Bệnh trĩ dùng thuốc như thế nào?

23-05-2024 06:49 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh trĩ rất phổ biến, nếu không được can thiệp sớm có thể gây nhiễm trùng lan rộng vùng hậu môn và gây nhiễm trùng máu... Vậy có những biện pháp và nào dùng để điều trị?

1. Các phương pháp điều trị bệnh trĩ

Khoảng 40% bệnh nhân trĩ sẽ không có triệu chứng, trong khi bệnh nhân có triệu chứng thường có các biểu hiện sau:

- Phân có máu (trong một số ít trường hợp, mất máu mạn tính có thể gây thiếu máu, suy nhược, đau đầu, khó chịu, mệt mỏi và các vấn đề khác);

- Kích ứng da hoặc ngứa xung quanh hậu môn;

- Đau hậu môn cấp tính…

Điều trị bảo tồn bao gồm: Tăng lượng chất xơ, bổ sung nhiều nước, sử dụng thuốc làm mềm phân và bôi thuốc mỡ hoặc đặt thuốc đạn tại chỗ. Đối với bệnh trĩ đơn hoặc nhẹ, các phương pháp điều trị không phẫu thuật như thắt búi trĩ, liệu pháp tiêm xơ cứng, laser… thường an toàn, hiệu quả, ít xâm lấn.

Nếu các biện pháp trên không làm giảm triệu chứng hoặc búi trĩ có kích thước đặc biệt lớn thì cần phẫu thuật để cắt bỏ búi trĩ.

Bệnh trĩ dùng thuốc như thế nào?- Ảnh 1.

Người bệnh trĩ cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

2. Thuốc điều trị bệnh trĩ

Thuốc thường được kê toa để giảm bớt các triệu chứng như đau, kích ứng, sưng tấy và làm mềm phân.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

2.1 Thuốc điều trị tại chỗ

- Tác dụng: Các loại thuốc dạng kem, thuốc mỡ và thuốc đạn chứa các thành phần như hydrocortisone (giúp giảm viêm, sưng, giảm ngứa và kích ứng, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành vùng da bị ảnh hưởng), phenylephrine (hỗ trợ thu nhỏ tĩnh mạch bị giãn làm giảm cảm giác nóng rát và sưng tấy), lidocain (giảm sưng đau)…

- Tác dụng phụ: Những loại thuốc điều trị tại chỗ này có thể mang lại hiệu quả tạm thời trong việc giảm viêm và đau do trĩ gây ra, nhưng không phải là giải pháp lâu dài và không phải là thuốc điều trị bệnh triệt để. Không nên dùng trong thời gian dài vì có thể gây kích ứng vùng da nhạy cảm ở hậu môn và làm mỏng da.

2.2 Thuốc hỗ trợ độ bền tĩnh mạch

- Tác dụng: Khi mắc bệnh trĩ, tĩnh mạch chịu áp lực lớn. Thuốc trị giãn tĩnh mạch như diosmin thường được sử dụng để tăng độ bền của tĩnh mạch, giúp giảm các triệu chứng cấp tính của bệnh trĩ nội và ngoại như ngứa và đau do giãn tĩnh mạch.

- Tác dụng phụ: Tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp là nôn, buồn nôn, tiêu chảy…

- Chống chỉ định: Người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

2.3 Thuốc giảm đau

- Tác dụng: Nếu bệnh trĩ ở giai đoạn cấp tính, có thể dùng thuốc giảm đau như paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên, nên tránh dùng các loại thuốc như ibuprofen trong trường hợp chảy máu quá nhiều.

- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây ngộ độc cho gan khi dùng liều cao, kéo dài. Vì vậy cần tuân thủ liều lượng.

- Chống chỉ định: Không dùng thuốc cho người suy gan suy thận nặng, quá mẫn với thành phần của thuốc.

2.4 Thuốc nhuận tràng

- Tác dụng: Thuốc được sử dụng để làm mềm phân và giúp làm rỗng ruột. Thuốc nhuận tràng thường được sử dụng là lactulose, macrogol, sorbitol.

- Tác dụng phụ: Mặc dù thuốc tương đối an toàn nhưng vẫn có những tác dụng phụ như đầy hơi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, mất nước.

- Chống chỉ định: Không dùng thuốc nhuận tràng cho người bệnh bị tắc ruột, người bị đau bụng chưa có chẩn đoán xác định rõ nguyên nhân.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Bệnh trĩ không khó điều trị nhưng để điều trị hiệu quả, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để xác định tình trạng bệnh, phân độ trĩ và sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Tránh việc tự điều trị, tự dùng thuốc tại nhà.

Khi dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ mà các triệu chứng của bệnh không thuyên giảm, cần tái khám để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh lại phương án điều trị, tránh để bệnh tiến triển nặng.

Song song với sử dụng thuốc người bệnh nên duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, lành mạnh, bao gồm:

- Tăng cường ăn chất xơ và uống nhiều nước để làm mềm phân. Phân mềm sẽ làm giảm sự căng thẳng khi đại tiện, làm giảm các triệu chứng của bệnh trĩ. Lượng chất xơ không hòa tan hàng ngày nên đạt từ 20 đến 30 gram, và lượng nước uống hàng ngày phải đạt 1,5 đến 2 lít.

Có thể tiêu thụ nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau và trái cây để đáp ứng lượng chất xơ ăn vào. Các loại trái cây có tác dụng nhuận tràng bao gồm mận, táo, lê, thanh long, kiwi, chuối chín và các loại trái cây khác. Nếu chế độ ăn uống hàng ngày không thể đáp ứng những yêu cầu này, có thể mua một số chế phẩm bổ sung chất xơ như psyllium và methylcellulos. Nếu bị táo bón nặng hơn, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau tùy theo tình trạng cụ thể.

- Ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, cũng cần hình thành thói quen đi đại tiện đều đặn hàng ngày. Tránh ngồi xổm trong bồn cầu lâu (tốt nhất là không quá 5 phút).

- Tập thể dục phù hợp mỗi ngày có thể thúc đẩy nhu động ruột và thúc đẩy quá trình đại tiện.

- Cũng lưu ý rằng một số loại thuốc có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, cần thận trọng khi sử dụng.

3 biến chứng của bệnh trĩ cần biết3 biến chứng của bệnh trĩ cần biết

SKĐS - Trĩ là căn bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh. Tuy vậy, do đặc điểm bệnh ở vùng kín, nhạy cảm, tế nhị nên rất nhiều người ngại đi khám, đến lúc bệnh nặng xảy ra nhiều biến chứng mới vào viện.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Những ai dễ mắc bệnh trĩ nhất?


DS. Nguyễn Thị Mến
Ý kiến của bạn