Hà Nội

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản không?

28-05-2022 16:00 | Ung thư
google news

SKĐS - Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất từ dạ dày lên thực quản. Đây là một rối loạn mạn tính khiến nhiều người bệnh lo lắng bệnh có thể dẫn đến ung thư thực quản.

1.Ghi nhận tỷ lệ ung thư thực quản liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản

Trả lời những thắc mắc này, các nghiên cứu cho thấy yếu tố dẫn đến ung thư thực quản là người có bệnh lý về thực quản loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.

Và chúng ta cũng đã biết, các biến chứng đơn thuần của trào ngược dạ dày thực quản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Những những biến chứng gây ra viêm thực quản trào ngược sẽ đẫn đến hẹp thực quản, xuất huyết thực quản, hoặc nặng hơn là thủng thực quản.

Và như vậy trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản, mặc dù tỷ lệ này không cao.

Khi bệnh nhân có những biến chứng gọi là thực quản Barrett mà không ghi nhận được chuyển sản, nghịch sản, loạn sản thì tỷ lệ ung thư chiếm 0.5%.

Tuy nhiên, nếu trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng Barrett nhưng ghi nhận có tình trạng nghịch sản, loạn sản, chuyển sản thì nguy cơ ung thư lên 10%, thậm chí 40%.


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến ung thư thực quản không? - Ảnh 1.

Trào ngược dạ dày thường có tỉ lệ tái phát rất cao, khoảng 70% bệnh nhân bị tái phát trong vòng một năm.

2.Trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản

Giải thích về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng khi hoạt động bình thường, dạ dày tiết ra axit mạnh và các enzyme để giúp tiêu hóa thức ăn. Ở một số người, axit có thể thoát ra khỏi dạ dày, đi ngược lên vào đoạn dưới của thực quản, gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal reflux disease: GERD). Hầu hết mọi người mắc chứng trào ngược đều có các biểu hiện như: ợ chua, nóng hoặc đau ở vùng giữa ngực. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân thì trào ngược hoàn toàn không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Những người bị trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến. Mặc dù bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất phổ biến, nhưng thật may mắn là hầu hết những người mắc bệnh này không phát triển thành ung thư thực quản. Trào ngược cũng có thể gây ra Barrett thực quản, đây là yếu tố nguy cơ cao hơn gây nên ung thư thực quản.

3. Barrett thực quản và ung thư thực quản- Đừng quá lo lắng!

Barrett thực quản là bệnh lý thường xuất hiện ở những người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản lâu năm. Nếu hiện tượng trào ngược axit dạ dày vào đoạn dưới thực quản diễn ra liên tục trong thời gian dài, nó có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong của thực quản. Điều này khiến các tế bào vảy thường lót bên trong niêm mạc thực quản được thay thế bằng các tế bào biểu mô tuyến. Các tế bào tuyến này trông giống như các tế bào lót ở niêm mạc dạ dày và ruột non, chúng có khả năng chống lại axit dạ dày cao hơn. Tình trạng này được gọi là bệnh Barrett thực quản.

Hầu hết những người bị Barrett thực quản đều có triệu chứng ợ chua nóng, nhưng nhiều người cũng không có triệu chứng gì. Người bị Barrett thực quản có nguy cơ cao hơn nhiều phát triển ung thư biểu mô tuyến thực quản so với những người không có tình trạng này. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh Barrett thì đừng quá lo lắng vì hầu hết những người bị bệnh này không hẳn tiến triển thành ung thư thực quản.

Do đó, bệnh này cần được theo dõi và điều trị để loại trừ những biến chứng nguy hiểm.

4. Trào ngược dạ dày thực quản dễ tái phát và cần theo dõi định kỳ

Trào ngược dạ dày thường có tỉ lệ tái phát rất cao, khoảng 70% bệnh nhân bị tái phát trong vòng một năm dẫn đến có nhiều người chủ quan không thăm khám và điều trị. Trong tùy vào từng bệnh nhân cụ thể, giai đoạn của bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc để cho các toa thuốc phù hợp, cộng với việc hướng dẫn bệnh nhân ăn uống lành mạnh để giảm triệu chứng và có thể khỏi bệnh.

Điều quan trọng, để việc điều trị thực sự có hiệu quả như mong đợi thì bệnh nhân phải nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ trong khi sử dụng thuốc, tuyệt nhiên không sử dụng các phương thuốc dân gian được quảng cáo không rõ nguồn gốc cũng như chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh hiệu quả trong việc chữa bệnh. Một số thảo dược thực sự có khả năng giúp giảm các triệu chứng của trào ngược, nhưng những thảo dược này cũng có thể gây ra dị ứng đối với một số bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm hoặc khi sử dụng kết hợp với các loại thuốc điều trị. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thảo dược kết hợp, hãy trao đổi với bác sĩ.

Trên thực tế, bệnh trào ngược dạ dày thực quản không đe dọa trực tiếp tới tính mạng, song có thể gây ra nhiều biến chứng xấu. Chính vì thế người bệnh cần được theo dõi và tái khám định kỳ theo chỉ định của các bác sĩ.

Hiện nay, các phương pháp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản tương đối hiện đại và giúp xác định chính xác mức độ tổn thương của niêm mạc thực quản. Trong đó, có thể kể tới phương pháp nội song đường tiêu hóa, theo dõi pH thực quản hoặc chụp X - quang đường tiêu hóa trên,… Vì vậy, khi có các biểu hiện nghi mình bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc tình trạng bệnh tái phát, có dấu hiệu bất thường nên đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, xác định chẩn đoán và đưa ra những tư vấn, phương pháp điều trị phù hợp.

Ung thư thực quản: Biện pháp điều trị, cách chăm sóc và phòng ngừaUng thư thực quản: Biện pháp điều trị, cách chăm sóc và phòng ngừa

SKĐS - Ung thư thực quản là loại phổ biến và có tiên lượng xấu. Bởi đa số khi được phát hiện trên lâm sàng thì khối u đã ở giai đoạn tiến triển, có xâm lấn. Do đó cần phát hiện sớm để việc điều trị đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Đậu mùa khỉ lây lan, Việt Nam có cần tiêm vaccine phòng bệnh?


BS Nguyễn Văn Long
Ý kiến của bạn