Nguyên nhân chính xác gây bệnh trĩ hiện nay chưa được xác định rõ và thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn; làm cản trở máu tĩnh mạch trở về, do đó máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ. Búi trĩ này sẽ to dần lên và thòi ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn. Hầu hết tất cả những bệnh nhân mắc bệnh trĩ đều chịu đựng một thời gian rất lâu trước khi tìm kiếm sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.
Cách chữa trĩ hiệu quả
Điều trị bệnh trĩ bao gồm điều chỉnh chế độ ăn, điều trị nội khoa và phẫu thuật. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị.Những bệnh nhân bị bệnh trĩ nặng thường phải điều trị bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật cụ thể:
- Thắt trĩ bằng vòng cao su: Có hiệu quả đối với búi trĩ nội nhỏ và sa ra ngoài khi đại tiện (trĩ độ I, II). Một cái vòng cao su nhỏ được đặt vào gốc búi trĩ, ngăn cản máu vào búi trĩ và cắt đứt búi trĩ. Búi trĩ và vòng cao su sẽ rụng và rời ra ngoài trong khoảng vài ngày. Vết thương thường sẽ liền sau đó 1–2 tuần. Thủ thuật này thỉnh thoảng gây cho bệnh nhân khó chịu, hoặc chảy ít máu và thường phải thực hiện nhiều lần để đạt được kết quả điều trị tốt.
- Tiêm xơ búi trĩ: có thể được sử dụng ở những búi trĩ chảy máu và thường không thòi ra ngoài khi đại tiện (trĩ nội độ I). Phương pháp này thường làm cho búi trĩ xơ cứng lại.
- Phẫu thuật cắt trĩ Longo: là phẫu thuật mới hơn, nguyên tắc của phẫu thuật này là cắt và khâu khoanh niêm mạc, nhằm mục đích giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ vốn bị giãn phồng, nhờ đó thu nhỏ thể tích các búi trĩ và bảo tồn khối đệm hậu môn. Phương pháp này hiện nay rất được ưa chuộng vì ít đau, thời gian nằm viện ngắn, nhanh lành bệnh, người bệnh có thể trở lại lao động sớm.
- Cắt trĩ – phẫu thuật cắt bỏ những búi trĩ: là phương pháp có thể cắt bỏ triệt để cả trĩ nội và trĩ ngoại. Phương pháp này được chỉ định khi: Các cục máu đông hình hành liên tục trong búi trĩ ngoại (tắc mạch). Thất bại điều trị bằng phương pháp thắt vòng cao su. Trĩ sa ra ngoài nhiều gây cản trở sinh hoạt, không đẩy lại vào trong được (trĩ độ III, IV). Trĩ chảy máu nhiều mà điều trị nội khoa và thủ thuật thất bại.
Chăm sóc sau mổ trĩ
Sau mổ, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn, thức ăn mềm, nhiều chất xơ; đi lại, vận động, uống nhiều nước. Sau khi đại tiện tránh sử dụng giấy quá cứng, nên ngâm hậu môn sau khi vệ sinh sạch sẽ. Khi có dấu hiệu chảy máu hay đau nên tái khám ngay. Nếu trường hợp người bệnh đi cầu phân cứng hay táo bón nên thăm khám lại bác sĩ và thực hiện thuốc nhuận tràng.
Người bệnh ngâm rửa hậu môn ngày 3 lần, sau khi ngâm nên lau khô sạch, sau đó có thể dùng băng vệ sinh để hút thấm dịch, giữ sạch sẽ vùng hậu môn tránh sử dụng băng keo, hay băng quá kín.
Người bệnh có thể vận động, đi lại bình thường, nên đi bộ nhẹ nhàng thường xuyên, tập vận động để tránh bị táo bón.
Nguy cơ trĩ tái phát nên người bệnh tránh táo bón như tập đại tiện đúng giờ, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, thể dục, vận động. Tránh làm việc trong một tư thế quá lâu, vệ sinh sau khi đại tiện.Sau khi xuất viện cần tái khám đúng hẹn. Nếu người bệnh thấy có các dấu hiệu như đau, đại tiện ra máu, chảy dịch ở hậu môn... thì cần đến tái khám ngay.