của trĩ để chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ảnh minh họa

Khi thăm khám phải xác định chính xác mức độ của trĩ để chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ảnh minh họa.

5. Các phương pháp phòng bệnh

Bệnh trĩ có thể phòng ngừa, bạn nên thực hiện:

  • Chế độ ăn lành mạnh: Cần bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống. Thực hiện chế độ ăn các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt… sẽ bảo vệ bạn chống lại bệnh trĩ.
  • Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu bia, trà và các thức ăn nóng như tiêu, ớt.
  • Uống nhiều nước: Nước uống các loại như: nước ép trái cây, sinh tố… được bổ sung trong các bữa ăn, để thúc đẩy tiêu hóa tốt và ngăn ngừa xơ cứng phân.
  • Cần bổ sung nước tinh khiết hoặc các loại nước trái cây và nước rau ép, giúp cung cấp cho phân nhiều độ ẩm… Cần đảm bảo lượng nước uống hơn 2 lít/ngày.
  •  Ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa hoặc liên tục thay đổi lịch trình của các thói quen ăn uống của bạn bởi nó có thể dẫn tới chứng khó tiêu. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.
  • Không nên nhịn đi vệ sinh và tập đi vệ sinh cố định. Việc tập đi vệ sinh vào một giờ cố định hàng ngày để tạo thành phản xạ tự nhiên, tránh dồn tích phân tạo thành táo bón, nhờ vậy góp phần phòng ngừa bệnh trĩ.
  • Bệnh trĩ tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua. Đồng thời vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại đi khám nhất là phụ nữ.

6.  Điều trị bệnh trĩ

  • Có 2 loại trĩ đó là trĩ nội và trĩ ngoại. Cả trĩ nội và trĩ ngoại thường có ba búi trĩ: búi phải trước, búi phải sau và búi trái. Nếu bệnh nhân để bệnh muộn mới đi khám thì có thể xuất hiện các búi trĩ phụ nằm xen kẽ giữa các búi chính. Khi tất cả các búi trĩ đó liên kết với nhau gọi là trĩ vòng. Phần lớn bệnh nhân khi đến khám là trĩ vòng hoặc trĩ hỗn hợp.

    Vì vậy khi thăm khám phải xác định chính xác mức độ của trĩ để chọn phương pháp điều trị thích hợp.

    Với trĩ ngoại, điều trị nội khoa đơn thuần trong trường hợp trĩ ngoại phù nề, điều trị thủ thuật với các trường hợp trĩ gây tắc mạch đau, điều trị phẫu thuật với các đám rối tĩnh mạch đã giãn nở lớn.

  • Tuỳ theo mức độ tổn thương, vị trí và số lượng búi trĩ mà có thể sử dụng các biện pháp điều trị vật lý như tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại... khi trĩ đã có biến chứng thì phải điều trị bằng ngoại khoa mới có kết quả.

  • Trước hết cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ bằng cách: Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu. Uống nước đầy đủ. Ăn nhiều chất xơ. Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, dãn phế quản, bệnh lỵ… 

  • Điều trị nội khoa: Vệ sinh tại chỗ bằng ngâm nước ấm 15 phút/lần x 2 - 3 lần/ngày. Có thể sử dụng thuốc uống có tác dụng trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid (như daflon) cùng với các thuốc đặt tại chỗ là các tác nhân kháng viêm, vô cảm tại chỗ...

Xem thêm video được quan tâm:

Nguy hiểm bệnh truyền nhiễm rubella, Điều trị bệnh như thế nào | SKĐS


BS. Đào Mạnh Tùng
Ý kiến của bạn