Bệnh tim mạch xin đừng chủ quan, hậu quả sẽ rất nguy hiểm

12-08-2023 09:35 | Y tế
google news

SKĐS - Ông Bùi Đức Thuận, 54 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ tiền sử hẹp van hai lá khít, hở van hai lá nhiều, suy tim, rung nhĩ, có chỉ định phẫu thuật thay van tim nhưng chưa phẫu thuật. Gần đây khó thở, tức ngực nhiều hơn.

Gia đình đưa ông Thuận đến BVĐK tỉnh Phú Thọ thăm khám tim mạch. Qua thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng, kết quả, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh hẹp hai lá khít, hở van hai lá nhiều, suy tim, rung nhĩ cơn.

Sau hai tuần điều trị nội khoa tích cực, tình trạng suy tim cải thiện, các chỉ số cận lâm sàng đáp ứng điều kiện phẫu thuật, người bệnh được phẫu thuật thay van hai lá cơ học bằng phương pháp nội soi.

Bệnh tim mạch xin đừng chủ quan, hậu quả sẽ rất nguy hiểm  - Ảnh 1.

Người bệnh đã tỉnh táo sau phẫu thuật

Sau 4 giờ, ca phẫu thuật thành công. Người bệnh tiếp tục được theo dõi, hồi sức tích cực. Sau phẫu thuật 10 giờ, sức khỏe người bệnh ổn định, tỉnh táo, được chỉ định rút ống nội khí quản, dừng các thuốc vận mạch. 3 ngày phẫu thuật, người bệnh tự ăn, đi lại được. Hiện, sau 7 ngày phẫu thuật, sức khỏe người bệnh phục hồi tốt, không còn khó thở, tức ngực, ăn uống được, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Theo BSCKI. Vũ Quang Tú - Khoa Phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực, BVĐK tỉnh Phú Thọ, phẫu thuật nội soi thay van tim đem lại nhiều ưu điểm so với phương pháp phẫu thuật tim hở như: vết mổ nhỏ, kiểm soát tốt tình trạng chảy máu và các chức năng trong quá trình phẫu thuật, ít ảnh hưởng đến các cơ quan khác; cầm máu sau phẫu thuật tốt.

Người bệnh sau mổ ít đau, bình phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. Đây là một trong những kỹ thuật cao, chuyên sâu chỉ được thực hiện ở các bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn cao. Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện kỹ thuật này thường quy từ nhiều năm nay, giúp người bệnh được sử dụng kỹ thuật chuyên sâu ngay tại tỉnh nhà, không phải đi xa.

BSCKI. Vũ Quang Tú khuyến cáo: Người dân nên đi khám sức khỏe toàn diện định kỳ hoặc khi có bất kỳ biểu hiện nào như: đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở..., chúng ta cần đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý về tim mạch. Khi đã được chẩn đoán và chỉ định điều trị các bệnh lý về tim mạch, người bệnh cần thực hiện uống thuốc đúng giờ, đúng liều, tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.


Hồng Hà (CDC Phú Thọ)
Ý kiến của bạn