Bệnh tổ đỉa

14-05-2015 13:15 | Dược
google news

SKĐS - Bệnh tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân và rìa các ngón, có tên khoa học là Dysidrose.

Hỏi: Con em nay 10 tuổi, vừa rồi cháu ngứa, mụn nước ở lòng bàn tay, đi khám bác sĩ da liễu chẩn đoán là tổ đĩa. Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh trên như thế nào?

(Thái Thị Ngọc Hà - TP.HCM)

Trả lời: Tổ đỉa là một thể đặc biệt của bệnh chàm, khu trú ở lòng bàn tay và bàn chân và rìa các ngón, có tên khoa học là Dysidrose.

Nguyên nhân gây bệnh đa dạng và phức tạp, một số yếu tố liên quan như: dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt, có thể do tiếp xúc với xăng dầu, xà phòng, xi măng, do nhiễm khuẩn trong khi tiếp xúc với bùn đất, nước bẩn hay gặp nhất là do liên cầu trùng trong thể tổ đĩa nung mủ; do dị ứng với nhiễm nấm ở kẻ chân; do thay đổi thời tiết theo mùa do ảnh hưởng của ánh sáng và nóng ẩm.

Bệnh biểu hiện với sang thương là mụn nước khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân, đặt biệt ở mé bên của của ngón tay, lòng bàn tay, mặt trên - mặt bên và mặt dưới ngón chân, lòng bàn chân; bệnh không bao giờ vượt lên mé trên cổ tay và cổ chân; mụn nước ăn sâu vào thượng bì làm cho da nổi ghồ lên, hình tròn, rải rác hay xếp thành chùm, sờ vào mụn nước thấy chắc, cảm giác như có một hạt gì nằm xen trong da, kích thước khoảng 1 - 2mm, có thể trở thành bóng nước nhất là ở lòng bàn tay - bàn chân. Các mụn nước thường xẹp đi và teo đét chứ không tự vỡ, thường có màu hơi ngà vàng, khi bong ra để lộ một nền da hồng, hình đa cung hoặc tròn, có viền vảy xung quanh; kèm theo rất ngứa, càng gãi càng ngứa, bệnh thường kéo dài khoảng 2 - 4 tuần, tróc vảy rồi lành và bệnh hay tái phát.

Bệnh nhân bị tổ đĩa hạn chế tiếp dùng xà bông hay chất tẩy rửa mạnh, điều trị cắt cơn ngứa bằng cách ngâm tay hoặc chân vào nước thật ấm khoảng 3 - 5 lần thay nước nước, nên nhớ rằng ngứa trong tổ đĩa càng gãy thì càng ngứa hơn. Điều trị tại chỗ bằng cách ngâm thuốc tím 1/10.000, thoa bằng Milian hay Eosine. Trường hợp do nấm thì dùng thuốc chống nấm như: Antimycse hay dung dịch BSI. Trường hợp do dị ứng thì dùng thuốc thoa nhóm Corticoid như Eumovat… Ngoài việc điều trị tại chỗ, còn dùng thuốc kháng dị ứng để chống ngứa như: Chlorpheniramine. Vì bé mới 10 tuổi chỉ dùng Clarityne xirô uống một muỗng cà phê hay Aerius 2ml dưới dạng xirô; chỉ uống một lần duy nhất trong ngày; cần nâng cao sức đề kháng dùng sinh tố các loại như PP, C, B1, B6…; trường hợp do nấm thì dùng Itraconazole hay Ketoconazol.

BS.CKI.TRẦN QUỐC LONG

 

 


Ý kiến của bạn