Hà Nội

Bệnh trầm trọng, mắc thêm nấm tai... do dùng thuốc theo mách bảo trị viêm tai giữa cho trẻ

13-04-2023 16:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Không ít các bà mẹ đã áp dụng phương pháp điều trị 'theo mách bảo' chữa viêm tai giữa cho con, khiến bệnh của trẻ nặng hơn, thậm chí còn mắc thêm nấm tai, viêm tai ngoài và nhiều biến chứng nguy hiểm khác...

Viêm tai giữa ở trẻ em, dùng thuốc như thế nào?Viêm tai giữa ở trẻ em, dùng thuốc như thế nào?

SKĐS - Viêm tai giữa ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể mất thính lực...

1. Tai chảy mủ trầm trọng hơn vì chữa theo… tin đồn

Bé Nguyễn Văn A., 16 tháng tuổi (Vĩnh Phúc) được người nhà đưa vào viện khám trong tình trạng ho, sổ mũi, sốt, rối loạn tiêu hóa, quấy khóc nhiều…

Sau khi được khám, trẻ được chẩn đoán viêm tai giữa cấp, mủ hai bên và được bác sĩ kê đơn thuốc. Tuy nhiên, sau khi điều trị theo đơn thuốc được 2 ngày, thấy bệnh không thuyên giảm, người nhà bé A. đã bỏ thuốc, không cho trẻ điều trị nữa. Nghe lời mách bảo nên người nhà đã cho cháu đến 'cơ sở tư nhân' để 'xông khói' vào tai kèm theo thổi bột thuốc.

Điều trị theo cách này được 4-5 ngày, thấy trẻ quấy khóc nhiều hơn, kèm theo sốt, ăn kém và tai chảy dịch vàng… bố mẹ cháu A. lại đưa con vào viện khám.

Lúc này, bé A. đã chuyển sang giai đoạn viêm tai giữa cấp chảy mủ, ống tai đầy các cặn bột, sạn do thổi bột thuốc. Bác sĩ phải làm sạch tai và tiếp tục điều trị nội khoa.

Tuy nhiên, do trước đó bé A. đã dùng nhiều kháng sinh và tự ý bỏ thuốc nên lần này đáp ứng thuốc kém hơn và kéo dài thời gian trị bệnh.

Dùng mẹo dân gian trị viêm tai giữa cho trẻ: Sai lầm tai hại - Ảnh 2.

Viêm tai giữa cấp hay tái phát và điều trị khó khỏi hơn các nhiễm trùng hô hấp thông thường khác.

Trường hợp bé N. 3,5 tuổi (Vĩnh Phúc) cũng tương tự như vậy. Bé đang điều trị theo đơn thì bỏ thuốc đi thổi thuốc vào tai theo mách bảo. Được 1-2 lần, tai bé khô, không chảy mủ nữa. Người nhà cho rằng bé đã khỏi bệnh nên không cho bé đi kiểm tra, khám xét gì thêm. Tuy nhiên, sau đó bé vẫn kêu khó chịu, ngứa tai, quấy khóc nhiều… buộc phải đưa cháu đi khám.

Lúc này bác sĩ cho biết, tình trạng viêm tai chưa ổn mà mủ tai chảy ra đã quện với bột thuốc thổi vào tạo thành nút kín ống tai, làm ảnh hưởng đến dẫn truyền âm thanh, nên sẽ khiến sức nghe không được tốt, trẻ sẽ hay bị ù hoặc khó nghe. Thêm nữa, do mủ tai không được làm sạch, điều trị không đúng nên tai chưa khô, kết hợp với bột thuốc tạo nút ráy khiến bị phát sinh nấm tai, viêm ống tai ngoài.

Rất may các trường hợp trên chưa bị biến chứng viêm xương chũm hay các tổn thương xương con. Tuy vậy đều làm trẻ bị chậm trễ điều trị đúng, gây khó chịu cho trẻ, phải điều trị lại kéo dài.

Viêm tai giữa cấp là bệnh lý rất thường gặp ở độ tuổi dưới 3 tuổi, hay tái phát và điều trị khó khỏi hơn các nhiễm trùng hô hấp thông thường khác, nên cần kiên trì dùng thuốc...

2. Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, cần cảnh giác với các phương pháp điều trị theo mách bảo

Hiện nay, các phương pháp điều trị dân gian như xông khói, thổi bột thuốc, rắc phèn chua… vào tai trẻ chưa chứng minh được hiệu quả và chưa được khuyến cáo điều trị viêm tai giữa ở trẻ. Việc điều trị không đúng cách có thể khiến trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm: Viêm tai xương chũm, nhiễm trùng huyết, thậm chí viêm màng não mủ...

Tai được chia làm ba phần bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài ngăn cách với tai giữa bằng màng nhĩ.

Màng nhĩ có nhiệm vụ bảo vệ tai giữa và tai trong để phần niêm mạc của tai giữa hoạt động trong môi trường kín, bảo vệ hệ thống xương con tránh bị tổn thương do chấn thương, cũng như các tác động của các yếu tố vật lý, hóa học từ môi trường bên ngoài với tai giữa và tai trong qua thành trong của tai giữa.

Dùng mẹo dân gian trị viêm tai giữa cho trẻ: Sai lầm tai hại - Ảnh 4.

Tai giữa được bảo vệ bởi màng nhĩ.

Do đó, việc thổi thuốc, hoặc xông khói không thể lọt vào tai giữa để có hiệu quả điều trị viêm tai giữa được. Không những thế, trong trường hợp trẻ bị thủng màng nhĩ, bột thuốc có thể gây dẫn lưu mủ kém, các loại khói có thể gây tổn thương thêm niêm mạc hòm nhĩ.

Trong khi đó, một số trẻ mắc viêm tai giữa cấp có khả năng tự khỏi rất cao mà không cần điều trị. Bao gồm: Trẻ trên 2 tuổi, không chảy mủ tai, viêm tai một bên, mức độ nhẹ (không sốt cao, không đau tai dữ dội/không đau quá 48h).

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm tai giữa cấp ở trẻ dễ bị tái phát và cần thời gian điều trị dài hơn, nên rất nhiều cha mẹ sốt ruột. Tuy nhiên các bậc cha mẹ cần tỉnh táo lựa chọn các phương pháp điều trị khoa học, địa chỉ khám chữa bệnh uy tín. Khi con có dấu hiệu bệnh, cần đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị tốt nhất.

Để phòng bệnh hiệu quả, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:

- Không sử dụng ti giả sau sáu tháng, không nên cho trẻ bú bình ở tư thế nằm.

- Hạn chế tiếp xúc thuốc lá, khói từ bếp đốt củi hoặc than... các loại khói này làm tăng nguy mắc viêm tai sau nhiễm trùng hô hấp.

- Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, giảm thời gian ở trường học trực tiếp giúp trẻ ít tiếp xúc với mầm bệnh hơn.

- Tiêm vaccine cúm, phế cầu và hib, phòng được các mầm bệnh chính gây bệnh cho trẻ.

- Điều trị tốt các bệnh mắc đồng thời như: Viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm V.A…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cách nhận biết nốt ban thủy đậu.

BS. Trần Văn Đồng
Ý kiến của bạn