Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về tim mạch - chiếm khoảng 40% trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc giảm lưu lượng máu - giảm cung cấp oxy cho cơ tim có thể gây tổn thương cơ tim, làm giảm khả năng bơm máu, gây ra nhịp tim bất thường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bất ngờ tắc nghẽn động mạch vành nặng có thể dẫn đến một cơn đau tim (nhồi máu cơ tim).
Nguyên nhân do đâu?
Tim thiếu máu cục bộ hay thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra khi máu chảy vào cơ tim giảm, là sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành. Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu cơ tim là do tình trạng xơ vữa mạch vành, làm tắc hẹp các mạch máu nuôi tim, dẫn đến cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy để hoạt động. Còn có một số nguyên nhân khác cũng gây ra co thắt mạch vành dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim như stress, hút thuốc lá...
Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy tiến triển của bệnh bao gồm: ít vận động thể lực, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường...
Bệnh thiếu máu cơ tim nếu không được điều trị tốt, dẫn đến nhiều biến chứng trong đó nghiêm trọng nhất là tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim.
Chế độ ăn giàu chất xơ, ít béo rất tốt cho người bệnh thiếu máu cơ tim.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh
Nhiều người lầm tưởng rằng bệnh tim thiếu máu cục bộ là do lượng máu trong người không đủ. Bệnh thiếu máu là do sự giảm sút hemoglobin hay còn gọi là thành phần chở oxy trong máu. Vì vậy, bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể xảy ra trên một người hoàn toàn không thiếu máu.
Đối tượng dễ mắc bệnh này là nam giới trên 45 tuổi, nữ giới trên 55 tuổi. Phụ nữ dưới 55 tuổi thường còn kinh nguyệt, buồng trứng còn hoạt động sẽ tiết ra nội tiết tố. Nội tiết tố này có tác dụng bảo vệ lớp nội mạc mạch máu và giúp hạ các thành phần mỡ máu. Vì thế, phụ nữ dưới 55 tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Đặc biệt, những người hút thuốc lá, tăng huyết áp hay tiểu đường hoặc ít vận động, gặp stress liên tục cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Cần phát hiện sớm
Bệnh thiếu máu cơ tim gồm có 2 thể: thể đau ngực và thể không có đau ngực.
Thể không có đau ngực: còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, thường gặp ở người bệnh đái tháo đường, người cao tuổi. Người bệnh hoàn toàn không cảm thấy đau ngực, các biểu hiện của thiếu máu cơ tim chỉ được nhận thấy ở trên điện tâm đồ. Đa số người bệnh đều chủ quan và không quan tâm điều trị. Vì vậy, họ rất dễ có nguy cơ bị biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột.
Thể có đau ngực: Ở giai đoạn đầu, đau ngực chỉ xuất hiện khi bạn gắng sức hoặc làm việc nặng. Sau đó, bạn có thể cảm thấy đau ngay cả lúc nghỉ ngơi. Một cơn đau thắt ngực điển hình do thiếu máu cơ tim thường xuất hiện sau khi gắng sức, xúc động mạnh hoặc dưới thời tiết quá lạnh... Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ ngơi mà hoàn toàn không chịu tác động nào thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh nguy hiểm. Bạn cần phải được theo dõi và điều trị tích cực để phòng ngừa nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân cảm giác đau ở ngực trái vùng trước tim, đôi khi chỉ cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác nặng, bị đè ép ở vùng sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái và cánh tay trái. Có thể thấy kèm theo cảm giác hồi hộp lo âu, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đánh trống ngực và choáng váng... Tần suất các cơn đau rất thay đổi, có thể vài tuần, vài tháng một lần, nhưng nếu nặng hơn có thể là vài lần trong 1 ngày. Thời gian đau thường chỉ kéo dài vài giây đến vài phút, thường không quá 5 phút. Nếu cơn đau kéo dài quá 15 - 20 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim và sớm đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.
Các cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim thường sẽ giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm hay xịt thuốc giãn mạch vành.
Những biện pháp để “khai thông” dòng chảy của máu
Tùy vào trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định cho phù hợp. Có thể áp dụng nong mạch vành và đặt stent (can thiệp mạch vành qua da - PCI): chèn ống thông vào phần hẹp của động mạch. Một dây với một quả bóng nhỏ được truyền qua ống thông vào khu vực hẹp. Bóng được bơm căng để mở rộng động mạch, sau đó một giá đỡ (stent) được chèn vào để giữ cho động mạch mở. Một số ống đỡ động mạch chứa thuốc để ngăn tắc nghẽn trong ống.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: phẫu thuật tạo ra một mảnh ghép để qua nơi động mạch vành bị tắc bằng cách sử dụng một mạch từ một phần khác của cơ thể. Điều này cho phép máu chảy vòng quanh động mạch vành bị hẹp tắc.
Phong cách sống và biện pháp khắc phục sẽ giúp cho bệnh nhân giảm nguy cơ mắc bệnh. Bao gồm: bỏ hút thuốc, điều trị bệnh nền làm tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao.
Có một chế độ ăn uống hợp lý: hạn chế chất béo bão hòa, nên ăn nhiều ngũ cốc và các loại hoa quả, rau... Tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 20 - 30 phút, cường độ tập phù hợp sức khỏe: đi bộ, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe... Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân và béo phì. Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt. Ngoài việc thay đổi lối sống lành mạnh, hãy nhớ tầm quan trọng của kiểm tra y tế thường xuyên.